Nỗi lo lắng khổ sở của những cặp vợ chồng hiếm muộn thật không thể kể xiết. Bên cạnh nỗi khổ ấy, còn có những câu chuyện éo le mà không phải ai cũng biết...
|
Ảnh minh họa. |
Chị Nguyễn Tố Trâm (SN 1976, ngụ quận 8, TPHCM) cùng chồng đến Khoa Hiếm muộn, bệnh viện Từ Dũ lần đầu để khám, lý do vì sao hai vợ chồng đã kết hôn bốn năm này mà vẫn chưa có con, dù anh chị sinh hoạt vẫn bình thường. Kết quả khám cho biết, anh bị chứng Vô sinh do không có tinh trùng. Giải pháp lựa chọn của họ là thụ tinh nhân tạo.
Tuy nhiên, đến gần cả năm trời mà vợ chồng chị vẫn chưa đi đến thống nhất với nhau. Anh Dũng, chồng chị Trâm là con trai cả trong gia đình, đứa con đang được cả nhà mong đợi sẽ là cháu đích tôn của cả một chi họ. Vì vậy anh hoàn toàn không muốn phải lấy tinh trùng của một người xa lạ, dòng máu bên ngoài. Anh đề nghị chị lấy tinh trùng của cậu em cùng cha khác mẹ để thụ tinh "vì dù gì cũng là cùng huyết thống của anh".
Nghe cũng xuôi tai, và cả nhà chồng cũng thống nhất như thế, nên chị Trâm đã đồng ý lấy tinh trùng của em chồng để thụ tinh nhân tạo. Đứa trẻ ra đời trong sự vui mừng của cả dòng họ, đặc biệt là rất khoẻ mạnh và khá giống... em chồng chị Trâm.
Từ đây, bao nhiêu điều bất tiện mà chị chưa lường trước đã xảy ra. Dù không muốn nghĩ đến, nhưng chị thấy em chồng mình quan tâm và thương yêu đặc biệt đến bé Trí, con chị. Nhà ở sát bên, ngày nào chú em cũng tìm cớ để sang, bồng bế, nựng nịu đứa trẻ, thậm chí đôi lúc còn xót ruột chỉ bảo chị chăm con như thế nào. Nhiều lúc chị thấy chồng mình chứng kiến mà sa sầm mặt mày. Kể cả cô em dâu mới cưới dường như cũng không vui trong chuyện này.
Nhiều lúc, chị tình cờ nghe cô chì chiết em chồng chị: Em chẳng thể hiểu nổi tại sao anh lại đồng ý làm chuyện nực cười như thế, giống như anh và chị ấy có con chung vậy... Ai biết chuyện cũng trách chị dại, thà xin tinh trùng của người ngoài để tránh khỏi phức tạp về sau, chứ em chồng, ra vào đụng mặt, ngượng ngùng tránh đâu cho khỏi. Quả thật là chị còn đối diện với sự khổ sở dài dài.
Những trường hợp như chị Trâm không hiếm. Chị Thuỵ Anh, sống tại khu chung cư cao cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh chia sẻ: Hầu hết những người hiếm muộn khi thụ tinh nhân tạo đều có ý nghĩ xin của người thân để có cảm giác gần gũi, cùng huyết thống. Chị gái tôi cũng trong trường hợp đó. Khi chị mở lời xin trứng của tôi để thụ tinh, tôi đã đồng ý vì nghĩ giúp chị mình thì chẳng mất mát gì.
Về sau tôi thấy đúng là bất tiện thật, ngoài việc là luôn có cảm giác yêu thương đặc biệt, có trách nhiệm với cháu, tôi còn bị chồng trách mắng, tại sao làm chuyện lớn như vậy mà giấu anh ấy. Bạn tôi có một chị, sau khi xin trứng cô em chồng để thụ tinh nhân tạo, sinh ra một đứa bé xinh xắn đáng yêu. Chẳng ngờ vài năm sau cô em chồng kết hôn, thì bị u xơ tử cung, phải mổ nên không thể có con. Thà là người ngoài khuất mặt thì thôi, đằng này người nhà, biết làm sao được. Thế là hai gia đình cứ bấu víu vào một đứa trẻ, coi như con chung. Bao nhiêu là chuyện phức tạp...
Cũng là chuyện hiếm muộn, chị Phan Thanh Thảo, quê Ninh Thuận, còn gặp chuyện éo le hơn. Chị Thảo lấy chồng muộn vì quá lo làm ăn. Quá 35 chị mới lấy chồng, trẻ hơn chị hai tuổi, trước kia là tài xế chở hàng cho chị, qua tiếp xúc nhiều nên nảy sinh tình cảm. Hai vợ chồng lấy nhau được ba năm mà vẫn chưa có con, quyết định dùng phương pháp nhân tạo. Vì nguyên do ở chị, nên họ tìm một người mang thai hộ. Đó là một cô gái được chồng chị lặn lội về quê "tuyển" lên, khoẻ mạnh, sáng sủa, đã khám xét nghiệm không có bệnh tật gì.
Chị mạnh tay chi 400 triệu đồng cho cô, hơn nữa còn những khoản tiền mạnh tay cho việc bồi bổ, chăm sóc "đứa con trong bụng", với thoả thuận là sau khi sinh con ra cô gái phải đi nơi khác làm ăn, không bao giờ được xuất hiện hay nhận con nữa. Ai ngờ đâu đứa trẻ chưa được sinh ra thì chị nhận được lá thư để lại của chồng, hoá ra cô gái kia là "bồ" của chồng chị từ trước khi lấy chị, họ quá nghèo, không đủ sống, nên yêu nhau mấy năm mà vẫn chưa thể cưới nhau. Tất cả chỉ là một màn kịch của họ nhằm lấy tiền chị, bỏ đi xa xây dựng cuộc đời mới. Họ xin chị "thông cả, và tha thứ". Chị Thảo bị sốc nặng đến mức phải nằm viện cả tháng trời. Vài năm sau, chị đành xin con nuôi.
Còn rất nhiều câu chuyện đầy muộn phiền, éo le của những người mà số phận không may khiến họ không thể dễ dàng sinh ra những đứa trẻ đáng yêu như bao người khác. Tuy nhiên, những câu chuyện trên cũng là một lời khuyên cho nhiều ông bố, bà mẹ hiếm muộn: Đừng để lòng khát khao, mong mỏi có con khiến mình trở thành người khờ dại. Việc sinh con bằng phương pháp nhân tạo cần các ông bố bà mẹ một sự cân nhắc, bình tĩnh và chuẩn bị chu đáo,lường trước những bất trắc có thể xảy ra, không để hệ luỵ cho mình và cho con về sau...
Cúc Hương