Hiến pháp đã phát huy giá trị trong thực tiễn

(PLVN) - Ngày 28/08 tại Thanh Hoá Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 20 bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành VBQPPL; Báo cáo sơ kết 05 năm thi hành Hiến pháp 2013 và Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu tham dự phiên họp.

Tại phiên họp về cơ bản các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết sửa đổi bổ sung Luật ban hành VBQPPL năm 2015 nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà thực tiễn xây dựng ban hành VBQPPL mắc phải; đồng thời cũng là thể chế hoá chủ trương của Đảng, kết luận của  Ban Bí thư về việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy trình xây dựng pháp luật.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã báo cáo rút gọn về bố cục và những nội dung cơ bản của dự án luật này như sau: Về cơ chế bảo đảm sự sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.Dự thảo Luật sửa 05 điều của Luật năm 2015 (Điều 5, 47, 58, 92, 121), trong đó bổ sung nguyên tắc  “Bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đúng đắn, đầy đủ, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước” trong xây dựng, ban hành VBQPPL vào Điều 5 và bổ sung các nội dung cụ thể vào một số điều khoản của Luật năm 2015 để bảo đảm thực hiện nguyên tắc này.


Về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án, pháp lệnh.Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 04 điều của Luật năm 2015 (Điều 74, 75, 76, 77) theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Trong công tác xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu trình bày; Dự thảo Luật sửa 03 điều (Điều 146, 147, 148 của Luật năm 2015), theo đó cho phép thêm 03 trường hợp được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn. Việc ban hành thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 02 điều (Điều 14 và Điều 172). Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 156 theo hướng bổ sung nội dung “Văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước hoặc quy định việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước về vấn để khác nhau đó” vào khoản 3 Đíều 156. 


Tại phiên họp lần này các đại biểu cũng thông qua báo cáo sơ kết 05 năm thi hành Hiến pháp 2013 và Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13. Thường trực Uỷ ban pháp luật đánh giá cao Chính Phủ và các cơ quan liên quan đã rất nghiêm túc trách nhiệm trong khoảng thời gian ngắn đã nỗ lực khẩn trương thực hiện yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo có chất lượng đúng tiến độ theo yêu cầu. Báo cáo đã phản ánh cơ bản đầy đủ tình hình triển khai thi hành Hiến pháp trong 05 năm qua của các cơ quan tổ chức theo yêu cầu văn bản số 381/UBTVQH14-PL.

Tuy nhiên. Báo cáo cần thể hiện rõ hơn việc gắn các nội dung 05 năm thi hành Hiến pháp 2013 với quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48, Nghị quyết số 49…và xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Báo cáo cũng cần bổ sung đánh giá sâu hơn tác động của việc triển khai các nội dung theo yêu cầu của văn bản số 381/UBTVQH14-PL đến các lĩnh vực kinh tế chính trị, văn hoá, giáo dục, quốc phòng, đối ngoại, hội nhập quốc tế, đảm bảo quyền con người…Bổ sung đầy đủ, sâu sát hơn về những tồn tại hạn chế, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan tổ chức trong báo cáo. Bố cục của báo cáo cần bám sát hơn với Đề cương báo cáo của Chính phủ gửi yêu cầu các cơ quan tổ chức báo cáo thực hiện; cách thể hiện một số nội dung trong báo cáo cần thống nhất tránh dàn trải. Cần có sự gắn kết giữa đánh giá tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại hạn chế với đề xuất kiến nghị. Báo cáo cũng cần bổ sung đầy đủ phụ lục về kết quả hoạt động tuyên truyền phổ biến Hiến pháp 2013 và phụ lục về kết quả điều chỉnh cơ cầu tổ chức, chức năng nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Hiến pháp 2013 như đề cương yêu cầu nhằm thể hiện đầy đủ nội dung báo cáo.

Về các nội dung trong báo cáo Thường trực Uỷ ban pháp luật tán thành với báo cáo và cho rằng qua 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tổ chức của mình đã triển khai thi hành Hiến pháp kịp thời, đầy đủ, đồng bộ rõ ràng trong từng nội dung, từng văn bản, từng việc cụ thể. Vì vậy đã góp phần quan trọng đưa Hiến pháp vào cuộc sống và phát huy giá trị trong thực tiễn… 

Đọc thêm