Hiệu quả từ dự án trồng rừng ngập mặn phòng ngừa thảm họa thiên tai

Nam Định được xác định là một trong những tỉnh trọng điểm trong các mùa mưa bão, với hệ thống 91km đê biển ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và hơn 300km đê sông lớn như sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ…, là những vùng có nguy cơ cao và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên tai.

Chăm sóc tre chắn sóng mới trồng tại triền đê sông Đào, xã Thành Lợi (Vụ Bản).  Ảnh: Xuân Thu
Chăm sóc tre chắn sóng mới trồng tại triền đê sông Đào, xã Thành Lợi (Vụ Bản).
Ảnh: Xuân Thu

Nam Định được xác định là một trong những tỉnh trọng điểm trong các mùa mưa bão, với hệ thống 91km đê biển ở các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và hơn 300km đê sông lớn như sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ…, là những vùng có nguy cơ cao và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên tai. Được sự tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, từ năm 2007 đến năm 2010, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án trồng rừng ngập mặn - phòng ngừa thảm họa thiên tai.

Trong khuôn khổ dự án đã tổ chức 25 lớp tập huấn kế hoạch phòng ngừa thảm họa thiên tai cho hơn 500 cán bộ, gồm đại diện cấp ủy, chính quyền, một số cán bộ ban, ngành, đoàn thể, Hội Chữ thập đỏ và trưởng xóm ở 25 xã thuộc những trọng điểm có nguy cơ cao về thảm họa thiên tai; mở 17 lớp tập huấn cho 340 giáo viên tiểu học của 23 trường tại 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng và 3 lớp ứng phó nhanh cho 60 đội viên thanh niên xung kích xã Hải Đông (Hải Hậu), thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy), xã Nam Điền (Nghĩa Hưng). Tổ chức tuyên truyền, cấp phát 500 cuốn sách giới thiệu về phòng ngừa thảm họa tại cộng đồng và hàng nghìn tờ tranh, sách về phòng ngừa thảm họa thiên tai cho giáo viên và học sinh. Ban điều hành dự án tỉnh tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây chắn sóng như cây trang, cây phi lao, cây tre bát độ ở các xã vùng ven biển, ven sông cho hơn 200 hộ dân tham gia dự án. Thông qua tập huấn, các hộ dân còn được nghe phổ biến một số kiến thức về phòng ngừa thảm họa thiên tai, từ đó nâng cao nhận thức và hành động trong việc phòng ngừa ứng phó khi có thảm họa thiên tai xảy ra.

Với tổng kinh phí được tài trợ hơn 1,7 tỷ đồng, đến nay tỉnh ta  đã trồng được 80ha cây trang và hơn 30ha cây phi lao ở một số xã ven biển thuộc địa bàn các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và trồng 8.800 cây tre bát độ ven sông thuộc địa bàn các huyện Xuân Trường và Nam Trực. Diện tích trồng rừng ngập mặn và trồng tre chắn sóng ven sông đến nay đã được bảo vệ, chăm sóc và phát triển tốt, đạt được mục tiêu góp phần giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và những tổn thất do bão, lũ gây ra cho cộng đồng người dân vùng ven biển, ven sông và tại các vùng có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh, đồng thời cải thiện đời sống kinh tế của một bộ phận dân cư ở các địa phương thực hiện dự án. Các hộ dân tham gia trồng rừng được thanh toán đầy đủ theo quy định, đồng thời được hưởng lợi về kinh tế từ dự án như: khi rừng ngập mặn phát triển sẽ là nơi bồi tụ trầm tích, là nơi trú ngụ của thủy, hải sản và người dân ven biển sẽ thuận lợi hơn trong việc đánh bắt, khai thác thủy sản. Còn với tre bát độ, ngoài mục đích chắn sóng còn cho nguồn lợi lớn là sản phẩm măng tre, ước tính với rừng tre phát triển tốt sau 3 năm có thể cho thu hoạch từ 30 đến 50 triệu đồng trên mỗi ha.

Hiện nay, ban điều hành dự án tỉnh tiếp tục chỉ đạo Hội Chữ thập đỏ và cơ sở thụ hưởng dự án làm tốt việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ tốt các loại cây rừng đã trồng và xúc tiến vận động sự tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư trồng rừng ngập mặn tại các xã ven sông để nâng cao năng lực ứng phó và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại khi có thảm họa thiên tai xảy ra./.

Phạm Quốc Tuấn

Đọc thêm