Thuộc điều khoản luật như thuộc bài hát
Tổng cục Hậu cần là cơ quan hậu cần đầu ngành trong quân đội, có chức năng đảm bảo hậu cần cho toàn quân, quản lý lượng cơ sở vật chất lớn của quân đội. Tổng cục có quân số đông, đóng quân ở các vùng, miền trong toàn quốc, đối tượng rộng, đa dạng về nghề nghiệp như người lao động, sỹ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, y, bác sĩ…, trình độ nhận thức pháp luật khác nhau, nguy cơ vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật lớn. Thế nhưng những năm qua, so với toàn quân, Tổng cục Hậu cần là một trong những đơn vị có số vụ vi phạm pháp luật, kỷ luật ít.
Đại tá Nguyễn Tuấn Khang - Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần cho biết: “Để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ vi phạm pháp luật, kỷ luật, Tổng cục Hậu cần đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng nhiều mô hình mẫu tuyên truyền pháp luật hiệu quả như mô hình Mỗi ngày một điều luật của Trung tâm Huấn luyện Bộ Tham mưu.
Mỗi ngày, trên các màn hình công cộng, bảng tin của đơn vị, chính trị viên đại đội chép một điều luật của Luật Quốc phòng, Luật Giao thông đường bộ hay các quy định về chấp hành kỷ luật trong quân đội lên đó để cán bộ, chiến sĩ học. Lồng ghép vào chương trình huấn luyện trong ngày, cán bộ các tiểu đội sẽ kiểm tra nhận thức pháp luật của chiến sĩ xem họ hiểu, thực hiện điều luật như thế nào?”.
Đại tá Trần Văn Liệu - Chính ủy Cục Vận tải cho biết: “Cục Vận tải có 4 lữ đoàn vận tải gồm các 971, 972, 683 và 649 làm nhiệm vụ vận chuyển phục vụ các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Các đơn vị vận tải đường thủy triển khai sâu rộng phong trào văn hóa giao thông, bình yên sông nước có chỉ tiêu cụ thể để thực hiện. Đến nay, cơ quan, đơn vị vận tải đường sông của các đơn vị hậu cần trong toàn quân thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra tai nạn.
Đối với vận tải bộ, đối với người đi xe máy, ô tô, các đơn vị mỗi tuần lại tổ chức Ngày Kỹ thuật vào cuối tuần. Ngoài việc kiểm tra phương tiện kỹ thuật, bảo dưỡng máy móc, vệ sinh khu để xe, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và Cuộc Vận động 50, các đơn vị đều tổ chức kiểm tra Luật Giao thông đường bộ đối với toàn bộ cán bộ, chiến sĩ từ nuôi quân trở đi. Do liên tục kiểm tra nên các anh em chăm chỉ học hành và thuộc điều khoản luật như thuộc bài hát”.
Ngoài Báo Pháp luật Việt Nam, sách pháp luật được Tổng cục Hậu cần cấp xuống các đại đội, trên các tủ sách của các đơn vị của Tổng cục Hậu cần đều có ngăn sách pháp luật. Mới đây, gần 1.000 đầu sách pháp luật đã được Tổng cục gửi xuống các đơn vị. Một hoạt động rất có ý nghĩa khác của các đơn vị trong Tổng cục là hội nghị rút kinh nghiệm về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật, quản lý kỷ luật, bảo đảm an ninh, an toàn trong các đơn vị.
