Đến hết tháng 9-2010, trên địa bàn tỉnh có 3.434 doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, gồm: 1 Cty Nhà nước, 1.122 Cty cổ phần, 1.748 Cty TNHH (một và hai thành viên trở lên), 562 doanh nghiệp tư nhân, 1 Cty hợp doanh với tổng vốn đăng ký 38.982 tỷ đồng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng nền kinh tế, góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
|
Cty cổ phần thương mại Mai Hương (TP Nam Định) đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng nhà máy sợi, tạo việc làm cho 180 lao động, với mức thu nhập 1,8-2,5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Trần Hữu Quyết
|
Doanh nghiệp trong tỉnh phát triển nhanh về số lượng nhưng đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn đầu tư thấp: có 26% doanh nghiệp có mức vốn dưới 1 tỷ đồng, 40% doanh nghiệp có mức vốn dưới 2 tỷ đồng, chỉ có 13% doanh nghiệp có mức vốn trên 10 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có quy mô lớn, quản trị doanh nghiệp tốt chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn đa số các doanh nghiệp được tổ chức theo hình thức “Cty gia đình”, sự hiểu biết về quyền lợi, trách nhiệm năng lực lãnh đạo, giao tiếp đàm phán còn hạn chế và lạc hậu về thiết bị công nghệ. Năm 2008, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh hoạt động có lãi chiếm gần 75%, tiêu biểu là các doanh nghiệp Quang Báo (Nam Trực), Tân Tiến, Lương Uỷ, Anh Quyển (Ý Yên), Nam Sơn, Thanh Tùng, Phú Thịnh (TP Nam Định)… Loại hình Cty TNHH chịu trách nhiệm về các mặt hoạt động của Cty trong phạm vi góp vốn, quản lý điều hành không phức tạp, dễ quyết định đến các vấn đề sản xuất kinh doanh của Cty. Phần lớn đều hoạt động hiệu quả, số doanh nghiệp có lãi hàng năm đạt trên 79%. Cty TNHH vận tải và thương mại Trường An (Trực Ninh) kinh doanh vận chuyển hàng hoá bằng đường biển, đường bộ; mua bán khai thác và chế biến quặng; đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thuỷ; thi công các công trình dân dụng, công nghiệp đầu tư có hiệu quả; số vốn đầu tư cũng như lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2009, Cty đầu tư 91,5 tỷ đồng, năm 2010 Cty đầu tư 93 tỷ đồng. Doanh thu năm 2010 dự kiến đạt 205 tỷ đồng, tăng 8 tỷ đồng so với năm 2009, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động cao hơn năm 2009. Cty TNHH đóng tàu Trung Bộ (Giao Thuỷ) đã kịp thời chuyển hướng từ đóng mới sang sửa chữa các phương tiện vận tải thuỷ nên vẫn giữ được đội ngũ công nhân có tay nghề cao, thu nhập người lao động đạt trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng. 9 tháng đầu năm, doanh thu của Cty đạt 38 tỷ đồng nộp ngân sách gần 3,4 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả đã tái đầu tư mở rộng sản xuất, đạt giá trị tăng nhiều lần so với ngày mới thành lập như Cty TNHH Thắng Lợi, Cty TNHH Nam Anh, Cty TNHH Hưng Thịnh (TP Nam Định); Cty TNHH Ngọc Anh, Cty TNHH Chiến Thắng (Nam Trực); Cty TNHH AXUZU, Cty cơ khí Đình Mộc (Xuân Trường); Cty TNHH Toàn Thắng, Cty TNHH Minh Đạt (Ý Yên); Cty TNHH Quyết Tiến (Giao Thuỷ)…
|
Sản xuất máy ép gạch ở Cty cổ phần Thanh Bằng, xã Xuân Tiến (Xuân Trường).
Ảnh: Xuân Thu
|
Các doanh nghiệp thuộc loại hình Cty cổ phần có khả năng hoạt động rộng trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, cơ cấu vốn linh động, có khả năng huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu nhưng đòi hỏi người lãnh đạo quản lý phải có kiến thức, kỹ năng quản lý điều hành linh hoạt. Số doanh nghiệp thuộc loại hình Cty cổ phần sản xuất kinh doanh có lãi hàng năm đạt gần 78%. Cty cổ phần xây dựng Tiến Triển (Hải Hậu) thành lập năm 2001. Từ năm 2008, Cty hoạt động theo mô hình Cty mẹ, Cty con. Các thành viên trong Cty giúp đỡ nhau để cùng phát triển tạo thành nhóm Cty có năng lực, có tiềm năng kinh tế mạnh có thể đảm nhận thi công các công trình lớn. Hiện nay, Cty có 22 đơn vị thành viên và 5 đội sản xuất có việc làm ổn định trong và ngoài tỉnh. Cty cổ phần thương mại Mai Hương là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua. Cty luôn chủ động trong việc lựa chọn ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 2002-2004, Cty tổ chức láp ráp mỗi năm 3.000-4.000 chiếc xe máy, tạo việc làm cho 60 lao động, thu nhập ổn định. Từ năm 2005, doanh nghiệp đầu tư trên 50 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất các loại sợi. Cty luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm và tính toán đúng thời điểm và số lượng nhập nguyên liệu để tránh biến động của tỷ giá ngoại tệ và bảo đảm ổn định sản xuất. Tận dụng công suất máy móc và đáp ứng yêu cầu của khách hàng, Cty tổ chức làm việc 3 ca. Sản phẩm của Cty được bán cho nhiều doanh nghiệp dệt, may trong cả nước… Ngoài ra, còn nhiều Cty cổ phần sản xuất, kinh doanh hiệu quả như Cty cổ phần dây lưới thép Nam Định đã tiếp cận và áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến, ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh thu 9 tháng năm 2010 đạt 190 tỷ đồng, lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng. Cty cổ phần dược Minh Dân dự kiến doanh thu năm 2010 đạt 120 tỷ đồng. Cty cổ phần Thuý Đạt, bảo đảm việc làm cho 600 lao động, thu nhập bình quân mỗi người đạt 2,4 triệu đồng/tháng, doanh thu năm 2010 dự kiến tăng 200% so với năm 2009. Cty cổ phần cơ khí đúc Cửu Long (Ý Yên), Cty cổ phần xây dựng Giao Thuỷ (Giao Thuỷ), Cty cổ phần dệt may Liên Tỉnh (Nam Trực)… đều có doanh thu năm sau cao hơn năm trước, ổn định việc làm cho người lao động.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, bên cạnh việc khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, cần giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác đào tạo, quản trị doanh nghiệp với nội dung đào tạo phù hợp từng đối tượng và yêu cầu thực tế; có chính sách hỗ trợ, tài trợ để khuyến khích các nhà quản lý doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ. Các doanh nghiệp cần chú trọng đến năng lực nghiên cứu thị trường, nâng cao kiến thức quản lý kinh tế, ứng dụng công nghệ thông tin, kiến thức pháp luật, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh… Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, đầu tư công nghệ, máy móc có hiệu quả cao trong sản xuất. Tăng dần tỷ trọng các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực cơ khí, công nghiệp chế biến, thu hút nhiều lao động. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở vùng nông thôn, tăng cường đào tạo nghề cho người lao động./.
Trần Hữu Quyết