Hiện tượng “sốc- sex” giới showbiz: Không thể “khôi hài” hơn!

"Những người chỉ ngồi nghĩ ra các “chiêu trò” vớ vẩn để PR, đánh bóng tên tuổi là người có nhận thức kém. Có những người lạ hoắc, xã hội chẳng ai biết anh ta là ai, bỗng nhiên tuyên bố mấy câu, dựng lên mấy câu chuyện để dư luận chú ý đến. Lúc ấy, người ta mới biết: ồ hoá ra anh này là ca sỹ, cô kia là người mẫu, diễn viên… đúng là khôi hài!", ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) bày tỏ.
 
[links()] Xung quanh vấn đề "sốc - sex" của nghệ sỹ, báo PLVN có cuộc trao đổi với ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT-DL).
Là người trong cuộc, ông đánh giá thế nào về hiện tượng “sốc- sexy” hiện nay trong giới showbiz?
Đó là những hành vi bộc lộ sự hiểu biết kém, hành động rẻ tiền không xứng đáng với danh hiệu nghệ sỹ. Người nghệ sỹ đích thực, tài năng thực không bao giờ làm như thế mà họ rất khiêm tốn. Họ tập trung vào luyện tập nâng cao chất lượng tác phẩm, đầu óc đâu để nghĩ đến chuyện…làm hàng.
Những người chỉ ngồi nghĩ ra các “chiêu trò” vớ vẩn để PR, đánh bóng tên tuổi là người có nhận thức kém, phải xem lại họ có xứng khoác lên người danh hiệu nghệ sỹ hay không. Chẳng hạn, có những người lạ hoắc, xã hội chẳng ai biết anh ta là ai, bỗng nhiên tuyên bố mấy câu, dựng lên mấy câu chuyện, sự kiện tầm phào để dư luận chú ý đến. Lúc ấy, người ta mới biết: ồ hoá ra anh này là ca sỹ, cô kia là người mẫu, diễn viên… đúng là khôi hài!
Là nghệ sỹ, tức là người của công chúng, những hành vi, phát ngôn luôn được nhiều người để ý chưa kể tới là là thần tượng của giới trẻ. Nhưng dường như một số không nhỏ nghệ sỹ đã “định hướng” khi đưa ra những phát ngôn lệch lạc?
Những trường hợp như vậy, tôi nghĩ phải tách bạch ra: Nghệ sỹ chân chính “phát ngôn” bằng tác phẩm (biểu diễn trên sân khấu), còn chuyện gặp gỡ với báo chí chỉ để giãi bày, chia sẻ công việc đúng trong phạm vi của họ. Đó mới là ứng xử văn hoá. Còn có những người “phát ngôn” chỉ để “khẳng định đẳng cấp”… để công chúng biết mình là ai trong khi “phát ngôn” chính thức trên sân khấu lại rất kém cỏi.
Những người này phải xem lại, bởi nghề chính của anh đâu phải là… “người phát ngôn”. Đôi khi họ có sự việc liên quan, có tai nạn nghề nghiệp phải thanh minh, hoặc có stress phải tâm sự, chia sẻ thì được. Hiện nay, một số nghệ sỹ “tâm sự” kiểu xô bồ quá, chẳng hạn có nghệ sỹ tên tuổi nude để bảo vệ môi trường, rồi một cô nào đó cũng nude để chống tắc đường, chống tai nạn giao thông, liệu có được chấp nhận không, hay gây tai nạn thêm? Đấy họ cứ làm những trò ngược đời, lố lăng rồi khoác cho nó một cái tên, ý tưởng đẹp đó là sự kệch cỡm.
Ông có cho rằng, sẽ không bao giờ hết khi những người tìm sự nổi tiếng bằng mọi giá lại được đón nhận, được các đơn vị tổ chức biểu diễn trả cat-xê cao?
Ở đây muốn xử lý những chuyện như thế phải kết hợp nhiều yếu tố. Trong đó, những người tổ chức chương trình nghệ thuật phải tính đến mời những nghệ sỹ như thế nào để chương trình sạch sẽ, nghiêm túc được công chúng ghi nhận gu thẩm mỹ tốt. Ngoài chuyện giới thiệu chương trình nghệ thuật để thoả mãn thị hiếu của công chúng thưởng thức nghệ thuật đích thực còn có vai trò định hướng nghệ thuật.
Bên cạnh đó, cũng cần thống nhất với cơ quan quản lý, các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật, các cơ quan thông tấn có cách phê phán đối với nghệ sỹ. Thực tế, có nghệ sỹ nhiều scandal, phát ngôn tuỳ tiện, ăn mặc phản cảm… nhưng trên các trang báo mạng vẫn cứ đưa, các báo cứ viết rồi đưa ảnh đẹp như vậy là cổ suý hay phê phán đây?
Rõ ràng, chúng ta cần tìm ra sự thống nhất trong nhìn nhận vấn đề của nghệ sỹ mới hạn chế được chuyện này. Giả sử, bên thì phạt không cho biểu diễn, bên thì vẫn mời tham gia bình thường, không cho hát thì lại được mời đi đóng phim …
Sự lệch nhau về thẩm định, và quản lý sẽ khó giải quyết được vấn đề triệt để. Để giải quyết tận gốc vấn để xử phạt nghiêm minh vấn đề của các ca sỹ, nghệ sỹ phải có sự hợp tác của các cơ quan, bộ, ban ngành khác nữa.
Vậy chúng ta phải làm gì để đối diện với thực tế hiện nay?
Chúng ta quen dần với chuyện người dân được nói lên quan điểm của mình nhưng không thể rập khuôn như nước ngoài vì họ đã đầy đủ luật pháp… còn chúng ta đang xây dựng. Ở nhiều nước họ khác mình, nên không thể áp dụng máy móc những quy định của họ để đưa vào Việt Nam.
Chính vì thế, ngay chuyện ăn mặc để xuất hiện trong chương trình biểu diễn cũng có quy định rõ ràng váy dài bao nhiêu phân, các nước họ không quy định như vậy nhưng rất ít nghệ sỹ vi phạm. Điều đó cho thấy nhận thức của nghệ sỹ, nhà tổ chưc, công chúng của họ đã rất ổn. Còn những người ăn mặc phản cảm, phát ngôn lố lăng công chúng, các phương tiện truyền, nhà tổ chức… sẽ tẩy chay.  
Ở mình, đời sống nghệ thuật biểu diễn đang phát triển rất mạnh, đa dạng, nên chúng ta phải đổi mới công tác quản lý từ Trung ương đến các cấp địa phương làm sao phát huy tối đa sự sáng tạo của nghệ sỹ, tác phẩm mà vẫn thấy sự quản lý chặt chẽ, đảm bảo cho các chương trình lành mạnh.  
Xin cảm ơn ông! 
Miên Thảo (thực hiện)

Đọc thêm