Dự án 8, Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" được UBND huyện Tương Dương khởi động theo Kế hoạch số 210/KH-UBND từ ngày 31/12/2022, với sự điều phối chủ yếu của Hội LHPN huyện.
Trên cơ sở các quyết định về tổ chức và phân công, Hội đã phối hợp chặt chẽ với các phòng ban và triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao quyền lợi và đời sống của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số tại các xã nghèo.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương – chị Nông Thị Kim Tuyến cho biết, Dự án xác định tập trung vào việc thay đổi nhận thức của phụ nữ về bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe và các kỹ năng làm mẹ an toàn thông qua nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng.
Địa bàn rộng lớn và giao thông khó khăn luôn là thách thức trong quá trình thực hiện, nhưng sự quyết tâm và đồng lòng của Hội cùng với các địa phương đã giúp từng bước đạt được kết quả.
|
Chiến dịch truyền thông vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm, xoá bỏ định kiến khuôn mẫu giới và ra mắt tổ truyền thông cộng đồng tại Tương Dương |
Với các hoạt động truyền thông tích cực, Dự án đã góp phần xóa bỏ định kiến giới và các tập quán văn hóa có hại. Năm 2023, Hội LHPN đã tổ chức 38 cuộc truyền thông về thay đổi nhận thức, thành lập 19 tổ truyền thông cộng đồng, và tổ chức 5 lớp tập huấn. Những buổi truyền thông này đã giúp phụ nữ và trẻ em tại các thôn bản hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc sinh con tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe trẻ em, và làm mẹ an toàn.
Một người dân ở xã Nhôn Mai chia sẻ: “Nhờ các buổi tuyên truyền, tôi đã học được nhiều điều bổ ích về chăm sóc con cái và giữ gìn sức khỏe. Trước đây, chúng tôi còn bỡ ngỡ về các dịch vụ y tế, nhưng bây giờ đã hiểu rõ hơn và biết cách sinh con an toàn.”
Năm 2023, dự án đã ra mắt ba mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng" nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, được triển khai tại các xã Nhôn Mai, Tam Hợp và Yên Hòa, với sự tham gia của gần 2.000 người.
Thêm vào đó, Hội LHPN huyện đã trang bị kiến thức và kỹ năng lồng ghép giới cho các cán bộ trong hệ thống chính trị, trưởng bản, và người có uy tín nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế.
|
Xen lẫn các buổi truyền thông là hoạt động văn nghệ thu hút đông đảo chị em phụ nữ |
Trong năm 2024, Hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em được triển khai chú trọng hơn.
Có 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực các tổ truyền thông cộng đồng cho 350 người đã được tổ chức; Ra mắt 35 tổ truyền thông cộng đồng và tặng thiết bị truyền thông thông; Tổ chức 35 cuộc truyền thông về thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến kiến giới, khuôn mẫu giới;
Tổ chức 12 cuộc truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế; Trang bị cơ sở vật chất cho địa chỉ tin cậy tại bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai.
Cùng với đó, đã tổ chức tập huấn hướng dẫn thành lập vận hành “Địa chỉ tin cậy”; Kỹ năng phát hiện, lên tiếng hỗ trợ người bị bạo lực tại huyện năm 2024 cho 240 người tham gia.
Hội LHPN huyện đã chủ động, nỗ lực thực hiện và đạt được những kết quả bước đầu, một số chỉ tiêu dự án thực hiện đạt so với chỉ tiêu đã được xác định theo Kế hoạch, góp phần nâng cao nhận thức thay đổi định kiến giới, khuôn mẫu giới trong người dân, chăm lo đời sống vật chất tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững….
|
Người dân đặt nhiều câu hỏi trong các buổi truyền thông chính sách |
Hội LHPN huyện đã nỗ lực, chủ động phối hợp với các cấp chính quyền và các ban, ngành liên quan trong triển khai thực hiện. Các mô hình được người dân đón nhận, ủng hộ và được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện còn những khó khăn vướng mắc, hay như đặc thù địa bàn rộng, đường xá đi lại khó khăn các xóm cách xa nhau nên việc đi lại triển khai khá vất vả, trình độ dân trí của một số chị em còn thấp. Để khắc phục, Hội LHPN huyện đã linh hoạt trong tổ chức, lựa chọn các thành viên có uy tín để dẫn dắt, và đan xen các hoạt động văn nghệ với truyền thông, giúp người dân dễ dàng tiếp nhận kiến thức.
Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết thêm: Những mô hình này không chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn khuyến khích phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, đóng góp vào giảm nghèo bền vững. Dự án còn tổ chức lớp tập huấn về phòng chống bạo lực gia đình, giúp phụ nữ tự tin và có kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
|
Rất đông đảo chị em phụ nữ người DTTS quan tâm đến các buổi truyền thông trong Dự án 8 |
Quá trình thực hiện Dự án, Hội đã rút ra được những bài học kinh nghiệm như: Không nên áp đặt một cách máy móc, ví dụ ở thôn này có thuận lợi gì thì mình dựa vào đó mà xây dựng, tổ chức hệ thống. Không nên áp đặt hay dựa vào một quy tắc nhất định nào. Làm được điều đó người dân mới đồng thuận, hoạt động hết mình với các mục tiêu dự án. Đem đến những hoạt động mà họ thích, có lợi cho các thành viên, hội viên và cộng đồng. Các công việc có thể đan xen, lồng ghép với nhau, miễn sao kết quả cuối cùng đạt được mục tiêu như mong đợi.
Những thành công bước đầu của Dự án 8 tại huyện Tương Dương đã mang đến sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và đời sống của phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS. Không chỉ xóa bỏ các định kiến giới và tập quán văn hóa có hại, Dự án còn giúp nâng cao quyền lợi, phát triển năng lực, và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội.a