Hiến kế ứng phó khó khăn cho doanh nghiệp

 Theo số liệu mới về hoạt động doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2011 qua khảo sát của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 60% doanh nghiệp đăng ký hợp pháp đang hoạt động thực sự, tương đương khoảng 360.000 – 370.000 trong tổng số 580.000 DN trên cả nước. Như vậy khoảng 40% số DN có thể đã phá sản, giải thể, đóng cửa, hoặc tạm ngừng sản xuất do suy thoái kinh tế...

Theo số liệu mới về hoạt động doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2011 qua khảo sát của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 60% doanh nghiệp đăng ký hợp pháp đang hoạt động thực sự, tương đương khoảng 360.000 – 370.000 trong tổng số 580.000 DN trên cả nước. Như vậy khoảng 40% số DN có thể đã phá sản, giải thể, đóng cửa, hoặc tạm ngừng sản xuất do suy thoái kinh tế.

Lạm phát, lãi suất cao, sức mua giảm... không phải là những vấn đề mới nhưng tác động của nó vẫn âm ỉ và còn kéo dài trong những tháng tới. Hoạt động kinh doanh ở nhiều công ty chao đảo mạnh nhất trong nhiều năm qua.

Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Chưa bao giờ nhiều hội thảo nhằm giúp doanh nghiệp (DN) ứng phó với suy thoái kinh tế được tổ chức như thời gian gần đây. Hết hội thảo "Chiến lược toàn cầu của các DN Việt Nam trong bối cảnh kinh tế hiện nay” lại đến "Thách thức và cơ hội đối với DN Việt Nam năm 2011", hết hội thảo “Tác động của các chính sách kinh tế và ứng phó của DN” rồi thì “Các giải pháp trọng yếu và tối ưu giúp DN ứng phó với những biến động kinh tế hiện nay”… Các chuyên gia kinh tế, những nhà hoạch định chiến lược như là bác sĩ đã đưa ra những “đơn thuốc” nhằm giải cứu “bệnh nhân” là những DN trong thời khó khăn này.

Doanh nghiệp phá sản, giải thể do đâu?

Đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sản xuất - kinh doanh của DN đã và đang gặp rất nhiều khó khăn do không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng vì ngân hàng thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cho vay vượt quá khả năng chịu đựng của DN.

“Qua giám sát của Uỷ ban Kinh tế, đa số DN cho biết họ gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước cả về việc tiếp cận vốn cũng như chi phí vốn. Trước thực tế này, không ít DN đã buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động”, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết.

Giám sát của Uỷ ban Kinh tế cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bắc Giang có 43 DN “xin” ngừng hoạt động, tăng mạnh so với con số 30 DN ngừng hoạt động trong năm 2010. Trong khi đó tại Bắc Ninh, số DN tự nguyện giải thể và trả lại giấy phép đăng ký kinh doanh cũng lên con số 44. Còn tại Hưng Yên, tuy không có con số DN ngừng hoạt động, song Hiệp hội DN tại địa phương này cho biết chỉ có khoảng 30% số DN trên địa bàn có thể tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Tức là chỉ có chừng ấy DN có thể tạm thu xếp được nhu cầu vốn để duy trì hoạt động.

Số DN phải giải thế, phá sản do không chịu đựng được với lãi suất vay vốn cũng như do không vay được vốn trên cả nước từ trước đến nay hầu như không có thống kê cụ thể, nhưng Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế trích dẫn nguồn từ cơ quan thuế cho biết, từ đầu năm đến nay có khoảng 30% số DN có đăng ký kinh doanh phải phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất.

“Năm 2011 khó khăn và phức tạp hơn năm 2008. Do vậy, các DN sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc nâng tỷ giá, giá xăng dầu, giá điện đã làm cho lạm phát tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 2,21%, tăng tới 19,78% so với cùng kỳ năm trước. Lãi suất tiết kiệm tăng cao, lãi suất tín dụng tăng quá sức chịu đựng của DN. Bên cạnh đó, những biến động thị trường và nhu cầu cũng sẽ là những thách thức cơ bản đối với các DN”, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhận định

“Lãi suất vay vốn tăng quá cao, dao động vào khoảng 18-22%/năm, cá biệt lên đến 25-27%/năm (chứ không như báo cáo của Ngân hàng Nhà nước là lãi suất cho vay thực tế vào khoảng 18,7%/năm) cộng với chi phí vật liệu xây dựng tăng mạnh đã làm cho nhiều dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư, nhiều dự án bị đình hoãn và đang đứng trước nguy cơ đình hoãn”, ông Hiền cho biết.

Ông Hiền cũng cảnh báo rằng hoạt động sản xuất - kinh doanh nếu bị đình trệ và kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ nợ xấu ngân hàng gia tăng trong nửa cuối năm 2011 và năm 2012.

Theo PGS TS Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho đến nay có hơn 30% DN đã phá sản, thế nhưng cũng có rất nhiều DN ra đời. “Đây là một xu hướng tích cực trong nền kinh tế thị trường, tre già thì măng phải mọc. Các DN yếu mà vẫn cứ tồn tại sẽ làm yếu đi nền kinh tế. Các DN cần phải xem lại mình, đánh giá đúng thực trạng để hoạch định những chính sách cụ thể để vượt qua giai đoạn khó khăn”- ông Bá nói.

Thoái vốn, huy động vốn qua cổ đông

Tại các hội thảo được tổ chức nhằm giúp DN ứng phó với những biến động kinh tế,  nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Chính phủ điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô như lạm phát sẽ dưới 15%, tăng trưởng kinh tế đạt 6%, bội chi ngân sách dưới 5% GDP, tiết kiệm chi 10% so với dự toán vừa qua …. là bước đi thực tế, linh hoạt, không câu nệ vào các chi tiêu đã không còn phù hợp.

