Hiệu quả từ chương trình 'mỗi xã một sản phẩm du lịch' ở U Minh

(PLVN) - “Nhắc đến Cà Mau, người ta sẽ nghĩ ngay đến địa danh U Minh bởi nơi đây có đặc trưng cơ bản về địa lý, lịch sử của vùng đất địa đầu giàu truyền thống cách mạng. Đó cũng chính là điều kiện lý tưởng để huyện U Minh đẩy mạnh phát triển du lịch nhằm thu hút hơn nữa du khách đến tham quan”, Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba chia sẻ với Báo PLVN. 
Du khách trải nghiệm hái dâu Cái Tàu tại nhà vườn U Minh
Du khách trải nghiệm hái dâu Cái Tàu tại nhà vườn U Minh

Với những cánh rừng bạt ngàn, các sản phẩm tự nhiên như cá đồng, mật ong, cây trái... huyện U Minh có nhiều thế mạnh để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Phát huy ưu thế này, huyện U Minh tiếp tục quy hoạch chương trình “mỗi xã một sản phẩm” hứa hẹn mang đến nhiều loại hình du lịch trong tương lai.  

Ông Phạm Văn Sóng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh cho biết: “Đến nay huyện U Minh xác định được 9 sản phẩm thế mạnh đặc trưng của huyện gồm: Cây bồn bồn xã Khánh An; nghề đan đác truyền thống và Trái dâu cái tàu xã Nguyễn Phích; rau sạch thị trấn U Minh; cá lóc đồng xã Khánh Lâm; cá khô biển xã Khánh Hội; Nấm rơm xã Khánh Hòa; chả cá phi xã Khánh Tiến; chuối xiêm xã Khánh Thuận. Các sản phẩm dự kiến sẽ được công nhận trong năm 2019. Khi đó sẽ tạo dự đa dạng sản phẩm, mở hướng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm trong cộng đồng. Huyện cũng đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cũng cố, tạo thương hiệu các sản phảm đặc trưng riêng tại địa phương”. 

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống của U Minh
Gian hàng giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống của U Minh

Chị Sơn Thị Sự, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất cá khô thương phẩm Hương Quê xã Khánh Hội thông tin: “Sản phẩm cá khô của các Tổ hợp tác sạch, an toàn và chất lượng tốt nên được nhiều người dân tin dùng. Hiện thu nhập mỗi ngày của chị em Tổ hợp tác khoảng 150 – 200 ngàn đồng. Nếu phát triển sản phẩm làm quà tặng cho khách du lịch, sản lượng tiêu thụ sẽ nhiều hơn, thu nhập sẽ cao hơn”. 

Nghề đan đác truyền thống của xã Nguyễn Phích đã hình thành cách nay đã hơn 50 năm, hiện có khoảng 70 hộ tham gia, chủ yếu là sản xuất đan thúng, dần sàng, nia và thắt ghế, bình quân mỗi hộ gia đình thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng.” 

Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba (thứ 2 từ trái sang) cùng các ngành tìm hiểu thực tế về các sản phẩm thủ công truyền thống trên địa bàn
Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba (thứ 2 từ trái sang) cùng các ngành tìm hiểu thực tế về các sản phẩm thủ công truyền thống trên địa bàn

Chủ tịch UBND huyện U Minh Dư Bé Ba cho biết :"Để nghề đan đác truyền thống phát triển bền vững, huyện U Minh chỉ đạo chuyển đổi dần từ đan các sản phẩm lớn theo phương thức truyền thống sang sản xuất sản phẩm nhỏ hơn phục vụ du lịch như thúng bông, rổ bông, lồng đèn, giỏ… để làm quà lưu niệm. Đồng thời liên kết với các điểm du lịch ở các địa phương khác để ký kết cung cấp sản phẩm đan đác, tìm đầu ra cho người dân. Huyện cũng chủ trương vận động người dân khu vực lâm phần tận dụng đất trống trồng tre, trúc để cung cấp nguyên liệu cho nghề đan đác và sản xuất các mặt hàng phục vụ."

Dâu Cái Tàu là đặc sản của U Minh nổi tiếng gần xa. Cứ vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5, vườn dâu bắt đầu cho trái chín. Hàng năm cứ vào thời điểm này, các chủ vườn sẽ mở cửa phục vụ du khách đến tham quan. Doanh thu từ bán vé và bán dâu chín mang đến nguồn thu nhập đáng kể cho các chủ vườn. 

Du khách chụp ảnh "tự sướng" khi trải nghiệm du lịch tại các nhà vườn U Minh
Du khách chụp ảnh "tự sướng" khi trải nghiệm du lịch tại các nhà vườn U Minh

“Trên địa bàn xã hiện còn 16 hộ trồng cây dâu Cái Tàu với diện tích 15 ha. Hàng năm bước vào mùa dâu chín, mỗi vườn dâu đón hàng tram lượt khách du lịch mỗi ngày, có thu nhập từ các dịch vụ như vé vào cổng, phục vụ ăn uống tại chỗ và bán dâu cho khách mang về từ 40 đến 80 triệu đồng một vụ”, ông Võ Văn Liêu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Phích nói.

Ngoài đặc sản "mỗi xã một sản phẩm du lịch", huyện U Minh còn có vườn Quốc gia U Minh Hạ và khu du lịch sinh thái Sông Trẹm. Đây là loại hình du lịch sinh thái trải nghiệm được nhiều du khách lựa chọn khi đến tham quan tại huyện U Minh. Vào dịp lễ tết, những nơi này đón hàng ngàn du khách đến tham quan mỗi ngày. 

Ông Trần Thanh Liêm (phải) ở ấp 10, xã Nguyễn Phích là chủ vựa trái cây thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
Ông Trần Thanh Liêm (phải) ở ấp 10, xã Nguyễn  Phích là chủ vựa trái cây thu nhập trên 300 triệu đồng/năm

Ông Trần Thanh Liêm (ở ấp 10, xã Nguyễn Phích) - hiện đang là chủ vườn quýt lớn nhất xã, cho rằng: “U Minh đang chứa đựng một tiềm năng rất lớn về du lịch nhà vườn. Nếu được tổ chức tốt, tập huấn kỹ càng và có sự liên kết giữa các hộ dân, tôi tin rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm du lịch để mang đến nguồn doanh thu không nhỏ cho người dân”.

Chia sẻ với PV, Chủ tịch UBND huyện U MInh Dư Bé Ba khẳng định: “Cùng với phát triển du lịch, U Minh cũng chú trọng phát triển dịch vụ đi kèm. Huyện đang xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể để làm sao khai thác tối đa các thế mạnh của địa phương. Đặc biệt là du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng để từ đó nâng cao thu nhập cho người dân từ phát triển du lịch và dịch vụ”.

Đọc thêm