Hiện tại trên địa bàn thành phố có 5 Văn phòng Công chứng (VPCC) tư hoạt động. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, các VPCC tư này đã góp phần giảm khối lượng công việc của bộ phận hành chính tư pháp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả của hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố.
|
VPCC Trọng Tâm trong giờ làm việc. |
VPCC Bảo Nguyệt được thành lập trước nhất theo Quyết định số 6905/2008/QĐ-UB của UBND thành phố Đà Nẵng. Tiếp đến là các Văn phòng Trọng Tâm, Ngọc Yến, Phước Nhân và Trung Việt. Các VPCC tư này đều do một công chứng viên thành lập và làm trưởng văn phòng, có cơ cấu tổ chức từ 6 đến 8 người, hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Sở Tư pháp đã làm tốt công tác tham mưu cho UBND thành phố trong việc ban hành Chỉ thị số 14/2007/CT-UBND về việc triển khai thực hiện Luật Công chứng và đề án quy hoạch mạng lưới phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố, nên ngay từ khi triển khai, công tác công chứng đã đi vào nền nếp và đem lại những kết quả đáng kể. Theo số liệu mới nhất, tính đến ngày 30-9-2010, các VPCC tư đã giải quyết được tổng số gần 30.000 hồ sơ với tổng số phí công chứng thu được gần 9 tỷ đồng.
Mặc dù đóng góp nhiều hiệu quả tích cực trong quá trình chứng thực, các VPCC tư vẫn gặp một số vướng mắc. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp, thuộc Sở Tư pháp, theo quy định của luật công chứng, các VPCC chỉ có một công chứng viên, và các chuyên viên phụ việc nên khi công chứng viên vắng mặt thì văn phòng bắt buộc phải đóng cửa theo. Bà Bình cho biết thêm: “Một khó khăn cho các VPCC tư nữa là chưa có hệ thống kết nối mạng tra cứu dữ liệu chung, các tổ chức tự tra cứu nên rủi ro trong quá trình ký kết các hợp đồng giao dịch thường xảy ra. Mặt khác, vì nhận thức của mỗi công chứng viên khác nhau nên vẫn có trường hợp văn phòng này không chứng thực, trong khi văn phòng khác thì lại chứng”.
Bảo hiểm nghề nghiệp cũng là một vướng mắc. Bảo hiểm nghề nghiệp công chứng nhằm bảo đảm an toàn cho công chứng viên khi hành nghề cũng như quyền lợi của khách hàng, nhưng hiện nay các VPCC tư vẫn còn đắn đo khi mua bảo hiểm, chỉ có VPCC Bảo Nguyệt mua bảo hiểm hành nghề của Tổ chức Bảo hiểm Liberty (Mỹ) với mức bảo hiểm cao nhất là 10 tỷ đồng.
Để các VPCC tư hoạt động có hiệu quả hơn nữa, ngày 10-5-2010, UBND thành phố đã ký ban hành Quyết định số 14/2010/QĐ-UBND về việc chuyển giao chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản tại UBND các quận, phường cho các tổ chức hành nghề công chứng. Quyết định này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc giải quyết các nhu cầu thủ tục hành chính về công chứng, chứng thực; đồng thời chuyển giao một phần nhiệm vụ cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức hành nghề công chứng, giảm tải và điều phối khối lượng công việc của bộ phận hành chính tư pháp ở cấp quận và cấp phường, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Về hiệu quả thực tế của các VPCC tư, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, cho biết: “Hiệu quả thấy rõ nhất là các VPCC tư đã gánh được một phần khá lớn công việc của các phòng công chứng Nhà nước, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, người dân vẫn còn có tâm lý phân biệt giữa công chứng tư và công chứng Nhà nước. Cần có biện pháp tuyên truyền để người dân hiểu được Luật Công chứng, từ đó tạo niềm tin vững chắc cho người đi công chứng”.
Nhìn chung, hoạt động của các VPCC tư trong thời gian qua đã đáp ứng được nhu cầu công chứng của công dân, tổ chức, tạo điều kiện cho công dân, tổ chức được lựa chọn việc công chứng tại các VPCC hoặc các phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp. Để nâng cao chất lượng phục vụ các tổ chức và cá nhân hơn nữa, bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng VPCC Trọng Tâm kiến nghị, Sở Tư pháp nên thường xuyên hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ để có sự thống nhất giữa các tổ chức công chứng trên địa bàn thành phố trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Bài và ảnh: Loan Phương