Hiệu quả từ việc triển khai Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021

(PLVN) -Sau 5 năm triển khai Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017 - 2021, các địa phương đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Một buổi tuyên truyền pháp luật tại tỉnh Sóc Trăng
Một buổi tuyên truyền pháp luật tại tỉnh Sóc Trăng

Xác định PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã phối hợp chặt chẽ để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL. Giai đoạn 2017-2021, tỉnh đã tổ chức được 19.296 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho 1.337.228 lượt người; 32 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 414.103 lượt người tham gia; biên soạn và phát hành miễn phí gần 4 triệu tài liệu PBGDPL… Cùng với việc PBGDPL bằng nhiều hình thức truyền thống, một số cơ quan, đơn vị đã có hình thức tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả, hướng mạnh hoạt động PBGDPL về cơ sở như: Kết hợp các hình thức PBGDPL và trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí đến tận thôn, xóm, tổ dân phố; đưa pháp luật về vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi, ven biển, các trường học, trại giam thông qua mô hình “Xe thư viện đa phương tiện”; tổ chức “Đối thoại chính sách, pháp luật” giữa cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội với người dân; duy trì mô hình “Mỗi tuần một điều luật” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh…

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả Chương trình trong giai đoạn mới gắn với việc cụ thể hóa các nội dung của Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác PBGDPL trong nhà trường; tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; PBGDPL cho người lao động, người sử dụng lao động; cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo; người đang chấp hành hình phạt tù…

Còn tại Sóc Trăng, các sở, ngành, địa phương đã lồng ghép thực hiện có hiệu quả Chương trình với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, Đề án có liên quan như: “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới”; “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”; “Tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật”; “Xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý”, “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021”, “Tăng cường PBGDPL cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 - 2021”.

Qua 5 năm triển khai thực Chương trình, các Đề án của Chương trình, các nhiệm vụ được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm đạt mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra như: 100% sở, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật trước và sau khi được ban hành; 100% các nhà trường đều triển khai PBGDPL theo chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa, có giáo viên, giảng viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật; 90% đối tượng đặc thù được PBGDPL chuyên biệt theo quy định của pháp luật... Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác PBGDPL, thay đổi tư duy nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.

Xác định nguồn nhân lực PBGDPL là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vì vậy việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL luôn được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng thực hiện. Giai đoạn 2017-2021, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh thường xuyên kiện toàn bảo đảm thành phần, nhiệm vụ của Hội đồng. Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL trên địa bàn tỉnh và thực hiện việc kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh với 41 thành viên, trong đó, Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tư pháp.

Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo thực hiện việc rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng PBGDPL, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có 239 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 195 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 1.515 tuyên truyền viên pháp luật. Trung bình mỗi năm tỉnh tổ chức hơn 40 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về tuyên truyền, PBGDPL.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, các địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị thực hiện công tác này. Củng cố tổ chức, nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, kiện toàn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời không ngừng đổi mới, sử dụng có hiệu quả và sáng tạo các hình thức phổ biến pháp luật, kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền và tổ chức thi hành pháp luật và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác PBGDPL.

Đọc thêm