Đi du lịch… bị “khuyến mại” thương tật!
Tối 6/3/2018, chị N. T. C. V (20 tuổi, trú TP Biên Hòa, Đồng Nai) cùng nhóm du khách đến ăn uống tại quán của một người tên là Thủy tại Chợ đêm Đà Lạt. Chủ quán đã đưa thức ăn không đúng với khách gọi và còn nấu chưa chín. Du khách phàn nàn, ngay lập tức bị chủ quán chửi bới.
Trước khi dời quán, chị V đưa điện thoại lên chụp ảnh quán cơm thì bị chủ quán phát hiện, la lên: “Nó chụp hình đăng facebook, chặn nó lại!”. Một nhóm 3 người phụ nữ của quán cơm lao vào đánh chị V và chị A. Chị V dùng gậy chụp ảnh đánh lại, còn chị A. bị té đập đầu xuống đường, nằm bất tỉnh tại chỗ.
Một nhóm du khách người nước ngoài đã đến sơ cứu nhưng nạn nhân không có dấu hiệu hồi phục, do đó người dân đã gọi xe 115 chuyển chị S. P. A đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu. Chị V cũng bị trầy xước, chảy máu vùng mặt. Công an phường 1 (TP Đà Lạt) triệu tập các đối tượng có liên quan đến vụ đánh đập du khách để lấy lời khai nhằm làm rõ vụ việc.
Ngày 23/6/2017, anh Maxwell David Gulian (27 tuổi, quốc tịch Mỹ) điều khiển xe máy chở bạn gái trên đường Trần Khát Chân, Hà Nội thì bị xe ôtô Toyota 4 chỗ do Nguyễn Duy Khánh điều khiển đi cùng chiều vượt lên từ phía bên trái chèn qua bàn chân trái và kẹt dép dưới gầm bánh xe. Anh Maxwell đã ra hiệu nhưng tài xế không di chuyển, nên tiếp tục dùng tay gõ vào gương chiếu hậu để ra hiệu cho tài xế. Tuy nhiên, Khánh vẫn không di chuyển xe mà mở cửa bước xuống đấm vào mặt anh Maxwell, khiến nạn nhân chảy máu mũi, cả người và xe máy ngã vào cửa xe ô tô của Khánh.
Khánh tiếp tục lao vào hành hung anh Maxwell, mặc cho người đi đường và bạn gái nạn nhân can ngăn. Cùng thời điểm, Doãn Văn Cường (bạn Khánh) đi qua đường Trần Khát Chân gặp vụ việc, cũng đã dừng xe xuống tham gia hành hung anh Maxwell.
Ngày 27/6/2015, chị Nguyễn Thị Mỹ Hòa (23 tuổi) và gia đình gồm 12 người từ Đồng Nai đi thị xã La Gi (Bình Thuận) du lịch cuối tuần. Chị Hòa và hai phụ nữ khác trong đoàn cùng đi mua hải sản tại khu vực ven biển xã Tân Tiến. Khi đang mua hàng, những khách hàng này cho rằng hải sản bị cân thiếu nên phản ảnh với chủ bán hàng. “Khi nghe chúng tôi phản ảnh việc hải sản bị cân thiếu thì nhiều người lao vào đánh tôi. Tôi rất hoảng loạn”- chị Mỹ Hòa nói.
Chị Hòa bị thương chảy máu ở vùng mặt và mang tai, được những người xung quanh giúp đỡ chữa trị vết thương. Lực lượng chức năng địa phương sau đó đã đến hiện trường ổn định tình hình và làm rõ sự việc.
Những vụ hành hung xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây với du khách trong và ngoài nước khiến hình ảnh du lịch Việt Nam trở nên xấu xí, bạo lực và kém thân thiện. Những vụ việc đơn thuần chỉ là va chạm rất nhỏ, có thể xử lý được bằng hòa giải nhưng đều bị biến thành các vụ ẩu đả.
Cần ban hành một bộ quy tắc ứng xử?
Tổng kết năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam tự hào với con số tăng trưởng kỷ lục, dự kiến đón 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 28% so với năm ngoái. Tuy nhiên, đáng buồn là chưa đến 20% khách du lịch quay trở lại Việt Nam. Việc “chặt chém”, hành hung du khách là một trong những nguyên nhân cho việc hơn 80% du khách nước ngoài không quay lại Việt Nam.
“Chỉ cần vài vụ việc xấu về du lịch đã khiến hình ảnh giảm sút nghiêm trọng, bởi thông tin trên mạng xã hội giờ lan rộng rất nhanh. Vì vậy, các địa phương cần quan tâm nhiều hơn đến an toàn cho du khách. Chính sách phải được thiết kế xứng tầm để du lịch bứt phá”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh.
Các chuyên gia du lịch đề xuất Thủ tướng ban hành một bộ quy tắc ứng xử cho cộng đồng - doanh nghiệp và khách du lịch; tăng cường hiệu quả giám sát, kiểm tra xử lý đối với các cơ sở kinh doanh, người làm du lịch sai phạm, làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia du lịch; Biên soạn sách, tài liệu hướng dẫn những thông tin cần thiết gồm cảnh báo an ninh, hỗ trợ khẩn cấp cho du khách trong và ngoài nước. Khi những người làm du lịch cải thiện được những kỹ năng mềm, thái độ phục vụ với du khách thì chất lượng sản phẩm du lịch cũng như hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ được nâng lên trong mắt du khách.