Mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con?
Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc phản ảnh trên thị trường đang có bán cuốn sách "Truyện cổ tích VN" do Nhà xuất bản (NXB) Kim Ðồng xuất bản tháng 10/2014. Cuốn Truyện cổ tích Việt Nam có tình tiết gây tranh cãi về “mẹ con Thạch Sanh cởi truồng, mặc chung quần” và “Thạch Sanh chém trăn tinh phọt óc”.
Trong truyện cổ tích Thạch Sanh viết: “Thạch Sanh con ơi! Mẹ phải chết đây con ạ! Con sống được là nhờ xóm nhờ làng, vậy khi con khôn lớn, con phải hết lòng vì làng vì xóm.
- Nói rồi bà cởi chiếc quần độc nhất của mình trao cho con: Con cũng đã lớn rồi đấy, cởi truồng mãi thế người ta cười cho, hãy giữ lấy cái quần này của mẹ mà mặc. Rồi bà tắt thở. Thạch Sanh không nỡ để mẹ chết trần, nên chỉ xẻ một mảnh ống quần để làm cái khố, còn mặc vào cho mẹ rồi nhờ xóm làng chôn cất tử tế”.
Đoạn kể gây tranh cãi trong truyện Thạch Sanh được phụ huynh tô lại. |
Ở một đoạn khác, khi miêu tả Thạch Sanh giết chằn tinh, có câu: “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu chằn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”.
Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vỹ (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn-Đại học Quốc gia Hà Nội), cách kể vô hồn (những chi tiết như "nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi...") như vậy không phù hợp với tâm lý tiếp nhận của lứa tuổi thiếu nhi, gây tác động xấu đến tâm lý, nhận thức của nhóm đối tượng độc giả này.
Ông Vỹ nhấn mạnh rằng, trong đoạn giết trăn tinh có thể tưởng tượng ra những chi tiết vừa oai hùng vừa mang tính nghệ thuật, giả dụ như “khi trăn tinh chết một tia chớp lóe lên vang động cả núi rừng” chứ không cần phải đưa những từ ngữ bạo lực “vỡ đầu, phọt óc” vào câu chuyện.
Theo vị chuyên gia này, việc kể câu chuyện cổ tích “Thạch Sanh” với chi tiết như vậy thể hiện sự cằn cỗi trong tâm hồn của những người làm sách. Họ thiếu những cân nhắc, suy xét cẩn trọng khi kể cho các em thiếu nhi một câu chuyện cổ tích với ngôn ngữ như vậy.
Trao đổi với báo chí, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cũng nhận định, nếu vin vào lý do nhóm biên tập cuốn sách dựa vào dị bản nào đó của truyện cổ tích Thạch Sanh là không đúng bởi vì trong truyện cổ tích không thể có những tình huống đối thoại đến mức đến mức chi tiết đến như vậy.
Cũng theo chuyên gia Lại Nguyên Ân, những chi tiết như mẹ Thạch Sanh nhường quần cho con, hay Thạch Sanh đánh phọt óc chằn tinh là phản cảm, bạo lực giống và thực sự không phù hợp với trẻ em, nên có những biện pháp sửa chữa và khắc phục nhanh chóng bên phía Nxb.
Về phía Nxb Kim Đồng, đại diện cho biết, hiện tại phía Nxb đã tạm dừng phát hành cuốn Truyện cổ tích Việt Nam để biên tập lại nội dung.
Đại diện truyền thông của Nxb Kim Đồng cho biết: “Truyện cổ tích vốn có nhiều dị bản khác nhau. Truyện Thạch Sanh ở đây cũng là một dị bản được sưu tầm chứ không phải do nhóm biên soạn sáng tác ra. Khi làm bộ sách này, biên tập viên nhà xuất bản cũng đã cân nhắc và chỉnh sửa khá kỹ càng. Nhưng cách nhìn của mỗi thời đại về truyện cổ cũng có sự thay đổi”.
Mặc dù vậy, NXB chưa thể trả lời về xuất xứ cụ thể của dị bản này vì chưa liên hệ được với người trực tiếp biên soạn sách.
“Khi độc giả có những ý kiến như vậy về sách của chúng tôi, NXB đều tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa khi tái bản để phù hợp với quan niệm thẩm mỹ và cách dùng từ ngữ của thời hiện đại. Những từ ngữ khiến độc giả có cảm giác là hơi bạo lực thì chúng tôi sẽ xem xét loại bỏ”.
