Hết thời làm du lịch kiểu “xẻ thịt” di sản

(PLVN) -Phát triển du lịch có trách nhiệm đang dần trở thành một xu hướng tất yếu khi ngành du lịch Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. Thế nhưng trong bối cảnh đó, nhiều cá nhân, tổ chức đang bị lợi ích che mắt vẫn sẵn sàng hi sinh cảnh quan, di sản, văn hoá; không ít du khách tham quan nhận thức chưa cao, gây tác động xấu tới môi trường, cuộc sống bản địa.
Công trình trái phép trên đỉnh Mã Pí Lèng.
Công trình trái phép trên đỉnh Mã Pí Lèng.

Khó chọn lựa giữa lợi ích kinh tế và di sản 

Trước đây, đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn, ở huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam đã từng phản ứng gay gắt trước thái độ vô trách nhiệm của du khách khi xả rác bừa bãi ra rừng. Nhờ đó, du khách phải thay đổi lại nhận thức, chấn chỉnh lại hành vi. 

Du lịch trải nghiệm cần đồng hành với trách nhiệm bảo tồn văn hóa và môi trường tự nhiên, tôn trọng sự nguyên bản. Theo đó, các xu hướng về du lịch xanh, du lịch dọn rác, tẩy chay du khách ý thức kém, … cũng góp phần lan toả lời kêu gọi phát triển du lịch có trách nhiệm đến toàn xã hội.

Công trình vi phạm xâm hại di sản Tràng An.
 Công trình vi phạm xâm hại di sản Tràng An.

Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 26 (World Travel Awards - WTA) dành cho khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2019 vừa diễn tại Phú Quốc. Việt Nam được xướng tên nhận 4 giải thưởng dành cho thương hiệu quốc gia, trong đó, đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam nhận được giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á do WTA trao tặng. 

Đây là một tín hiệu đáng mừng nhưng cũng tồn tại nhiều thách thức. Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội mới được giới thiệu tại Việt Nam không lâu và đang dần được phổ biến rộng rãi, nhận được sự ủng hộ của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và cộng đồng người dân, dư luận. Phát triển du lịch có trách nhiệm là một định hướng thiết thực, tất yếu cho du lịch Việt Nam phát triển bền vững. 

Trách nhiệm ở đây không thể quy kết cho một hay nhóm cá nhân, tổ chức mà trên phạm vi toàn xã hội, phù hợp với nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền. Trong đó, Nhà nước có vai trò “dẫn đường, chỉ lối” cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư bởi phát triển du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam mới chỉ ở những bước đầu tiên. 

Trong giai đoạn du lịch đang phát triển “nóng” ở Việt Nam hiện nay, cần nhiều hơn những định hướng và chính sách của Nhà nước, những nỗ lực của các bên liên quan và quan trọng bậc nhất vẫn là nhận thức và tầm nhìn của các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam.

Có thể thấy, cuộc vận động này không chỉ dừng ở tuyên truyền nhận thức tới một bộ phận nào trong xã hội. Mới đây, có thể thấy một sự đồng lòng, nhất trí xoá bỏ “đống rác bê tông” 7 tầng ở Mã Pì Lèng, ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, để trả lại cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như vốn có ở đây. 

Nhưng vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều. Phần đông dư luận theo quan điểm bảo tồn thì lên án mạnh mẽ, cho rằng công trình đã “bôi xấu cảnh quan”, “băm nát di sản”. Cư dân mạng cùng phản ứng và chia sẻ rộng rãi thông điệp “Nếu thực sự yêu Mã Pì Lèng, đừng cho những kẻ phá hoại Mã Pì Lèng cơ hội kiếm tiền”. 

Tuy vậy, một bộ phận có quan điểm phát triển du lịch thì ngược lại: “Người dân địa phương cũng có nhu cầu kiếm tiền từ chính mảnh đất quê hương của họ, miễn là không xâm phạm vùng bảo vệ danh thắng đã được Nhà nước quy định”.

Sản phẩm hạ tầng này có thể nâng cao chất lượng sống của cộng đồng địa phương hay không? Trước khi trả lời câu hỏi này, có lẽ cần suy xét các câu hỏi khác: Vì sao ngồi trên “kho vàng” di sản, cảnh quan nhưng người dân vẫn nghèo? Nếu phát triển du lịch ồ ạt và tự phát, di sản có còn được bảo vệ? Nếu di sản bị tàn phá, xuống cấp; thiên nhiên, môi trường bị ô nhiễm thì ai sẽ là người cuối cùng phải chịu hậu quả?.... 

Có thể thấy trước mắt, công trình bê tông này có thể tạo ra lợi ích kinh tế lớn cho doanh nghiệp và một số tư nhân, nhóm người, chứ không nhất thiết có thể thay đổi đời sống của đông đảo người dân bản địa. Thậm chí đã gây tác động tiêu cực đến việc bảo tồn thiên nhiên và các di sản văn hóa cũng như duy trì sự đa dạng của thế giới.  

