Tại hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam” do Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển văn hóa Hùng Vương tổ chức, các nhà khoa học như PGS.TS Hoàng Văn Khoán, Trịnh Sinh, Nguyễn Minh Tường, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung… đều tập trung làm rõ thời đại Hùng Vương trong lịch sử thông qua sử liệu, kết quả khảo cổ học mấy chục năm qua.
Xung quanh con số 18 đời Vua Hùng
Theo đó, sự thật về 18 đời Vua Hùng đến nay vẫn còn là ẩn số đối với lịch sử Việt Nam, cần được các nhà khoa học nghiên cứu thêm để thống nhất. Theo một số tài liệu lịch sử, từ thời điểm Kinh Dương Vương lên ngôi năm 2879 TCN cho đến hết thời Hùng Vương năm 258 TCN, kéo dài tới 2.622 năm.
Như vậy, 18 đời Vua Hùng trị vì 2.622 năm, tính trung bình mỗi vị vua trị vì hơn 145 năm? Con số này có nhiều giả thiết khác nhau, nhiều ý kiến hoài nghi. Thậm chí, trong cuốn “Việt Sử tiêu án” viết năm 1775, tác giả Ngô Thì Sĩ cũng tỏ ra băn khoăn: "Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được?".
Còn tác giả Nguyễn Khắc Thuần trong cuốn “Thế thứ các triều vua Việt Nam” viết: "18 đời nối nhau trị vì 2.622 năm là những con số rất khó thuyết phục người đọc. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng với người Việt, số 9 là số thiêng, các bội số của số 9 (như 18, 36, 72, 99) cũng là những số thiêng tương tự.
Cho nên, con số 18 đời Hùng Vương mà Hùng triều ngọc phả nói tới cũng chỉ là ước lệ, biểu tượng của một ý niệm thiêng liêng nào đó". Theo bản “Ngọc phả Hùng Vương” được soạn năm 980 dưới triều Vua Lê Đại Hành, không phải 18 đời Vua Hùng mà là 18 nhành/ngành với tổng cộng 180 đời vua. “Tân đính Lĩnh Nam chích quái” thời Hậu Lê cũng viết là 18 ngành Vua Hùng, không phải 18 vị vua.
Câu chuyện 18 đời Vua Hùng, các nhà khoa học giải thích con số này chỉ mang tính biểu tượng. Quan điểm thống nhất và đã được Nhà nước chấp nhận là thời đại Hùng Vương cách ngày nay xa nhất 2.700 năm, với sự ra đời của Nhà nước Văn Lang và trùng khớp với văn hóa Đông Sơn. Điều này được các nhà khoa học lịch sử, khảo cổ, nhân học chứng minh trong suốt nửa thế kỷ qua.
Lễ hội Đền Hùng. |
PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, đã từng có bốn cuộc hội nghị khoa học cấp quốc gia đã được tổ chức vào các năm 1968, 1969, 1971 và 1972 về triều đại Hùng Vương ở nước ta.
Với cách tiếp cận đa bộ môn và phương pháp nghiên cứu liên ngành, cùng với quá trình khai quật nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc các văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun, Phùng Nguyên và đặc biệt là văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa, các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng, thời kỳ Hùng Vương là có thật trong lịch sử Việt Nam, niên đại sớm nhất là thế kỷ VIII trước Công nguyên và muộn nhất là thế kỷ II trước Công nguyên.
Với tầm quan trọng và những thành tựu đạt được của Nhà nước Văn Lang trong thời kỳ này trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tầm bao quát của Nhà nước ấy trên lãnh thổ quốc gia Việt Nam thời kỳ dựng nước, đã có thể định danh một thời đại trong lịch sử Việt Nam: Thời đại Hùng Vương.
Nhiều di tích bị phá hủy
Từ năm 1971 tới nay, các nhà khảo cổ học đã có điều kiện để khai quật thêm nhiều di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn hoặc văn hóa Phùng Nguyên có mối quan hệ chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại Hùng Vương.
Di tích khảo cổ Vườn Chuối (Hà Nội) tiêu biểu thời Hùng Vương đối diện nguy cơ biến mất. |
Nhiều câu hỏi hóc búa vẫn đang đợi các nhà nghiên cứu lý giải
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt được Đảng, Nhà nước và xã hội coi trọng, thể hiện qua việc lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là ngày Quốc lễ.
