Hiệp hội Mía đường Việt Nam “phản pháo” Thứ trưởng Bộ Công Thương

(PLO) - “Các nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú “là chưa chuẩn xác” và đã cảm nhận chúng tôi với một hình ảnh méo mó, trẻ con, thiếu trung thực… với giọng đầy ác cảm”.
Hình minh họa
Hình minh họa
Đó là nội dung tại một văn bản dài 7 trang giấy vừa được Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (Hiệp hội MĐVN) Nguyễn Thành Long gửi đến Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú với đề nghị “xin Thứ trưởng suy ngẫm”. 
“Xung đột” chính thức bắt nguồn từ việc đánh giá của ông Tú về những khó khăn của ngành MĐVN và lời kêu cứu của Hiệp hội này qua việc xin nhập khẩu đường thô do một doanh nghiệp sản xuất tại nước ngoài về cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa tinh chế, sau đó xuất khẩu qua biên giới.  
Trả lời báo chí trước đó, khi được hỏi về tính cạnh tranh của các doanh nghiệp mía đường trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú có ví von rằng: “Tất cả những đứa con cưng đều hư, tôi khẳng định như thế! Là con cái chúng ta, cưng chiều lắm thì sẽ hư, doanh nghiệp nhà nước cũng vậy, chiều lắm cũng hư”.
Hiệp hội MĐVN nói rằng “rất là ngỡ ngàng” với phát biểu này và đề nghị “Thứ trưởng xem lại chúng tôi là ai?”, rồi Hiệp hội này khẳng định: “Chúng tôi không phải là doanh nghiệp nhà nước, mà là doanh nghiệp cổ phần, đã kề vai gánh lấy khoản nợ khổng lồ của các nhà máy đường thuộc doanh nghiệp nhà nước 10 năm trước đây liên tục thua lỗ, đang bên bờ vực phá sản”. 
Trước cáo buộc của Thứ trưởng Tú khi cho biết “Hiệp hội luôn luôn nói hai giọng, khi vào vụ mía đường thì họ nói rằng thừa đường và có đường buôn lậu, nhưng cuối vụ thì giọng họ khác ngay và họ đẩy giá lên”. Đại diện cho ngành này “phản đòn” rằng ông Tú không sát thực tế nên đã đánh giá không đúng và có vẻ như khôi hài. 
“Giá lên, xuống do quy luật cung - cầu quyết định, không phải muốn đẩy giá lên là lên, muốn kéo giá xuống là xuống, trong khi ta không có tổ chức và đầu mối dự trữ để điều tiết cung - cầu, sách vở và thực tế đều xác nhận điều này” – Văn bản của Hiệp hội MĐVN cho biết. 
Đồng thời theo các vị này, vụ mía vừa rồi các doanh nghiệp lớn trong ngành phải chấp nhận trữ hàng vì thị trường ứ đọng để giữ giá đường không tuột nhanh do tranh bán. Nhưng từ đầu năm đến giờ giá chỉ có xuống, chứ có lên đâu! “Không nên vội vàng quy kết khi chỉ thấy hiện tượng mà chưa rõ bản chất”.
Trái ngược với cáo buộc của ông Tú khi cho rằng có “lợi ích nhóm”, Hiệp hội MĐVN khẳng định quyền lợi giữa nhà máy đường và người trồng mía trong nước luôn luôn là một. Các nhà máy đường sản xuất kinh doanh có lãi thì mới có thể tồn tại để tiêu thụ mía cho dân, người dân trồng mía có lãi thì mới tiếp tục trồng mía cung cấp cho nhà máy. Doanh nghiệp đường không bao giờ dại dột để mình bị phá sản vì không biết gắn bó và chia sẻ hài hòa lợi ích với người nông dân trồng mía. 
Hiện tại, ông Nguyễn Cẩm Tú chưa có bất kỳ phản ứng nào đối với những vấn đề mà đại diện ngành Mía đường đề nghị ông “suy ngẫm”.
Hiệp hội của các “ông buôn”
“Nhiều hiệp hội hiện nay không phải là hiệp hội ngành hàng, chỉ là “đại diện” cho “một vài ông”. Ví như Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì xem đi xem lại là của mấy công ty xuất khẩu, vậy nông dân ở đâu? Cũng như Hiệp hội Cà phê, xét đi xét lại thì hầu như của mấy công ty cà phê. Hiệp hội Điều, Hiệp hội Chè... cũng thế cả. Nói ngắn hơn, đó là hiệp hội của mấy ông buôn”.
Tiến sĩ Lê Đức Thịnh - Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong một lần trả lời Pháp luật Việt Nam.

Đọc thêm