Muốn xuất bản gì cũng được?
Khi đọc được những chi tiết trên trong truyện do Nxb Kim Đồng ấn hành, một độc giả bức xúc: “Chẳng thể hiểu nổi sách truyện kiểu này cũng xuất bản để cho các em nhỏ đọc. Xã hội bây giờ chỉ cần có tiền muốn xuất bản gì thì xuất bản à? Chẳng lẽ trước khi in không có cơ quan nào kiếm duyệt hay sao? Hết sách giáo khoa giờ lại sách truyện, rồi sẽ đến sách gì nữa? Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đâu rồi? Còn “thẩm định lại nội dung và chủ động đề xuất phương án xử lý” gì nữa? Sao không đình chỉ và xử phạt luôn?”.
Bìa cuốn "Truyện cổ tích Việt Nam" . |
Trong khi đó, chị Hoài Hương (Phụ huynh một học sinh lớp 3 trường tiểu học tại quận Cầu Giấy) bày tỏ: “Tôi có mua cho cháu cuốn truyện này từ tháng trước. Hôm vừa rồi cháu có đọc đến đoạn này rồi nói không giống với những gì được bà ngoại kể cho nghe trước đó.
Tôi có xem qua và thực sự không thể tin được lại có những câu chữ thô tục và ghê rợn đến như vậy. Dù có tưởng tượng thêm cũng xin đừng quá lố thế chứ. Hãy để trẻ em Việt Nam thực sự được học những gì đẹp nhất trong sáng nhất theo đúng lứa tuổi của các em. Dù đã cố gắng giải thích cho con nhưng chắc chắn cháu vẫn còn những ngờ vực”.
Một độc giả khác gay gắt phản ứng: “Đề nghị cơ quan chức năng vào làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể cho phát hành cuốn sách. Không cần thẩm định truyện mà cần thẩm định ban biên tập xuất bản truyện. Cần thiết phải cách chức, cho thôi việc những người làm việc tắc trách, cẩu thả khi cho phát hành cuốn sách trên để làm gương cho người khác. Đừng biện minh cho sự dốt nát. Chúng ta đừng để cho những kẻ không có trình độ làm hỏng các thế hệ tương lai”.
Nhiều người được hỏi cũng nhận định, việc xuất bản hàng loạt cuốn sách có nội dung như trên sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhận thức và tư duy sáng tạo văn học của học sinh. Dù đó chỉ là những câu chuyện hư cấu nhưng bao đời nay nó đã in sâu vào tiềm thức người Việt, nó trở thành nét văn hoá đặc trưng cho cả một dân tộc./.
Ngày 20/3, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin Truyền Thông) đã gửi công văn cho NXB Kim Đồng yêu cầu thẩm định lại nội dung cuốn sách Truyện cổ tích VN, đề xuất phương án xử lý đối với cuốn sách.
Trong công văn 1430/CXBIPH-QLXB gửi đến tất cả các NXB, Cục đưa ra ba yêu cầu. Một, các NXB phải "chủ động kiểm tra lại toàn bộ xuất bản phẩm dành cho thiếu nhi của NXB đã xuất bản và phát hành; rà soát toàn bộ bản thảo đang trong quá trình xuất bản. Nếu có những vấn đề cần điều chỉnh, NXB phải có biện pháp xử lý kịp thời".
Hai, phải "lựa chọn và biên tập kỹ nội dung từng xuất bản phẩm. Nội dung và hình thức trình bày, hình vẽ minh họa phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam và tâm sinh lý từng lứa tuổi. Ghi rõ đối tượng phục vụ, lứa tuổi bạn đọc ngoài bìa 1 của xuất bản phẩm".
Ba, "phổ biến yêu cầu trên cho toàn thể cán bộ, biên tập viên, cộng tác viên và đối tác liên kết của NXB".
Còn trong công văn 1431/CXBIPH-QLXB gửi riêng cho NXB Kim Đồng, Cục Xuất bản nhắc đến trường hợp sách Truyện cổ tích Việt Nam "có nội dung không phù hợp với trẻ em". Cục yêu cầu NXB Kim Đồng "thẩm định lại nội dung và chủ động đề xuất phương án xử lý với cuốn sách trên trước ngày 2/4/2015".
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.
Chuyên mục Tiêu dùng & Dư luận của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả liên quan đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hành, chăm sóc khách hàng...
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com