Lịch thi do Hiệu trưởng nhà trường quy định – đó là một trong những điểm mới được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH và CĐ hình thức vừa làm vừa học ban hành năm 2008 (theo Quy chế hiện hành, lịch thi từng môn do Bộ GD&ĐT quyết định)
|
Cũng liên quan đến tuyển sinh, dự thảo quy định, Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh hình thức vừa làm vừa học: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, xây dựng kế hoạch, tổ chức ra đề các môn văn hóa, các môn năng khiếu, nghệ thuật, in sao, bảo quản, sử dụng đề thi; tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển.
Trước ngày thi 45 ngày, các trường báo cáo Bộ GD&ĐT kế hoạch triển khai các kỳ thi tuyển sinh; chỉ tiêu và ngành nghề dự kiến tuyển sinh; số môn thi và tên các môn thi; ngày thi, địa điểm thi và địa điểm đặt lớp; đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đầy đủ thông tin về các đợt thi tuyển sinh. Mọi sự thay đổi về kế hoạch tuyển sinh, môn thi tuyển sinh, chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo, ngày thi, địa điểm phải báo cáo Bộ GD&ĐT chậm nhất 30 ngày trước ngày tổ chức tuyển sinh và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin.
Các trường không có điều kiện tự ra đề thi, không được mời người tham gia biên soạn, phản biện đề thi với tư cách cá nhân mà phải ký hợp đồng làm đề thi với trường khác. Hợp đồng phải ghi rõ quyền và trách nhiệm của mỗi bên.
Nếu trường đề nghị các môn thi tuyển sinh của trường khác với các môn đã được quy định trong mỗi khối thi của quy chế này thì phải báo cáo Bộ GD&ĐT theo quy định. Thời gian làm bài đối với mỗi môn thi tự luận là 180 phút và đối với mỗi môn thi trắc nghiệm là 90 phút; thời gian làm bài thi các môn năng khiếu, nghệ thuật do hiệu trưởng các trường quy định và thông báo công khai trước đợt thi 90 ngày. Thí sinh phải thi đủ số môn quy định. Thí sinh không dự thi đủ số môn quy định, không được xét tuyển.
Bên cạnh vấn đề tuyển sinh, nhiều sửa đổi, bổ sung khác tại dự thảo chú trọng tới các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Theo đó, các trường mở lớp tại điạ phương phải có ít nhất 2 năm đào tạo chính quy tại trường; có văn bản giao nhiệm vụ đặt lớp tại địa phương của Bộ Giáo GD&ĐT đối với ngành tuyển sinh lần đầu. Hồ sơ mở lớp tại địa phương của trường chủ trì đào tạo cần có bản kê khai chi tiết danh sách dự kiến giảng viên, cán bộ tham gia quản lý và giảng dạy; bảng kê cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị phục vụ việc thực hiện chương trình của ngành nghề đào tạo; biên bản thoả thuận về trách nhiệm giữa trường tổ chức đào tạo và cơ sở đặt lớp. Bộ cũng yêu cầu phải có công văn của UBND cấp tỉnh hoặc Bộ ngành chủ quản xác nhận về nhu cầu đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất và môi trường sư phạm của cơ sở đặt lớp...
Theo GDTĐ