Hiệu quả từ dự án "Sân khấu học đường"

Năm 2010, tỉnh ta được chọn đại diện cho khu vực phía Bắc tham gia thực hiện dự án "Sân khấu học đường" do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc (Bộ VH-TT và Du lịch) triển khai với loại hình nghệ thuật cải lương. Dự án được triển khai từ tháng 4-2010, tại 3 trường THCS Trần Bích San, Lương Thế Vinh và Hàn Thuyên (TP Nam Định) là các trường có phong trào văn nghệ mạnh.

Đội văn nghệ trường THCS Lương Thế Vinh (TP Nam Định) tập trích đoạn vở Thoại Khanh - Châu Tuấn.  Ảnh: P.V
Đội văn nghệ trường THCS Lương Thế Vinh (TP Nam Định) tập trích đoạn vở Thoại Khanh - Châu Tuấn.                                      Ảnh: P.V

Năm 2010, tỉnh ta được chọn đại diện cho khu vực phía Bắc tham gia thực hiện dự án "Sân khấu học đường" do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc (Bộ VH-TT và Du lịch) triển khai với loại hình nghệ thuật cải lương. Dự án được triển khai từ tháng 4-2010, tại 3 trường THCS Trần Bích San, Lương Thế Vinh và Hàn Thuyên (TP Nam Định) là các trường có phong trào văn nghệ mạnh. Ban điều hành dự án của tỉnh, gồm: Lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo. Đơn vị nghệ thuật thực hiện dự án là Đoàn Cải lương Nam Định, Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Nam Định và đại diện Ban giám hiệu các trường THCS tham gia dự án. Trong quá trình triển khai dự án, các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Cải lương Nam Định đã tới các trường tổ chức biểu diễn và kết hợp giới thiệu về loại hình nghệ thuật cải lương, tuyển chọn những học sinh có năng khiếu, dạy cho các em những kiến thức cơ bản về nghệ thuật cải lương. Mỗi trường chọn 20 học sinh tham dự khoá học với các nội dung: Khái quát sự hình thành và phát triển những đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật cải lương, phân tích các mẫu nhân vật, chức năng của các loại nhạc cụ, những giá trị, nét độc đáo, cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật sân khấu cho các em học sinh. Các nghệ sĩ hướng dẫn các em tập luyện các trích đoạn cải lương, gồm: Trích đoạn màn 2 vở cải lương "Thoại Khanh - Châu Tuấn" (kịch bản Văn Lang - Châu Thành); trích đoạn màn 2 vở cải lương "Mùa xuân có bão" (kịch bản Vũ Hải); trích đoạn màn 2 vở cải lương "Tống Trân - Cúc Hoa" (kịch bản Ái Sơn). Ngoài các trích đoạn trên, các em còn được học một số làn điệu cải lương cơ bản như Dạ cổ hoài lang, Lý con sáo, Lý trăng soi, Vọng Kim Lang, Thu Hồ, Lưu thủy hành vân, Trăng thu dạ khúc. Qua khoá học, các em sẽ là những hạt nhân trong phong trào văn nghệ không chuyên của các trường. Trên cơ sở vốn hiểu biết về nghệ thuật sân khấu truyền thống, các em càng yêu thích và quý trọng những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Với những kết quả đạt được sau khoá học, Dự án "Sân khấu học đường" có ý nghĩa thiết thực, cần được nhân rộng trong các nhà trường từ thành thị đến nông thôn. Các trường có học sinh tham gia Dự án đã có nhiều chương trình biểu diễn do các em học sinh đảm nhiệm. Nhiều vở kịch ngắn, các trích đoạn cải lương, trích đoạn chèo có nội dung đề tài lịch sử, truyền thống và hiện đại được các em thường xuyên biểu diễn và giao lưu giữa các trường. Thông qua các loại hình nghệ thuật này, học sinh sẽ nhận thấy được vai trò, ý thức tư duy trong sự hình thành và phát triển nhân cách con người, các em cũng được phát triển nhân cách và trí tưởng tượng cũng như kỹ năng cảm nhận của mình. Mặt khác dự án cũng là một hình thức nhằm phát triển yếu tố khán giả cho sân khấu hôm nay và tạo nguồn lực có năng khiếu cho sự nghiệp sân khấu trong tương lai./.

Thu Trang

Đọc thêm