Hiện tượng ’lạ’ trong giao dịch nhà đất bên Đại lộ Thăng Long

Theo một số văn phòng giao dịch bất động sản, đang có hiện tượng “lạ” đối với các giao dịch nhà đất dọc theo  Đại lộ Thăng Long kể từ sau khi tuyến đường này được khánh thành. Trong khi giá đất dự án có dấu hiệu quay đầu thì nhiều khách hàng lại đi mua đất dịch vụ, đất “nhập nhằng”.

Theo một số văn phòng giao dịch bất động sản, đang có hiện tượng “lạ” đối với các giao dịch nhà đất dọc theo  Đại lộ Thăng Long kể từ sau khi tuyến đường này được khánh thành. Trong khi giá đất dự án có dấu hiệu quay đầu thì nhiều khách hàng lại  đi mua đất dịch vụ, đất “nhập nhằng”.

Giao dịch trầm lắng

Được thông xe từ ngày 3/10, Đại lộ Thăng Long kéo dài qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai và Thạch Thất (Hà Nội) đến ngã tư giao với Quốc lộ 21A (km 31 + 64, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh). Giới đầu tư kỳ vọng, đất quanh trục đại lộ này sẽ tăng lên sau khi hạ tầng được hoàn thiện.

Tuy nhiên, sau khi tuyến đường được cho là đẹp nhất Việt Nam được đưa vào sử dụng lại rộ lên thông tin giá đất dự án đang chúc đầu đi xuống. Lý do, tuyến đại lộ hạn chế các đường nhánh đấu nối trong khi hệ thống được gom từ các dự án chưa hình thành rõ nét. Một phần khác, do giá đất ở đây đã được đẩy lên rất cao từ trước khi tuyến đại lộ được khánh thành.

Khảo sát của phóng viên tại các văn phòng giao dịch bất động sản ở thời điểm hiện tại cho thấy, giá đất nền tại các dự án không có sự biến động đáng kể vì giao dịch hết sức trầm lắng và tính thanh khoản rất thấp.

Tại dự án khu đô thị Bắc An Khánh, giá đất gần như “đứng im” so với thời kỳ trục đường này đang thi công. Đất nền liền kề ở dự án này vẫn được rao giá 50 triệu đồng/m2.

Giá đất tại dự án của khu đô thị Lê Trọng Tấn của Geleximco theo giới đầu tư là có "lên giá".

Ông Hồ Văn Hưng, giám đốc Việt Á Land (Công ty Cổ phần đầu tư và truyền thông Việt Á) xác nhận, giá đất dự án quanh trục Đại lộ Thăng Long hiện nay không có biến động nhiều so với thời điểm con đường này chưa được khánh thành. Ông Hưng cũng cho rằng các dấu hiệu giảm giá hay tăng giá đất quanh trục đường này hiện tại là không rõ rệt. Theo đó, trong khi các nhà đầu tư vẫn cố “đẩy” giá đất lên cao thì trên thực tế lượng giao dịch thành công là rất ít. Sự biến động có thể ghi nhận, theo ông Hưng, đó là giá đất quanh đường Lê Văn Lương kéo dài đang tăng khoảng 10% so với trước. Đất tại dự án khu đô thị Lê Trọng Tấn từ 40 triệu/m2 nay tăng lên 43 đến 44 triệu/m2.

Giới đầu tư bất động sản cho rằng, thị trường chưa có dấu hiệu sôi động bởi sau khi Nghị định 71 có hiệu lực, nhiều giao dịch đã bị “siết” chặt. Chưa có chuyện giá đất quanh trục đại lộ đã rớt giá thê thảm như một số thông tin, nhưng rõ ràng cũng chưa thấy bóng dáng một “cú hích” từ lễ cắt băng khánh thành như nhiều người mong đợi....

Tăng giao dịch đất… “nhập nhằng”

Đất “nhập nhằng” là một từ mới mà chúng tôi ghi nhận được khi khảo sát thị trường bất động sản dọc tuyến đại lộ.

Trong khi giao dịch đất nền dự án kém sôi động, thì ở phân khúc khác, giới đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu quan tâm. Cách đại lộ Thăng Long vài cây số, tại xã La Phù (Hoài Đức) tập trung nhiều dự án như Làng Cổ Việt, khu đô thị Dầu khí, dự án khu đô thị Lê Trọng Tấn... Người dân ở đây cho biết, sắp tới một diện tích đất lớn sắp bị thu hồi để làm nhà tái định cư, nên giao dịch đất đai ở đây bắt đầu sôi động.

Bà Trần Hải Yến (La Phù) cho biết, từ ngày đại lộ hoàn thành, ngoài việc mua bán đất có sổ đỏ chính chủ, diện tích đất ruộng cũng đang được giới đầu tư mua bán sôi động. “Mỗi sào bán khoảng 280 triệu, mua trên giấy tờ thôi. Sau này chờ đền bù đất ruộng và đất dịch vụ thì người mua sẽ hưởng”, bà Yến cho biết. “Trừ đất dịch vụ được hưởng 10%, thì nếu mỗi sào được đền bù 360 triệu thì người mua lời 80 triệu rồi”, bà Yến lấy ví dụ.

Theo ông Trần Văn Nghĩa (xã La Phù), thời gian qua loại đất thổ cư nhiều người hỏi, nhưng giao dịch thành công rất ít. Vì ở đây dân bản địa cũng đông, nhu cầu tách hộ để ở nhiều nên ít người bán, mọi người chủ yếu mua đất không có sổ đỏ - gọi chung là đất “nhập nhằng”, loại này giao dịch mạnh. Theo ông Nghĩa, loại đất giao dịch mạnh chủ yếu là đất ruộng, sát nhà có sổ đỏ…

Theo bà Yến, đất tăng sản (ở đây gọi là đất trồng rau, hồi xưa mỗi người được cấp khoảng 2 thước, những người sinh từ 1986 về trước đều có) cũng đang thu hút sự quan tâm giới buôn đất.

Đối với loại đất dịch vụ (tỉnh Hà Tây cũ có chính sách trả lại 10% đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất) giao dịch cũng không kém phần sôi động. Tại xã An Thượng (sát An Khánh), mỗi mét vuông đất dịch vụ cũng được rao giá 17 triệu đồng. Bà Hoàng Thị Lưu, người dân xã An Thượng nói có mua bán, nhưng đất này  không “sổ đỏ, sổ đen” gì cả.

Việt Hưng

Đọc thêm