Điểm mới trong công tác tuyên truyền pháp luật
Trước đây, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật do báo cáo viên cơ sở tự làm, điểm mới năm nay của Tổng cục Hậu cần là Tổng cục xây dựng mạng lưới báo cáo viên pháp luật của Tổng cục đi xuống cơ sở tuyên truyền. Tổ báo cáo viên gồm có Đại tá Lê Đình Trường - Trưởng phòng Điều tra Hình sự, Đại tá Trần Xuân Hồng - Trưởng phòng Bảo vệ An ninh, Thiếu tá Vũ Đình Tam -
Trưởng Cơ quan Điều tra khu vực Phòng Điều tra Hình sự, Thiếu tá Phạm Quang Minh, Đại tá Nguyễn Tiến Khang - Trưởng phòng Tuyên huấn và Trung tá Nguyễn Xuân Viễn - Thư ký Hội đồng. Phụ trách tổ báo cáo viên là Đại tá Đỗ Thanh Phong - Phó Chủ nhiệm chính trị Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật Tổng cục. Những báo cáo viên này là những người đã tốt nghiệp đại học luật, có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu hay làm công tác thực thi pháp luật của Tổng cục.
Từ thực tiễn trực tiếp giải quyết các vụ việc vi phạm kỷ luật, kinh nghiệm nhiều, các báo cáo viên tự xây dựng bài giảng, dựng các clip tuyên truyền. Làm pháp luật nhưng không khô khan, các clip lựa chọn hình ảnh, âm thanh cô đọng, gây hiệu ứng lớn.
Quý 1/2017, tổ báo cáo viên đã thực hiện tuyên truyền ở 3 đơn vị gồm Kho 190, Kho 671 Cục Xăng dầu, Lữ đoàn 971 Cục Vận tải, quân số tham gia lớp học pháp luật gần 1000 người. Mô hình mới này được lãnh đạo Tổng cục đánh giá đây là hướng đi tốt, đúng, được đơn vị, chiến sĩ nghe, tham gia hào hứng.
Đại tá Lê Đình Trường - Trưởng phòng Điều tra Hình sự Tổng cục Hậu cần cho biết: “Để tuyên truyền về an toàn giao thông, chúng tôi lấy ví dụ sinh động về các vụ việc vi phạm an toàn giao thông trên toàn quốc, toàn quân và của Tổng cục Hậu cần nhất là vụ việc của Tổng cục. Do trực tiếp làm nhiệm vụ điều tra hiện trường nên chúng tôi có đầy đủ hình ảnh số liệu, sơ đồ minh họa, các tài liệu, số liệu giám định, nồng độ cồn, tình trạng kỹ thuật của xe.
Từ vụ việc cụ thể này, chúng tôi sẽ phân tích cho anh em thấy vụ tai nạn này xảy ra do những nguyên nhân gì? Trách nhiệm hình sự, dân sự được xử lý như thế nào. Các con số và hình ảnh ấn tượng này rất hấp dẫn người nghe. Kết thúc bài giảng, chúng tôi đã đề xuất những giải pháp và khuyến cáo đối với người tham gia giao thông”.
Đối với các bệnh viện của Tổng cục, do là bệnh viện tuyến cuối, số lượng bệnh nhân lớn nên các y, bác sĩ hết sức bận rộn. Việc phổ biến giáo dục pháp luật không thể tập trung mà phải hết sức linh hoạt. Báo cáo viên phải chia nhỏ các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, đạo đức ngành Y phổ biến chung trong các sinh hoạt chi bộ, khoa ban và cung cấp tài liệu cho các y, bác sĩ tự nghiên cứu.
Các doanh nghiệp trong điều kiện sản xuất liên tục, tập trung, không thể tập trung toàn bộ người lao động để tuyên truyền vì công nhân làm việc theo chuyền, ca kíp, nghỉ một buổi là chậm tiến độ, nên các báo cáo viên tuyên truyền pháp luật bằng cách phát tờ rơi, lựa chọn in những điều luật hết sức thiết thực, kiểm tra bằng trắc nghiệm nhanh. Khi công nhân vào chuyền may, họ được thông báo về điều luật trên hệ thống truyền thanh của các xưởng sản xuất, phổ biến, sau đó anh em phát trắc nghiệm, cuối giờ đến thu tại bàn không làm ảnh hưởng đến sản xuất của người lao động.