Liên Hợp quốc cũng đánh giá cao tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam khi UNESCO ghi danh "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại điện của nhân loại. Thời đại Hùng Vương, Giỗ tổ Hùng Vương luôn có vị trí quan trọng trong tâm thức mỗi người dân nước Việt. Điều này khẳng định, người dân Việt Nam có chung một nguồn cội.
Do đó, TS. Nguyễn Văn Cường - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đưa ra ý kiến rằng các nhà nghiên cứu cần đi sâu tìm hiểu để trả lời các câu hỏi cũng là thách thức khoa học như: Tại sao các Vua Hùng được thờ ở địa điểm hiện tại; Tại sao đền Hùng lại có cột thờ bằng đá tương truyền An Dương Vương thề với Vua Hùng; Sự kiện liên quan tới các tướng kể cả thủy binh, bộ binh thời Vua Hùng ra sao; Tại sao lại thờ nhiều nhân vật thuộc thần núi như Tản Viên, Cao Sơn; Sự kiện Hùng Nghị Vương đánh Thục ở Ai Lao có thật không; Cổ Loa vào thời trước An Dương Vương đã có vai trò gì liên quan đến các vua Hùng; Nguồn gốc tộc người Thục và quan hệ Thục- Hùng …
TS Cường nhấn mạnh: “Các cơ quan chức năng không ngừng nâng cao giáo dục về di sản văn hóa và Luật Di sản văn hóa. Phổ biến tới toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ khẩu hiệu “Di sản nằm trong tay thế hệ trẻ” của UNESCO, ICOMOS nhấn mạnh tới “một chương trình thông tin đại cương” cho mọi người, bắt đầu từ trẻ em ở tuổi đến trường.
Vì thế, cơ quan chức năng sớm hoàn thành hệ thống chính sách về di tích, nhất là những chính sách về xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị. Nâng cao vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước để sử dụng có hiệu quả hơn nữa sự đóng góp của nhân dân cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa”. Từ các kết quả nghiên cứu, một số nhà khoa học khẳng định, về kinh tế, sự ra đời và phát triển của nền nông nghiệp lúa nước dùng các công cụ như cày, bừa, dùng trâu bò làm sức kéo có thể coi là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp ở nước ta thời dựng nước.
Bên cạnh việc trồng lúa và hoa màu, nghề chăn nuôi, nghề làm đồ gốm, luyện kim (đúc đồng, luyện sắt) có vai trò to lớn thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được dấu vết của một số trung tâm đúc đồng và lò luyện quặng để lấy sắt…
Tại hội thảo mới đây, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam thay mặt các nhà khảo cổ phục dựng lại đời sống vật chất và đời sống tinh thần của cư dân thời Hùng Vương với nhiều chi tiết sinh động.
PGS.TS Hoàng Văn Khoán - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, từ việc dùng gậy chọc lỗ, dùng cuốc tiến lên nông nghiệp dùng cày, có lưỡi bằng kim loại, có sức kéo bằng động vật là cuộc cách mạng trong nông nghiệp thời dựng nước. Khảo cổ học đã phát hiện 4 loại lưỡi cày đồng mà hình dáng của nó tương ứng với 4 vùng đất khác nhau, đất nào cày ấy.
Ở vùng trung du là lưỡi cày hình tam giác, lưỡi cày hình thoi ở lưu vực sông Hồng, lưỡi hình chân vịt ở lưu vực sông Mã, lưỡi cày vai ngang ở lưu vực sông Cả. Nghề luyện kim, đúc đồng và luyện sắt cũng phát triển ở thời đại Hùng Vương.
Có 4 trung tâm đúc đồng lớn dưới thời này được phát hiện gồm: xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội); Trung tâm Đình Tràng (xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội); Trung tâm Luy Lâu (xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh) và Trung tâm Thành Dền (xã Tự Lập, Mê Linh, Vĩnh Phúc). Ngoài ra, đồ gốm cũng rất phát triển trong thời đại Hùng Vương.
TS Trần Anh Dũng - Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, ở giai đoạn này, khảo cổ học đã phát hiện được 9 khu lò sản xuất gốm, tập trung ở 4 tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Quảng Ninh.
Còn PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thông tin, nếu lấy Đền Hùng làm tâm, trong bán kính khoảng 10km quanh khu vực núi Nghĩa Lĩnh (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), nơi được coi là kinh đô đầu tiên của Nhà nước Việt Nam, đến nay đã có 40 di tích khảo cổ thời đại kim khí.