Đối với người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, phát triển du lịch có thể tạo ra nhiều công ăn việc làm, cải thiện đời sống, thu nhập, kích thích sự khởi nghiệp, phát triển kinh tế cho địa phương. Tuy nhiên, nếu sản phẩm du lịch gây tác động xấu, gây xung đột lợi ích về kinh tế, văn hóa, môi trường thì sẽ sớm bị thất bại và bị chính đồng bào bản địa tẩy chay.

Cần điều chỉnh nhận thức doanh nghiệp 

Không phải lần đầu tiên ở nước ta xảy ra việc doanh nghiệp, cá nhân xây dựng tại các khu vực di sản, khu vực phụ cận… phá vỡ không gian di sản. Thời gian qua, việc khai thác di sản tại Tràng An (Ninh Bình), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hạ Long (Quảng Ninh), núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Sam (An Giang), đang cho thấy một lối mòn tư duy “xẻ thịt” di sản để phát triển du lịch, nhưng thu lợi cá nhân.

Một số tổ chức, cá nhân tự ý xây dựng các công trình dịch vụ, du lịch... để đón khách khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép đến việc ngang nhiên phá nát di sản bằng đủ loại công trình bê tông, cốt thép. 

Đơn cử một số công trình như: công trình đường lên núi Cái Hạ trong khu vực di sản thế giới quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); xây dựng tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam (An Giang)... Để điều này xảy ra được, không thể chối bỏ trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng không thể chờ nhắc nhở rồi mới làm đúng. 

Một doanh nghiệp đổ đất xâm phạm vào vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
 Một doanh nghiệp đổ đất xâm phạm vào vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Theo PGS TS Phạm Trương Hoàng, nhận thức về du lịch có trách nhiệm và xác định tầm nhìn phát triển du lịch có trách nhiệm tại doanh nghiệp là bước khởi đầu quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Nếu chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt mà phá hoại không gian, môi trường; doanh nghiệp, cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật hoặc bị tẩy chay bởi dư luận, đồng thời phải chịu thiệt hại do chính mình gây ra. 

Chia sẻ với báo chí, nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho hay: “Tư duy đánh thức di sản để làm du lịch là quan điểm lỗi thời của thế kỷ trước, khi ta mới phát triển du lịch. Bây giờ làm du lịch phải tuân theo phát triển bền vững, không thể ồ ạt như vậy. Phải tôn trọng giá trị của di tích, di sản. Từ đó sẽ hưởng lợi từ những cái khác, chứ không phải ta cứ dần chiếm hết những cái đẹp”. 

Theo ông Sơn, có thể nhắc tới một doanh nghiệp ở Sa Pa, công trình dù quy mô nhỏ nhưng thân thiện với môi trường, sử dụng chất liệu bảo vệ môi trường có thể hiệu quả hơn rất nhiều, đóng góp được nhiều giá trị cho cộng đồng địa phương cả về mặt nhận thức bảo tồn giá trị lẫn kinh tế.

Cần thêm các xu hướng du lịch xanh, du lịch dọn rác, tẩy chay du khách ý thức kém… để phát triển du lịch có trách nhiệm.
Cần thêm các xu hướng du lịch xanh, du lịch dọn rác, tẩy chay du khách ý thức kém… để phát triển du lịch có trách nhiệm.   

Nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng hoạt động du lịch của doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong các con số mục tiêu và chỉ tiêu số lượng khách du lịch và doanh thu; quan trọng hơn đó phải là ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, cộng đồng, xã hội và tầm nhìn chiến lược, phát triển bền vững.

 “Từ Đà Nẵng, Sa Pa cho đến Tam Đảo... các doanh nghiệp đang tàn phá không gian rất nhiều. Một điểm không phát triển bền vững nữa là định hướng tăng lượng khách. Tăng khách mà không đáp ứng được các yếu tố đảm bảo bảo vệ môi trường. Đáng tiếc Luật Du lịch có kẽ hở là không cấm, không có chế tài để bảo vệ tài nguyên du lịch. Luật Di sản cũng vẫn còn khoảng trống, chỉ quy định với khu vực I và II của di tích, di sản và một khoảng mở về cảnh quan”.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Lào Cai

“Các mục tiêu và hoạt động phát triển không được làm mai một hay suy giảm các giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản”. 

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam

“Nếu doanh nghiệp đóng vai trò bản lề trong việc phát triển  du lịch có trách nhiệm thì khách du lịch có vai trò động cơ, Nhà nước và cộng đồng có vai trò đòn bẩy và các bên tham gia (các tổ chức môi trường, xã hội, các tổ chức quốc tế...) đóng vai trò là chất xúc tác”. 

PGS. TS. Phạm Trương Hoàng, Tạp chí Du lịch

Diệu Bảo (tổng hợp)