Hiệu quả từ mô hình Bí thư cấp uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện, xã ở Quảng Ninh

(PLVN) - Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Quảng Ninh là địa phương mạnh dạn tiên phong trong việc nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo, hợp nhất các cơ quan Đảng và chính quyền, trong đó nổi bật là mô hình nhất thể hóa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, xã. Đến nay, mô hình này đã mang lại nhiều kết quả rõ rệt, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Trần Như Long (thứ 3, phải sang) trò chuyện với các đồng chí cán bộ thôn, khu.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Trần Như Long (thứ 3, phải sang) trò chuyện với các đồng chí cán bộ thôn, khu.

Cô Tô là địa phương duy nhất của tỉnh đến nay thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp huyện và 100% cấp xã, vượt mục tiêu cả tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2015-2020 là 60%

. Từ thực tế triển khai thực hiện mô hình nhất thể hóa này, trên địa bàn đã cho thấy đây là chủ trương đúng đắn và phù hợp, có nhiều thuận lợi trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng chí Trần Như Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: Việc thực hiện nhất thể hóa đã góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng đối với chính quyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; xây dựng được mô hình tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn.

Đồng thời, giúp cho các chủ trương lãnh đạo của cấp ủy, Nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các cấp được triển khai, cụ thể hóa nhanh hơn; các đề xuất của UBND cấp huyện, cấp xã được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy các xã, thị trấn xem xét, thảo luận, quyết định nhanh hơn.

Sự phối hợp trong điều hành hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền của huyện, xã nhịp nhàng, tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện và kiểm soát đánh giá ở tất cả các khâu. Ngoài ra còn giảm bớt các khâu thủ tục hành chính trung gian và số lượng các cuộc họp; tiết kiệm được biên chế, kinh phí, cơ sở vật chất văn phòng, bộ máy phục vụ, phương tiện công tác.

Từ hiệu quả của mô hình đã góp phần giúp huyện liên tiếp đạt được nhiều thành quả trong nhiệm kỳ 2015-2020. Hiện Cô Tô đã trở thành huyện đảo nông thôn mới đầu tiên trong cả nước với mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 57 triệu đồng (năm 2015) lên 88 triệu đồng (năm 2019), phấn đấu đạt 92 triệu trong năm 2020.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, đúng hướng. Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm đều tăng từ 10-20% so với dự toán tỉnh giao. An sinh xã hội được đảm bảo, đến nay, toàn huyện không còn hộ nghèo. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được nâng lên rõ rệt.

Tương tự như Cô Tô, trong nhiệm kỳ 2015-2020, mô hình nhất thể hóa bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, xã đã được Quảng Ninh chỉ đạo, thực hiện nhân rộng tại các địa phương. Đến nay, ở cấp huyện đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND tại 3 địa phương (Cô Tô, Tiên Yên, Đông Triều); ở cấp xã đã có 116/177 xã, phường thị trấn thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND, đạt 65,53%.

Trong đó có nhiều địa phương thực hiện đạt tỷ lệ cao. Điển hình, Móng Cái có 17/17 xã, phường, đạt 100%; Cô Tô là 3/3 xã, thị trấn, đạt 100%; Đông Triều là 20/21 xã, phường, đạt 95,2%; Đầm Hà là 7/9 xã, thị trấn, đạt 78%;  Vân Đồn là 9/12, đạt 75%, Tiên Yên 8/11, đạt 72,7%; Bình Liêu 5/7, đạt 71,4%.

Đồng chí Vũ Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái (áo xanh) vận động nhân dân bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
 Đồng chí Vũ Văn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái (áo xanh) vận động nhân dân bàn giao mặt bằng dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, việc thực hiện nhất thể hóa ở 2 cấp này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo được sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giảm bớt khâu trung gian, đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các nhiệm vụ trọng tâm của cơ sở và giải quyết nhanh hơn nhu cầu của nhân dân.

Mô hình còn góp phần tinh gọn bộ máy, giảm bớt cồng kềnh, chồng chéo về tổ chức, thuận lợi cho cải cách hành chính và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả này không chỉ góp phần quan trọng trong xây dựng tổ chức, cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, mà còn tạo tiền đề cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Từ những hiệu quả, thành công mà mô hình mang lại trong thời gian vừa qua, Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương nhân rộng mô hình này trong nhiệm kỳ 2020-2025. Riêng ở cấp xã, duy trì và nhân rộng đạt tối thiểu 75% số xã trở lên.

Để thực hiện mục tiêu trên, các địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác nhân sự, trong đó coi trọng công tác rà soát, thẩm định nhân sự cấp ủy để đảm bảo số lượng, chất lượng theo đúng tinh thần Kết luận 308 của Tỉnh ủy; đồng thời làm tốt công tác tư tưởng chính trị trong nội bộ cán bộ, đảng viên để tạo sự thống nhất cao trong nhận thức.

Tại 100% các đảng bộ cấp huyện và cấp xã đã hoàn thành đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, các đồng chí bí thư cấp ủy đều được đảng viên tín nhiệm bầu trực tiếp tại đại hội với số phiếu rất cao. Đó chính là nền tảng vững chắc để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thành mục tiêu nhất thể hóa đã đặt ra trong nhiệm kỳ tới.

Đọc thêm