Hiểm họa ngay cổng bệnh viện

Bệnh viện vốn là nơi chữa bệnh cứu người, nhưng đôi khi hiểm họa về bệnh dịch, nhất là dịch tả lại tiềm ẩn ngay từ các hàng quán vỉa hè trước cổng bệnh viện.

Bệnh viện vốn là nơi chữa bệnh cứu người, nhưng đôi khi hiểm họa về bệnh dịch, nhất là dịch tả lại tiềm ẩn ngay từ các hàng quán vỉa hè trước cổng bệnh viện.

 

Hàng quán chung quanh Bệnh viện đa khoa Việt - Tiệp

Phố  Hai Bà Trưng (quận Lê Chân) đoạn trước cổng Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp, đập vào mắt mọi người là cảnh đông đúc chen lấn, bởi có quá nhiều người bán hàng ăn  uống từ hàng bún, phở, đến cơm suất, gánh bánh đa cua, xe bánh mì, nước giải khát… chiếm hết vỉa hè,

 

Ngày nào cũng vậy, từ sáng tới tối luôn diễn ra cảnh chiên xào, nấu nướng ì xèo trên vỉa hè sát lề đường, bụi bặm, đông đúc xe cộ qua lại. Nhiều hàng quán thoải mái đổ nước thải ra đường, nồi niêu xoong chảo để ngổn ngang,  ruồi nhặng bu đầy. Quang cảnh giống như một chợ  cóc lề đường hơn là cổng một bệnh viện

 

Buổi trưa, ghé một quán cơm bụi gần Bệnh viện Việt Tiệp bên phía đường Hai Bà Trưng để "thưởng thức" và bắt gặp một chị  nhắc khẽ người thân: "Nhắm mắt ăn cho qua bữa đi, nhìn người ta làm là không nuốt được đâu, sợ lắm!". Tôi hỏi chuyện làm quen, biết chị tên là Xuyến, quê ở thôn Nam Phong, xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng) đến  chăm em gái đang điều trị tại khoa Tiết niệu của bệnh viện. Chị  Xuyến bảo: "Nhà xa, không có điều kiện nên phải ăn cơm bụi ở đây, chứ mấy chỗ thế này có vệ sinh gì đâu". Nghe thế, cô bán hàng giọng khó chịu: "Chỉ có 15 nghìn đồng một phần cơm, mà đòi an toàn thực phẩm ở đâu ra. Muốn sạch sẽ thế vào nhà hàng !"

 

Thực khách của quán hàng rong, quán vỉa hè khu vực này không chỉ những người đi chăm nuôi người nhà nằm viện, mà còn có cả nhân viên văn phòng làm việc tại các công ty, cơ quan gần đó. Đồ ăn dư thừa, bát đĩa cốc chén bẩn để lăn lóc dưới gốc cây, gầm bàn, cạnh hố ga thu gom nước thải.

 

Khu vực chung quanh Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, nhất là phía đường Trần Quang Khải, đội quân hàng rong xe đẩy, quán hàng vỉa hè cũng không kém phần nhộn nhạo. "Các xe hàng rong gây nhộn nhạo mất vệ sinh, làm ách tắc lưu thông quanh khu vực bệnh viện, thậm chí cản trở cả xe cứu thương bệnh viện khi chuyên chở cấp cứu người bệnh "- chị Hướng một y tá của bệnh viện bức xúc. Không chỉ có vậy, các quán vỉa hè tại đây còn phân chia bán hàng theo ca, buổi sáng là quán bán bún, bánh đa, tới trưa nhường chỗ cho quán bún chả quạt nghi ngút khói và đông nghẹt bàn ghế, chiều lại thay bằng một quán chuyên bún, miến ngan và trà đá giải khát nữa. Suốt cả ngày lúc nào cũng tấp nập người ăn uống, che lấp hết cả một bên mặt tiền cổng bệnh viện phía đường Trần Quang Khải.

 

Thực tế, tại các bệnh viện  có căng tin hay điểm bán hàng ăn, nhưng đồ ăn, thức uống đều  bán với giá cao hơn so với bên ngoài. Trong khi đó, rất nhiều người bệnh đến từ các vùng xa, gia đình nghèo, đành ra ngoài ăn cơm bụi để tiết kiệm tiền. Thêm nữa, căng tin bệnh viện  không thể đáp ứng nhu cầu của người bệnh và người nhà. Chính vì vậy, ở đâu có bệnh viện là ở đó các quán ăn, hàng rong tập trung đông đúc, gây lộn xộn, mất vệ sinh.

 

Các bệnh viện nên tổ chức thêm căng tin mang tính xã hội hóa, phục vụ ăn uống cho thân nhân người bệnh với giá cả vừa phải, hợp túi tiền của số đông người đến từ các vùng quê.

 

Bài và ảnh Hoàng Mai

Đọc thêm