Hiệu quả mô hình Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm TP. Đà Nẵng, đến năm 2010, toàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 659 chiếc thúng máy, 687 chiếc tàu dưới 20CV và có 587 chiếc tàu có công suất từ 20 - 45CV trên tổng số tàu thuyền là 2.387 chiếc. Lượng tàu nhỏ dưới 20CV và thúng máy chiếm khoảng 56%. Thực trạng trên dẫn đến nguồn lợi hải sản ven bờ đang bị khai thác quá mức cho phép, ngư cụ đánh bắt mang tính hủy diệt vẫn đang tồn tại và phát triển, sự cạnh tranh ngư trường khai thác giữa các chủ phương tiện ngày càng cao nên thu nhập ven bờ ngày càng suy giảm.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm TP. Đà Nẵng, đến năm 2010, toàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 659 chiếc thúng máy, 687 chiếc tàu dưới 20CV và có 587 chiếc tàu có công suất từ 20 - 45CV trên tổng số tàu thuyền là 2.387 chiếc. Lượng tàu nhỏ dưới 20CV và thúng máy chiếm khoảng 56%. Thực trạng trên dẫn đến nguồn lợi hải sản ven bờ đang bị khai thác quá mức cho phép, ngư cụ đánh bắt mang tính hủy diệt vẫn đang tồn tại và phát triển, sự cạnh tranh ngư trường khai thác giữa các chủ phương tiện ngày càng cao nên thu nhập ven bờ ngày càng suy giảm.

Nhiều năm qua, thành phố đã hướng dẫn ngư dân thực hiện chuyển đổi nghề khai thác thủy sản từ nghề cấm sang nghề không bị cấm, chủ yếu ở các phường có bãi ngang, có nhiều phương tiện nhỏ khai thác bằng nghề cấm ven bờ như nghề mành điện, giả cào, lưới kéo… chuyển sang các ngành nghề như cản lộng, lưới mực, lờ mực, lưới rê cước... Gần đây, nghề câu và nghề rê cá chim đã được ngư dân thực hiện và bước đầu đem lại hiệu quả cao nhằm chuyển sang những nghề khai thác tiêu hao nhiên liệu ít, tổ chức sản xuất trên biển theo tổ đội, kiêm nghề, lựa chọn đối tượng khai thác và chuyển đổi ngư trường khai thác.

Năm 2009, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ xây dựng mô hình chuyển đổi du nhập một số nghề mới như nghề câu khơi và nghề rê cá chim, bước đầu đem lại hiệu quả cao. Năm 2010, Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm lại tiếp tục nhân rộng mô hình “Hỗ trợ chuyển đổi nghề cấm khai thác và nghề khai thác ven bờ”. Mô hình được triển khai từ tháng 6 đến tháng 12-2010 tại 5 hộ, trong đó có 3 hộ nghề câu và 2 hộ nghề rê cá chim, thuộc địa bàn các phường Thọ Quang, Mân Thái, An Hải Bắc (quận Sơn Trà); Thuận Phước, Thanh Bình (quận Hải Châu). Trung tâm đã hỗ trợ cho nghề câu các loại dây chính, dây nhánh, dây mí và lưỡi câu; hỗ trợ cho nghề rê cá chim các loại áo lưới, giềng phao, giềng chì, dây treo.

Qua sơ kết mô hình cho thấy, tàu thuyền có dãy công suất nhỏ từ 22CV - 45CV, cấu tạo ngư cụ đơn giản, khai thác có tính chọn lọc nên không tàn phá nguồn lợi và môi trường, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá hố mắt vàng 70.000 đồng/kg, cá hồng 80.000 đồng/kg…), đồng thời có thể khai thác kiêm nghề. Bên cạnh đó, với chi phí đầu tư cho một vàng câu không lớn, khoảng 30 - 50 triệu đồng, phí tổn cho một chuyến biển thấp..., là những yếu tố thuận lợi cho ngư dân chuyển đổi nghề. Đối với nghề rê cá chim, cấu tạo lưới đơn giản, chế tạo tiện lợi, dễ dàng, vốn đầu tư không lớn, quy mô vàng lưới để có thể đánh bắt được từ 40- 50 tấm lưới.
Do đối tượng đánh bắt có giá trị xuất khẩu và có giá bán cao nên chỉ cần mỗi chuyến biển khai thác 100 - 200kg cá chim trắng là lãi rất cao. Chi phí cho mỗi chuyến biển từ 5 - 7 triệu đồng, thời gian đi ngắn ngày khoảng từ 3-7 ngày, số lao động không lớn nên đây là yếu tố thuận lợi cho bà con ngư dân khai thác. Mùa vụ đánh bắt từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, tuy nhiên riêng năm 2010, do ảnh hưởng sự biến đổi khí hậu dẫn đến dòng chảy rối quá mạnh, vàng lưới bị xoắn lại và khai thác chưa cao so với năm 2009. Sản lượng đánh bắt được chưa nhiều, chỉ có một vài chiếc thu được 90 - 120 triệu đồng/chuyến (phường Thọ Quang) và những chuyến biển cuối tháng 12 mới đạt được như mong muốn.

Tính đến năm 2010, toàn thành phố có gần 90 hộ tham gia nghề rê cá chim, chủ yếu tập trung ở các phường Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông và An Hải Bắc (Sơn Trà). Hiện số tàu thuyền có công suất nhỏ vẫn chiếm tỷ lệ cao, cần chuyển đổi ngành nghề khai thác, song còn gặp khó khăn về kinh phí, cần được Nhà nước và ngân hàng quan tâm. Ngoài ra, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của một số ngư dân còn thấp. Hơn nữa, chi phí nhiên liệu ngày một tăng, lao động nghề biển ngày càng ít, sản lượng giảm, trong khi đó giá bán không tăng, đôi khi còn bị nậu vựa ép giá, dẫn đến lợi nhuận không cao cũng là một trở ngại cần được quan tâm giải quyết...

Dân Hùng

Đọc thêm