Do vậy, đứng trước các khó khăn hiện nay các DN cần xem đây như là cơ hội để cải cách, tái cơ cấu DN, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và vận dụng khoa học, công nghệ mới. DN  thực hiện các điều chỉnh về sản phẩm, thị trường phù hợp với điều kiện mới. Bên cạnh đó, các DN cần tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết để giảm chi phí sản xuất và nếu có lực có thể các DN nên mua cổ phần, mua lại DN, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường…

Theo đánh giá của TS Lê Đăng Doanh, mục tiêu lạm phát năm 2011 là 15% khó thực hiện được khi lạm phát đến tháng 5 đã ở mức 12,07%. Thời gian tới, Chính phủ chắc chắn sẽ tiếp tục thắt chặt tín dụng và lãi suất khó giảm. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, DN cần cơ cấu lại và cải cách mạnh mẽ và phải phân tích được các mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội, thách thức (SWOT). Trên cơ sở đó, rút ra được mình có thể liên kết được những đối tác nào để huy động vốn hiệu quả.

Thậm chí, theo ông, DN có thể thoái vốn, bán đi 40-49% cổ phần của mình cho các nhà đầu tư khác để có thanh khoản và lại có thể đầu tư được. DN nên huy động vốn qua các cổ đông, đặc biệt là kênh cổ đông chiến lược nước ngoài đang trường vốn, sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Một số DN như Vincom và Hoàng Anh Gia Lai cũng đã huy động vốn ở nước ngoài.

Với những điều chỉnh chính sách gần đây, theo ông không ảnh hưởng nhiều đến quyết định những nhà đầu tư dài hạn mà tác động lớn đến quyết định của những nhà đầu tư ngắn hạn, họ có những điều chỉnh nhất định về quy mô đầu tư. Ông khuyến cáo, DN cần tính toán chiến lược trong dài hạn với những tham vọng lớn nhưng hành động thực tiễn phải cẩn trọng và chắc chắn, không nên quá táo bạo thực hiện các dự án quá lớn, khó thu hồi vốn.

Lựa chọn hướng đi

Cũng là bài thuốc nhằm giải cứu DN, nhưng chuyên gia Kinh tế Trần Tô Tử đã đưa ra ba vấn đề: 1. Lựa chọn hướng đi nào trong điều kiện nền kinh tế bất ổn? 2. Sợ rủi ro hay quản lý rủi ro? 3. Củng cố và nâng cấp hệ thống quản lý. Theo ông để lựa chọn hướng đi trong điều kiện nền kinh tế bất ổn, DN cần có một quyết định có tính chiến lược, và bài toán chiến lược cần phải được giải quyết triệt để.

“Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, tư duy quan điểm và phương thức kinh doanh cũng cần soát xét lại và điều chỉnh cho phù hợp. Sự phù hợp giữa môi trường nội tại của DN với môi trường kinh doanh là tiêu chuẩn cao nhất cho lựa chọn của DN. Cơ hội và rủi ro luôn hiện diện trong mọi tình huống. Thái độ lạc quan, duy trì sức sống của DN là một động lực vượt qua thử thách”- chuyên gia Trần Tô Tử khuyến cáo.

Kinh nghiệm và giải pháp ông đưa ra nên “kết bè” hợp tác, liên kết giữa các DN, chống phân rã, xé lẻ. Khả năng ứng phó tình thế cần được đặt trong khuôn khổ chiến lược, có kế hoạch. Tiếp tục tư duy “khép kín” hay thuê ngoài. Lợi thế cạnh tranh của DN khaii thác giá công lao động thấp hay đầu tư nguồn nhân lực có chất lượng cao? Quản lý thống nhất và tập trung nguồn lực.

“Cần có tầm nhìn chiến lược chung để ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó các nhà hoạch định chính sách cần phải nắm bắt, lắng nghe những khó khăn của DN để đưa ra những quyết sách đúng đắn và kịp thời để không ảnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”- TS Đỗ Thị Loan – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đề xuất.

Nhìn nhận vấn đề trên góc độ toàn cầu, GS Regina Abrami – Giảng viên cao cấp Trường Kinh doanh Harvard cho rằng: “Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa về tài chính tiền tệ, thay đổi cơ cấu cũng như quy mô để nền kinh tế phục hồi nhanh hơn. Bản thân DN nên thay đổi và áp dụng công nghệ máy móc tiên tiến để giảm thiểu chi phí về năng lượng cũng như nhân lực. Sáng tạo hơn nữa về thương hiệu, tạo sự nhận dạng thương hiệu tốt để tạo sự hấp dẫn.

Bên cạnh đó, cần quản lý tốt chuỗi cung ứng cả đầu vào lẫn đầu ra để hạ thấp và cắt giảm tối đa chi phí không cần thiết để hướng đến mục tiêu cuối cùng là hạ giá thành sản phẩm”. GS R.Abrami nhận định, để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN yếu tố sáng tạo và đổi mới là vấn đề quyết định. Hãy nhìn từ bài học của các DN Trung Quốc, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng sự sáng tạo và đổi mới như là chiến lược thêm cánh cho hổ. Đây là cơ sở để DN mình tiến mạnh và tiến xa hơn.

Nhìn nhận bài học từ các DN Trung Quốc là liều thuốc nâng cao năng lực cạnh tranh để DN phát triển. Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển lại cho rằng: “Chúng ta học kinh nghiệm từ Trung Quốc, nhưng phải tìm hướng đi khác với Trung Quốc để tránh những thất bại không đáng có”.

Thúy An - Thu Hồng - Đào Thiện

Đọc thêm