Chỉ tiêu phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam mỗi năm một tăng song vẫn không đáp ứng “khát khao” được đi làm việc ở thị trường hấp dẫn bậc nhất này của người lao động ( NLĐ) trong cả nước. Cũng từ đây, các đối tượng xấu ‘có đất” để lợi dụng, lừa đảo, trục lợi. “Giấc mơ Hàn” đã khiến nhiều NLĐ “tiền mất, tật mang” và ảnh hưởng xấu tới uy tín của chương trình hợp tác lao động giữa ta và bạn.
Nỗ lực ‘chống cò”
Khỏe mạnh, xinh xắn, thi chứng chỉ tiếng Hàn đạt tới 200 điểm nhưng kể từ khi thi đỗ (tháng 4/2010) đến tháng 10/2010, Thoa - người Thái Bình - vẫn chưa được chủ sử dụng lựa chọn. Rồi bỗng ‘một ngày đẹp trời’ có người gọi cho cô và thông báo “có muốn được gọi đi học khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh trong tuần này không”. Nếu có thì nộp cho người này 8.000 USD để nhận giấy báo.
Tất cả các thí sinh thi đỗ tiếng Hàn đều đã được phổ biến là khi có giấy gọi đi học khóa học trước khi xuất cảnh nghĩa là đã được chủ chọn và chuẩn bị được ký hợp đồng. Thoa “mừng húm” nhưng băn khoăn không biết lấy đâu ra 8.000 USD để nộp cho người gọi điện môi giới nọ. May thay, cô có người bác vốn làm ở Bộ LĐTBXH, gọi điện cho bác, nhờ bác tra lại thông tin Thoa mới tá hóa khi hay mình.. suýt bị lừa.
Thực tế, việc Thoa được chủ sử dụng chọn là có thật nhưng hoàn toàn là sự chọn lựa ngẫu nhiên của chủ sử dụng Hàn Quốc chứ không có bất cứ sự can thiệp hay giúp đỡ của “môi giới” hay “cò mồi” nào. Theo quy trình, khi được chọn, tên cô có trên mạng tuyển dụng, Trung tâm lao động ngoài nước đã fax về Sở LĐTBXH Thái Bình thông báo việc cô đã được chủ sử dụng chọn để cô chuẩn bị nhập học. “Kẻ láu cá” nào đó biết được thông tin trên đã điện thoại cho cô để trục lợi. Ông Phan Văn Minh, giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước - đơn vị gửi giấy báo cho các thí sinh được chủ sử dụng lựa chọn - cho biết, đơn vị này đã tìm mọi cách ‘chống” nạn ‘cò mồi, môi giới” “ăn theo” chương trình nhưng vẫn không tránh được triệt để. Một số lao động nhẹ dạ, cả tin vẫn “dính bẫy lừa” của các đối tượng này.
Đưa cho tôi xem thông báo gửi đích danh cho một thí sinh, ông Minh cho biết sợ có “kẽ hở’ trong khâu fax thông báo này về Sở LĐTBXH các tỉnh có thí sinh được chọn nên Trung tâm đã không ngại vất vả, kỳ công gửi trực tiếp bản thông báo này cho từng lao động. Trong thông báo ghi rõ địa điểm NLĐ tham gia học tập trước khi xuất cảnh, số tiền 630 USD chi phí xuất cảnh theo quy định, 500 USD bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương tại Hàn Quốc, 280 ngàn đồng trang phục xuất cảnh và 100 ngàn đồng đóng góp Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Thông báo này cũng cảnh báo NLĐ không nộp các khoản tiền ngoài quy định nêu trên cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
|
“Việc NLĐ được chủ chọn và ký hợp đồng lao động là lựa chọn ngẫu nhiên, không có cá nhân hay tổ chức nào phía Việt Nam hay Hàn Quốc có thể can thiệp. NLĐ cần hiểu rõ điều này để không mất tiền oan”, ông Minh khẳng định.
