Xưa - nay, những trang viết về người thầy không ít. Nhưng không hiểu sao, luôn in đậm trong tâm khảm tôi là hình ảnh người thầy được các tác giả dân gian thể hiện. Ở đó, chân dung về những người thầy dù là ở khía cạnh khẳng định, ngợi ca hay ở khía cạnh châm biếm, sao vẫn có nhiều nét đáng yêu, đáng suy ngẫm đến vậy. Trong tất cả các thể loại văn học dân gian Việt Nam từ tục ngữ, ca dao, dân ca đến các thể loại truyện hay sân khấu dân gian đều thấy xuất hiện bóng dáng của người thầy và sự học, thể hiện sự yêu chuộng quý mến việc học và tấm lòng tôn sư trọng đạo đã trở thành truyền thống của dân tộc.
|
Ảnh minh họa. |
Suốt mấy nghìn năm trong xã hội phong kiến xưa, nhân dân ta luôn coi trọng và đề cao vai trò của người thầy. Người thầy chỉ đứng sau vị trí của vua: Quân - Sư - Phụ và kèm theo đó là "Tam Đạo" chi phối các mối quan hệ trong xã hội: Đạo vua tôi, đạo thầy trò, đạo cha con. Có thể nói đạo thầy trò đã được nâng lên được coi ngang tầm quốc gia. Bên cạnh việc lập đền thờ các vị anh hùng dân tộc, nhân dân ta còn lập đền thờ những người thầy như đền thờ Chu Văn An, đền thờ Trạng Trình, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Còn trong truyện cổ tích, chúng ta thấy hệ thống những câu chuyện ca ngợi tình thầy trò, và công đức của người thầy như truyện Sự tích Đầm Mực. Trong tục ngữ ca dao, dân gian đã khẳng định như là chân lý, như là bài học rút ra từ bao đời về vị thế, vai trò, ý nghĩa của người thầy như: Không thầy đố mày làm nên; Trọng thầy mới được làm thầy; Hay "Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy". Ẩn chứa trong những câu ca dao, tục ngữ trên là nhận thức về vai trò không thể thiếu của người thầy và sự học đối với tương lai, khát vọng của mỗi con người, mỗi dân tộc. Nhận thức này có một ý nghĩa đặc biệt, bởi nó được chia cắt ra từ những thực tế của một dân tộc có nền nông nghiệp lạc hậu và ngày xưa phần đông là mù chữ. Và nhận thức ấy đã trở thành đạo đức khi tôn sư trọng đạo đi vào đời sống nhân dân./.
Nguyễn Văn Thanh