Hiện tượng “đạo” giáo trình, bức xúc rồi... để đó

 “Luộc” sách, “luộc” giáo trình, luận văn, luận án đã trở thành phổ biến... Hàng năm, những vụ việc đó cứ rộ lên xong rồi lại chìm xuống vì người vi phạm chỉ bị xử lý ở mức khiển trách, kỷ luật nội bộ. Xem ra, câu chuyện này chưa thể có hồi kết.

“Luộc” sách, “luộc” giáo trình, luận văn, luận án đã trở thành phổ biến... Hàng năm, những vụ việc đó cứ rộ lên xong rồi lại chìm xuống vì người vi phạm chỉ bị xử lý ở mức khiển trách, kỷ luật nội bộ. Xem ra, câu chuyện này chưa thể có hồi kết.

Vô tư... “luộc”

Gần đây nhất, dư luận xôn xao về việc GS.TS.Trần Ngọc Thơ bị “đạo” giáo trình. Ba cuốn giáo trình này, ông đã mất 30 năm để hoàn thành, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, những "đứa con tinh thần" của ông bị người khác “luộc” trắng trợn.

Nghiên cứu “luộc”
Nghiên cứu “luộc”.

Trên trang blog có địa chỉ: http://vn.360plus.yahoo.com/november_rain, nữ chủ nhân của nó cũng bày tỏ bức xúc về việc mình bị “nẫng tay trên” bài giảng mà cô đã mất nhiều công sức, tâm huyết để có được.

Cô kể, hơn 1 năm trước, cô được phân công giảng dạy một bộ môn mới. Tài liệu, giáo trình không có. Cô đã rất vất vả, để phân bổ chương mục, xây dựng nội dung... rồi soạn giảng dưới dạng giáo án điện tử với nhiều hiệu ứng và hình ảnh minh họa cầu kỳ. Sau đó, cô chia sẻ cho sinh viên để các em tiện nghiên cứu khi vào bài học.

Năm nay, bỗng dưng, cô thấy trên mạng có khá nhiều tài liệu tham khảo về môn học mà năm trước “bói không ra tài liệu”. Chưa kịp vui mừng, cô suýt “té ngửa” khi tài liệu mà cô phải bỏ ra bao tâm sức, tiền của mới tải được về lại chính là giáo trình của mình.

Thực tế, GS.TS.Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho biết, trong giáo dục đại học và trung học chuyên nghiệp, có hàng trăm môn học khác nhau nhưng lượng sách lại không đủ để học tập và nghiên cứu.

Chính vì vậy, sách giáo khoa bị in lậu, in nối bản, sao chép... tại hàng trăm cửa hàng photocopy mà không cần xin phép tác giả. Thậm chí có tình trạng “luộc” sách bằng cách thay đổi bìa, thay tên tác giả. GS cũng đưa ra ví dụ của sự “luộc” sách trắng trợn gần đây nhất là cuốn “Tài chính quốc tế”.

Chấm dứt “nỗi đau”: Khó?

Nhiều nhà giáo, những người tâm huyết với giáo dục bày tỏ: Nỗi đau vì sự “đạo” văn, “đạo” học, “đạo” khoa học có nhiều lắm. Muốn chấm dứt, không khó nhưng các cấp có thẩm quyền có muốn làm hay không lại là chuyện khác.

Chẳng hạn, đã là TS, GS mà “đạo” học thuật, dù chỉ một lần vẫn phải bị tước học hàm, học vị - có vị nào dám làm hay không? Hoặc, bất kỳ đề tài nghiên cứu khoa học nào, chỉ “đạo” văn, “đạo” học thuật - hay dối trá một chút mà bị phát hiện, người nghiên cứu phải trả lại toàn bộ kinh phí và bị các hình phạt kèm theo. Ai dám “thử”?.

Một số vụ “đạo” văn tiêu biểu trong nước bị phát hiện, tố cáo:

- Bà Phan Thư Hiền (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh) bị tố cáo “đạo” 20 trang khảo cứu của TS.Nguyễn Xuân Diện.

- Công trình của PGS.TS, Viện trưởng Viện Hán Nôm Trịnh Khắc Mạnh sau 2 năm trao giải Sách hay bị phát hiện là có nguồn gốc bất minh.

- TS.Mai Hảo Yến của ĐH Hồng Đức bị tố cáo “đạo” văn có hệ thống ba công trình khoa học của hai giáo sư đầu ngành.

Ở góc độ khác, TS.Lê Tiến Hùng, nguyên giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, "thiên hạ" đã có quyền tác giả từ lâu, thời hội nhập bây giờ mình mới có, vì thế có thể nói là chưa quen.