Tiếp xúc với một số NLĐ từng là nạn nhân bị lừa đảo đi Hàn Quốc, phóng viên PLVN thấy rằng nguyên nhân chính khiến NLĐ vẫn “dính bẫy lừa” là bởi nhu cầu đi làm việc ở Hàn Quốc của NLĐ Việt Nam quá lớn, trong khi chỉ tiêu phía bạn cấp cho Việt Nam mỗi năm chỉ có hạn. Tại các địa phương, vẫn hình thành những “đường dây ngầm” tung tin về chỉ tiêu tuyển dụng không đúng sự thật, lừa đảo NLĐ các khâu từ đăng ký dự thi tiếng Hàn đến nhận thông báo trúng tuyển. NLĐ do không nắm bắt đầy đủ thông tin và hiểu đúng về quy trình đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc lại có tâm lý muốn được đi nhanh nên khi có đối tượng đặt vấn đề có thể “can thiệp” thì dễ dàng thỏa hiệp và đồng ý nộp thêm các khoản chi phí cho ‘cò”.
Cơ hội không dành cho số đông
Với thu nhập từ 12-17 triệu đồng/tháng và chi phí trước khi đi chưa đến 1.000 USD, không khó lý giải vì sao “cơn sốt đi Hàn Quốc” kéo dài suốt từ năm 2004 tới nay vẫn chưa “hạ nhiệt”. Mỗi kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn vẫn có xấp xỉ nửa triệu NLĐ muốn tham dự. Nhiều lao động khao khát đi làm việc ở thị trường này đã chấp nhận bỏ thời gian, công sức học hành, thi lên thi xuống và chờ đợi từ năm này qua năm khác. Cung lớn hơn cầu là thực trạng về thị trường này suốt những năm qua và việc “phổ cập tiếng Hàn” qua các kỳ thi đã có nhiều ý kiến bức xúc. Ngay tại chương trình giám sát của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về XKLĐ mới đây, Bộ Quốc phòng cũng cho rằng việc tổ chức thi tiếng Hàn tạo ra một kiểu phổ cập một ngoại ngữ gây lãng phí xã hội, ít có cơ hội cho các đối tượng chính sách. Song theo lý giải của Bộ LĐTBXH thì nếu như muốn tăng thị phần tại thị trường này thì “nguồn” lao động cho chủ Hàn Quốc lựa chọn lúc nào cũng phải “sẵn sàng” để cung cấp trên mạng. Chủ sử dụng sẽ “chọn 3 lấy 1” với tất cả 15 nước phái cử chứ không chỉ Việt Nam và hiện tỷ lệ lao động Việt Nam được chọn so với các nước khác là cao nhất ( tới hơn 80%).
Ông Choong In Song, Cục trưởng Cục chính sách lao động nước ngoài của HRD (Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc) cho biết lý do lao động Việt Nam được chọn tỷ lệ cao là bởi chủ sử dụng Hàn Quốc đánh giá cao lao động Việt Nam.
Song dù cao tới đâu với 25-30% “dư” lại sau mỗi đợt chủ sử dụng không chọn, cộng với số thí sinh dự thi tiếng Hàn không đạt mỗi năm, lượng lao động có nhu cầu đi Hàn Quốc vẫn cứ tăng theo cấp số nhân. “NLĐ cần cân nhắc kỹ việc tham gia chương trình này hay đăng ký đi làm việc tại các nước khác trước khi đi học tiếng Hàn, tránh lãng phí cho bản thân và gia đình’, ông Minh nói.
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, từ khi Hàn Quốc thực hiện chế độ tiếp nhận lao động Việt Nam theo chương trình nói trên, đã có khoảng 57 ngàn lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Với triển vọng phục hồi của nền kinh tế Hàn Quốc sau khủng hoảng, ông Choong In Song cho biết, chỉ tiêu tiếp nhận lao động nước ngoài của Hàn Quốc trong năm tới 2011 có thể tăng lên gấp đôi so với năm nay. Chỉ tiêu năm nay là 34 ngàn lao động, nếu tăng gấp đôi, số chỉ tiêu dành cho 15 nước phái cử sẽ là 68 ngàn người. Theo ông Phan Văn Minh, Việt Nam hy vọng số chỉ tiêu dành cho lao động Việt Nam cũng sẽ tăng cao trong năm tới.
Thanh Lương