Đô thị Việt Nam vốn yếu kém về quy hoạch, kiến trúc, chắp vá, lộn xộn, những tưởng những tượng đài sẽ góp phần cải thiện môi trường văn hoá, môi trường đô thị thì ngược lại những tượng đài to, xấu và lệch chuẩn càng góp phần làm cho bộ mặt đô thị trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn nó để lại lâu dài nhiều hậu quả xấu về thẩm mỹ, xã hội cho con em, thế hệ trẻ.
|
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet |
Hội đồng nghệ thuật: Chỉ thiếu tô thêm má hồng?!
Chỉ trong khoảng 15 năm gần đây đã xuất hiện tới hàng trăm tượng đài trên cả nước. Có địa phương còn lên kế hoạch sẽ xây dựng cả trăm tượng đài sắp tới. Sự bùng phát tượng đài của Việt Nam hiện nay cho thấy nó đang độc diễn, đang đi trên một con đường cô đơn, chẳng giống ai. Công chúng đương thời thì bàng quan, thờ ơ với tượng đài, thứ mà Nhà nước đang hào phóng ban phát cho họ bằng tiền thuế của họ. Nguyên nhân là trình độ của những tác giả tượng đài: nhà điêu khắc, kiến trúc sư... yếu kém về chuyên môn và càng cố làm tượng đài to bao nhiêu thì sự yếu kém này càng lộ rõ bấy nhiêu.
Theo thông lệ, các tượng đài trước khi được dựng phải được duyệt bởi một Hội đồng nghệ thuật. Thế nhưng, hầu như ở bất kỳ Hội đồng nghệ thuật nào người ta cũng dễ dàng nhận ra sự hụt hẫng về tầm văn hóa và các kiến thức nghệ thuật xã hội cơ bản của đa số thành viên trong đó.
Cho nên, không ngạc nhiên khi vị thành viên đó tham gia: “Cái mũi của nhân vật này hơi tẹt, phải làm cho nó thẳng lên theo kiểu dọc dừa, còn đôi mắt thì nên cho nó long lên tí nữa” ... Chỉ thiếu tô thêm má hồng cho nhân vật tượng đài! Các tác giả, các nhà chuyên môn, các nhà quản lý ở địa phương và trung ương về lý luận, về thực tiễn hiện đã không thể kiểm soát được sản phẩm tượng đài - con đẻ không được công chúng đón nhận của một chế độ bao cấp về văn hóa.
Nên hiểu “ngọn nguồn” của quy định
Không phải ngẫu nhiên, dự thảo Nghị định về hoạt động mỹ thuật mới đây có quy định: Tác giả được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng phải có trình độ đại học trở lên chuyên ngành điêu khắc đối với tượng đài, và có trình độ đại học trở lên chuyên ngành hội hoạ, đồ hoạ, tranh hoành tráng đối với tranh hoành tráng. Quy định này đã “vấp” phải những ý kiến trái chiều. Nhưng tựu chung lại là nhiều người chưa hiểu rõ “ngọn nguồn” quy định.
Tượng đài, tranh hoành tráng là công trình văn hoá nghệ thuật biểu hiện nội dung tư tưởng và tinh thần thời đại, mang hình thái xã hội đương thời, được thể hiện bằng chất liệu bền vững, là bộ phận cấu thành của không gian kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên, có quy mô và hình thức nghệ thuật hoành tráng, tác động đến nhận thức của xã hội.Vấn đề mấu chốt là nhiều người chưa phân biệt được tượng với tượng đài cũng như chưa phân biệt được tranh bình thường với tranh hoành tráng.
Ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm đưa ra một ví dụ nôm na khá dễ hiểu để giải nghĩa việc này. Theo đó, một ông thợ nề lành nghề, không cần bằng cấp, có thể xây ngôi nhà cấp 4. Nhưng ông ấy không thể xây một tòa nhà cao tới 4-10 tầng và hơn nữa. Bởi, để thiết kế và xây được tòa nhà ấy không hề đơn giản. Tòa nhà cao tầng ấy phải thiết kế với kết cấu, kiến trúc, không gian, phải tính tới độ chịu lực của toà nhà đó ra sao…một ông thợ nề không thể làm điều đó mà phải là một kiến trúc sư, tất nhiên là phải có trình độ đại học trở lên.
Với một cuộc thi, để chọn mẫu phác thảo tượng đài, ai cũng có thể tham gia, không phân biệt phải có bằng cấp hay không. Nếu tác giả đoạt giải mà không có bằng cấp thì có thể phối hợp với người có trình độ đại học trở lên để phối hợp cùng nhau làm nên một tác phẩm tượng đài hay tranh hoành tráng.
Còn với các tác giả được chỉ định, hay nói cách khác là được “chọn mặt gửi vàng”, thì quy định nhất thiết phải có bằng đại học trở lên và phải có ít nhất 2 công trình tượng đài đã được thực hiện. Đó là điều hoàn toàn hợp lý. Bởi, những người được chỉ định sáng tác các công trình mỹ thuật lớn, đương nhiên phải có đủ khả năng và uy tín. Khả năng và uy tín ấy không thể chứng minh bằng cách nào khác, ngoài những công trình đã được khẳng định với thời gian.
Bên cạnh đó, không phải tác giả nào có mẫu phác thảo tốt thì sẽ làm được tượng đài tốt. Làm tượng đài rất khác với việc sáng tác một tác phẩm điêu khắc để triển lãm. Từ khâu phóng tượng, thi công công trình đến kiến trúc cảnh quan... Nếu không có những kiến thức cơ bản thì không thể làm nổi. Tượng đài và tranh hoành tráng là những công trình mỹ thuật công cộng, vĩnh cửu, nên nó phải đáp ứng những yêu cầu nhất định về giá trị thẩm mỹ.
Với những dự án tượng đài hoành tráng vừa mang tính nghệ thuật, vừa mang tính kinh tế, xã hội, chính trị - nhất là tượng danh nhân, rất cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo tính thẩm mỹ, sự tôn trọng lịch sử. Việc có bằng ĐH thì mới được thực hiện những công trình điêu khắc tượng đài hoành tráng, có thể coi đó như là một cái chứng chỉ hành nghề. Và quy định này cũng sẽ góp phần giảm thiểu những tượng đài lệch chuẩn.
Bảo Châu