Trong bối cảnh ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai nhờ sử dụng tinh trùng do những người đàn ông mà họ quen biết hiến tặng, các chuyên gia cho rằng, luật pháp cần phải có quy định rõ ràng về vai trò của những người đàn ông đó đối với những đứa con sinh học của họ.
Khi ông William Marotta trả lời một mẩu quảng cáo tìm kiếm người hiến tặng tinh trùng trên trang web Craigslist, ông chỉ nghĩ đơn giản là mình đang tìm cách giúp đỡ 2 người phụ nữ bắt tay vào xây dựng một gia đình hoàn chỉnh.
Đầu năm 2009, việc hiến tặng tinh trùng đã diễn ra một cách suôn sẻ. Ông Marotta và cặp đôi đồng tính kia cũng đã gặp nhau và ký một thỏa thuận, trong đó ông Marotta cam kết từ bỏ tất cả các quyền cha mẹ của mình đối với đứa trẻ sắp được sinh ra. Ông Marotta đinh ninh rằng mình sẽ không bao giờ gặp lại họ thêm một lần nữa.
|
Ông William Marotta đang bị yêu cầu chu cấp dù đã ký thỏa thuận từ bỏ quyền làm cha. |
Trong một vụ kiện được xem là chưa có tiền lệ tại Mỹ, tháng 10 năm ngoái, Marotta đã giật mình khi nhận được thông báo cho hay, dù 2 người phụ nữ kia không muốn ông có dính líu đến cuộc sống của đứa trẻ được sinh ra nhờ tinh trùng của ông nhưng bang Kansas lại đang đệ đơn kiện, đòi ông phải có trách nhiệm trợ cấp cho đứa trẻ.
Qua thông báo, người đàn ông 45 tuổi mới biết rằng 2 người phụ nữ đã chăm sóc cô con gái sinh học của mình đã chia tay và người mẹ của đứa trẻ gặp khó khăn về tài chính nên đã gửi đơn xin cho con gái được hỗ trợ Medicaid – một chương trình chăm sóc sức khỏe của chính phủ Mỹ dành cho những người nghèo. Tuy nhiên, vì luật pháp của bang không công nhận hôn nhân đồng tính nên bà mẹ này không được ghi nhận là bà mẹ đơn thân.
Chính quyền bang vì thế đã buộc người phụ nữ này phải khai báo danh tính cha đẻ của bé gái để buộc ông phải chịu trách nhiệm tài chính đối với các chi phí y tế của đứa bé, dẫn đến việc ông Marotta nhận được trát từ tòa án.
Các chuyên gia cho biết, họ đang ghi nhận ngày càng nhiều những tranh chấp pháp lý về quan hệ giữa những người hiến tặng tinh trùng và gia đình những người nhận trong các vụ việc mà danh tính của người hiến tặng bị tiết lộ.
Trong một số trường hợp, tương tự như ông Marotta, những người hiến tặng không muốn được công nhận là cha mẹ hợp pháp của đứa trẻ. Tuy nhiên, các luật sư cũng đang nhận được nhiều vụ việc mà người hiến tặng tinh trùng tìm cách liên lạc với đứa con sinh học của mình.
Tại Mỹ, các nhà phân tích như ông Charles Kindregan – một giáo sư về luật gia đình tại đại học Suffolk ở Boston – nói rằng vụ việc của Marotta đã cho thấy rõ về việc luật pháp của nước này đã quá lỗi thời. Luật bảo vệ những người hiến tặng tinh trùng đối với nghĩa vụ cha mẹ đã được thông qua từ những năm 1970, khi những phụ nữ đang tìm cách sinh con đều đã có chồng.
Theo Đạo luật về quyền cha mẹ được ban hành năm 1973, trong các ca thụ tinh có sự tham gia của một bác sỹ, người hiến tặng luôn luôn không có nghĩa vụ làm cha mẹ với đứa con của họ.
Lúc đó, việc thụ tinh qua ống nghiệm vẫn còn mới mẻ và phải do một bác sỹ thực hiện. Nhưng với những cải tiến về mặt y học hiện đã đưa ra những phương pháp điều trị rẻ hơn, dễ thực hiện hơn và không cần đến bệnh viện.
Thêm vào đó, bà Wendy Kramer – giám đốc cơ quan đăng ký hiến tặng tinh trùng – cho hay, nhiều phụ nữ giờ lựa chọn trở thành bà mẹ đơn thân, hay những hình thức gia đình mới như các cặp đôi đồng tính nam, đồng tính nữ, người chuyển giới đã hình thành, dù nhiều khi không được pháp luật chấp nhận...
Những ca thụ tinh được tiến hành bên ngoài bệnh viện, người hiến tặng không cần phải để lại thông tin cá nhân. Vì thế, dù đã có những thỏa thuận giữa 2 bên, người cha và người mẹ sinh học của đứa trẻ cũng không hề được bảo vệ về mặt pháp luật, từ đó dẫn đến nhiều vụ kiện tụng có liên quan đến người hiến tặng tinh trùng.
Các nhà phân tích cho rằng, đạo luật về quyền cha mẹ của Mỹ cần phải được thay đổi để bắt kịp với thời đại và cho phép tòa án được quyết định về các vụ kiện tụng phù hợp với nguyện vọng của các bên liên quan. Theo giáo sư Snyder, tòa án cần phải được cho phép tìm hiểu các tình tiết có liên quan để giải quyết tranh chấp theo từng trường hợp cụ thể. Trở lại trường hợp của Marotta, vụ việc của ông dự kiến sẽ được đưa ra xem xét vào ngày 10/4 tới và những lập luận về vụ việc sẽ được công bố trong ngày 18/6 tới.
Minh Ngọc (theo BBC)