Một chuỗi di tích, di vật thu được tạo thành một hệ thống văn hóa kế tiếp nhau. Đó là những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có giá trị lịch sử - văn hóa như truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, “Bánh chưng bánh dày”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh; là những lễ hội với các trò diễn, nghi lễ, diễn xướng dân gian độc đáo như: Hội cày tịch điền ở Minh Nông (TP Việt Trì), hội rước Chúa gái ở Chu Hóa, Hy Cương (huyện Lâm Thao); những dân ca lễ nghi tín ngưỡng, mà cụ thể là hát xoan, món ăn tinh thần không thể thiếu trong cộng đồng dân cư Phú Thọ…
Quan trọng là vậy nhưng cũng tại hội thảo, các nhà khoa học đã chỉ ra, hầu hết các di tích của thời kỳ Hùng Vương đến nay đã bị phá hủy hoàn toàn.
Theo một khảo sát của các nhà khảo cổ học thời kỳ kim khí của Viện Khảo cổ, sơ bộ tới năm 2.000 có trên 1000 di tích thời Đông Sơn. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, chúng ta mất trên 50% di tích thuộc thời đại này. Riêng miền đất tổ Phú Thọ, Vĩnh Phúc các di tích thời đại Hùng Vương và tiền Hùng Vương mất tới 90%, nghĩa là gần như bị phá hủy hoàn toàn.
“Theo Công ước của UNESCO về Di sản văn hóa, đặc biệt Công ước về di sản khảo cổ học Lausanne 1990, đây là loại di tích quan trọng nhất mang tính xác thực cao nhất để chứng minh thời kỳ Hùng Vương là có thật, đồng thời đây là loại di tích dễ bị phá hủy nhất và một khi đã bị phá hủy không bao giờ có thể tái sinh được. Các nhà nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, đánh mất di tích lịch sử là đánh mất trí nhớ của cả một dân tộc, là bỏ quên nguồn cội của dân tộc” - PGS.TS Tống Trung Tín cảnh báo.
Tình trạng thương mại hóa di tích, vi phạm di tích hiện nay khá phố biển; công tác trùng tu, tôn tạo di tích còn thiếu đồng bộ. Hệ thống giao thông tại nhiều di tích còn rất khó khăn, nhiều di tích có giá trị lớn về văn hóa - lịch sử nhưng luôn trong tình trạng vắng khách tham quan, thậm chí biệt lập với xã hội do cơ sở hạ tầng còn yếu kém...
Đề nghị không dùng 4.000 năm lịch sử trong văn bản chính thức
Bên cạnh việc “vén màn bí ẩn ” thời đại Hùng Vương thì con số 4000 năm lịch sử cũng là vấn đề mà nhiều nhà khoa học dành nhiều quan tâm. Bởi theo lý giải của nhiều nhà sử học thì nếu nói Việt Nam có 4.000 năm lịch sử thì thực ra chúng ta đang nói tới thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên (sơ kỳ thời đại đồ đồng, cách ngày nay khoảng 4.000 đến 3.500 năm).
Khảo cổ học trong mấy thập kỷ gần đây đã chứng minh một cách rõ ràng, xã hội thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên vẫn còn là công xã nguyên thủy, chưa có giai cấp và tất nhiên là chưa có Nhà nước.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, từ trước tới nay, chúng ta vẫn quen nói rằng, Việt Nam trải qua 4.000 năm lịch sử. Thực ra, đây chỉ là cách gọi chung chung theo quan niệm truyền thống về lịch sử hình thành quốc gia dân tộc, nhưng không dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học thực sự, lại không có sự kiểm chứng của khảo cổ học và như thế, không phản ánh một cách chuẩn xác sự thật lịch sử .
“Chắc chắn Nhà nước Văn Lang ra đời muộn hơn nhiều so với mốc thời gian 4.000 năm cách ngày nay”, GS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định. Cũng theo GS Ngọc, kết quả nghiên cứu này đã được Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị với Đảng, Nhà nước không dùng các khái niệm “4.000 năm lịch sử”, "4.000 năm mở nước", "4.000 năm dựng nước"… trong các văn bản chính thức.
Tinh thần này đã được quán triệt trong quá trình biên soạn các sách giáo khoa Lịch sử phổ thông, giáo trình đại học và các tài liệu thông tin tuyên truyền. Đặc biệt, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 đã chỉnh lại là “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu anh dũng để dựng nước, giữ nước”. Đây là thành tựu nổi bật mà mỗi người đọc sử, học sử và hiểu sử Việt Nam không thể không thừa nhận.
T.Dương (ghi)