"Vài chục năm đứng trên bục giảng trường đại học, tôi nghiệm ra rằng việc “đạo” giáo trình thật chẳng hay ho gì. Có người biết thế là sai nhưng họ tặc lưỡi cứ làm. Chỉ nói đến soạn một bài giảng thôi, dù đấy là bài giảng cũ mình dã dạy nhiều lần rồi, vậy mà mỗi khi dạy lại cứ trăn trở, sửa đi sửa lại", TS. Hùng nói. "Bởi vì mỗi lần giảng lại gặp một đối tượng mới, hoàn cảnh, điều kiện mới, tình huống mới. Những cái mới ấy buộc anh phải vắt óc ra mà suy nghĩ, mà nghiên cứu thì bài giảng mới có hồn”.

TS. Hùng phản ánh thêm, bây giờ nhiều bác sỹ, dược sỹ cho thuê bằng để người khác mở tiệm tùy cơ xoay sở, còn mình thì “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Anh cho thuê thương hiệu, người ta cho thuê thương hiệu, thì tôi cũng cho thuê thương hiệu được lắm chứ. Tại sao không? Cái tưởng như vô lý nhất cũng có cái lý riêng của nó! Vậy thì trách gì GS này, TS nọ cho thuê thương hiệu của mình với cái tên rất kêu là “Chủ biên”.

"Trở lại việc “đạo” giáo trình thì cũng “rứa” cả thôi. Chỉ đáng tiếc rằng khi in ấn một  giáo trình nào đó thì nhất định giáo trình ấy đã phải được hội đồng thẩm định. Vấn đề là Hội đồng đã bật đèn xanh cho giáo trình đó ra đời như thế nào? Những chuyện buồn trên có phải là mặt trái của nền kinh tế “thị trường” không? Nền giáo dục nước nhà sẽ đi đến đâu nếu kiểu làm ăn “chụp giựt”, thiếu lương tâm, trách nhiệm như thế này còn tồn tại?”, TS.Hùng bức xúc.

“Những tấm gương xấu cho SV”

Để có được kiến thức truyền giảng cho sinh viên, các thầy cô giáo luôn luôn phải tìm hiểu, đọc tài liệu, tìm kiếm thêm thông tin, tổng hợp từ các nguồn tài liệu khác nhau nhưng không có nghĩa là copy nguyên bản rồi nhắc lại cho sinh viên. Những giảng viên như thế sẽ là những tấm gương xấu cho sinh viên, từ đó họ cũng có thể cho mình quyền copy tiểu luận, dùng tài liệu trong thi cử…

Nguyễn Thị Mỹ (sinh viên năm thứ 3 khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, ĐH Ngoại thương).

“Thầy mà như thế sao dạy dỗ được?”

Hiện nay, tình trạng đạo, xào xáo giáo trình là khá phổ biến. Ai cũng muốn xuất bản giáo trình riêng của mình. Em thấy, vấn đề này gây ra rất nhiều lãng phí. Thêm vào đó là gây khó khăn cho sinh viên trong việc nghiên cứu. Nhiều tài liệu dịch từ nước ngoài, mỗi tác giả lại dịch một kiểu, dùng các từ ngữ khác nhau khiến cho sinh viên rất khó tiếp cận. Tại sao không có các giáo trình chuẩn cho từng ngành? Hoặc các tác giả liên kết với nhau trong việc dịch các tác phẩm nước ngoài.

Từ đó nâng cao chất lượng giáo trình, giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức chuẩn hơn. Em nghĩ, hành động này trước tiên đã vi phạm luật pháp, vi phạm bản quyền tác giả. Thiết nghĩ nên có hình thức xử phạt thích đáng với giảng viên đạo giáo trình. Nếu vi phạm nhiêù lần có thể cấm giảng dạy. Người thầy mà tư cách như thế thì sao dạy dỗ được sinh viên?.

Thảo Vân (sinh viên năm thứ 3 khoa Đầu tư, trường ĐH kinh tế quốc dân).

“Cần hạn chế viết sách tràn lan”

Theo em, môi trường sư phạm không phải là thị trường, giáo dục không phải là một sản phẩm hàng hóa, đạo giáo trình là hành động không chính đáng, cần phải lên án kịch liệt. Nhưng thiết nghĩ, việc làm này của họ cũng là xuất phát từ nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Lương của giảng viên hiện nay quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. Và vì chỗ đứng, họ viết những cuốn giáo trình theo kiểu “mì ăn liền” và phải đạo giáo trình, bởi kiến thức về 1 lĩnh vực nhất định thì có chung một đáp án.

Theo ý kiến của em thì phải hạn chế tình trạng viết sách tràn lan, cần phải khắt khe hơn trong việc đồng ý cho giảng viên đại học xuất bản giáo trình để tránh việc sinh viên bị loạn kiến thức. Đồng thời cũng tạo một môi trường sư phạm lành mạnh, chân chính.”

Kim Dung (sinh viên năm 3 khoa Quản Trị, Đại học Thương Mại)

Uyên Na

Đọc thêm