Thể chế trong Kỷ nguyên mới

Hình thành thiết chế luật sư công tại Việt Nam từ góc nhìn thực tiễn hành nghề

(PLVN) - Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là quyền tiếp cận công lý của người dân, đặc biệt là những nhóm yếu thế còn những hạn chế. Từ góc nhìn thực tiễn hành nghề luật sư, việc hình thành thiết chế luật sư công trong hoạt động trợ giúp pháp lý là một giải pháp cần thiết để bảo đảm quyền lợi pháp lý cho mọi tầng lớp Nhân dân.
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Những lần trăn trở với nghề

Hơn 20 năm gắn bó với nghề luật, phải đối mặt với nhiều thăng trầm, tôi đặc biệt trăn trở với những hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL). Điển hình như: tư vấn, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em ở huyện ngoại thành Hà Nội thoát khỏi bạo lực gia đình khi thực hiện công tác TGPL theo chương trình TGPL của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội.

Hay những vụ việc đòi lại đất đai của những người dân nghèo trong những buổi tư vấn tiếp dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương - Thanh tra Chính phủ. Nhiều người dân ở những miền quê nghèo của đất nước, vì thiếu hiểu biết pháp luật, bị chèn ép, dẫn đến mất đất, mất nhà, sau nhiều năm lăn lộn, đệ trình đơn kiện lên khắp các cơ quan chức năng nhưng không được xem xét, hỗ trợ, phải ra Hà Nội ăn chực nằm chờ để gửi những lá đơn kêu cứu, nhờ luật sư (LS) tư vấn, hỗ trợ trong hành trình đi tìm công lý...

Hay câu chuyện của người phụ nữ đáng thương phải chịu nhiều đau khổ khi bị chồng bạo hành nhiều năm liền cùng những đứa con luôn bị người cha say rượu hành hạ, đánh đập và hành trình đi tìm công lý cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chính quyền, ban ngành, đoàn thể giúp người phụ nữ thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục, thoát khỏi sự hành hạ về cả thể xác lẫn tinh thần từ người chồng vũ phu và giành quyền nuôi con đã để lại trong tôi những day dứt khó quên.

Do đó, tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh và tập trung khai thác góc nhìn LS công trong hoạt động TGPL tại Việt Nam.

Hình thành thiết chế luật sư công trong trợ giúp pháp lý tại Việt Nam

LS công được hiểu là những LS hoạt động trong một cơ chế do Nhà nước thiết lập, với nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí hoặc chi phí thấp cho các đối tượng yếu thế, góp phần bảo đảm quyền tiếp cận pháp luật của người dân. Mô hình này phổ biến tại nhiều quốc gia như Mỹ (Public Defenders) hoặc một số nước châu Âu và thực tế chứng minh mô hình này thực sự đem lại hiệu quả trong hoạt động TGPL.

Tại Việt Nam đã phát triển hệ thống TGPL nhà nước thông qua các trung tâm TGPL Nhà nước (là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương). Tính đến hết năm 2023, hệ thống có 63 Trung tâm TGPL Nhà nước với 1.228 người làm việc (trong đó có 676 trợ giúp viên pháp lý, 420 chuyên viên pháp lý, 61 kế toán và 71 người làm việc khác); 97 Chi nhánh của Trung tâm TGPL Nhà nước đặt ở cấp huyện, liên huyện. Bên cạnh đó, còn có 643 LS và 32 cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm TGPL Nhà nước; 174 tổ chức đăng ký tham gia TGPL và 26 tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp.

Thực tế công tác TGPL vẫn còn tồn tại một số hạn chế khi vẫn còn đó một số đối tượng có nhu cầu TGPL, không có đủ điều kiện sử dụng dịch vụ pháp lý có thu phí nhưng lại không thuộc các đối tượng thuộc diện được TGPL như hộ cận nghèo, người khuyết tật..., chất lượng TGPL chưa đồng đều. Số lượng vụ việc TGPL do cơ quan quản lý TGPL đánh giá chưa được nhiều, công tác thẩm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL còn chưa được quan tâm đúng mức... Ngoài ra, đối với nhiều người dân, đặc biệt là người lao động, người sống tại vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận dịch vụ pháp lý chất lượng vẫn gặp khó khăn do chi phí cao hoặc thiếu thông tin.

Do đó, mục tiêu phát triển TGPL là một vấn đề được chú trọng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với số lượng đội ngũ LS hiện tại của Việt Nam và thực tiễn công tác TGPL nêu trên, tôi tin chắc rằng việc hình thành thiết chế LS công sẽ đem lại những hiệu quả tích cực.

Lợi ích của việc hình thành thiết chế luật sư công

Thứ nhất: bảo đảm công bằng xã hội. Thiết chế LS công sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế, giúp mọi công dân có thể được tiếp cận pháp luật một cách bình đẳng.

Thứ hai: giảm “áp lực” cho hệ thống TGPL Nhà nước. Một số Trung tâm TGPL Nhà nước ở một số địa phương hiện nay bị quá tải. Đội ngũ thực hiện TGPL còn ít so với nhu cầu được TGPL của người dân. Các LS thuộc các Đoàn LS là một nguồn lực sẵn có và có chuyên môn có thể hoàn thành tốt công tác TGPL.

Thứ ba: nâng cao hình ảnh và trách nhiệm xã hội của nghề LS. Mô hình LS công mở ra cơ hội để các LS nói riêng và nghề LS nói chung thực hiện sứ mệnh công lý, vai trò xã hội nhằm góp phần xây dựng niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật.

Kiến nghị từ góc nhìn thực tiễn hành nghề

Để xây dựng và thiết lập một thiết chế LS công cần chú trọng tới vấn đề ban hành quy định cụ thể để luật hóa vai trò của LS công trong hệ thống pháp luật Việt Nam; đồng thời mở rộng phạm vi hỗ trợ bao gồm các vụ án dân sự, lao động, hôn nhân gia đình và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nhỏ.

Bên cạnh đó, có thể tổ chức thí điểm triển khai tại một số địa phương có nguồn lực và nhu cầu cao, có sự giám sát, quản lý chặt chẽ từ các cơ quan, ban, ngành để bảo đảm chất lượng dịch vụ.

Tập trung trong việc đào tạo và phát triển nhân lực, đặc biệt xây dựng các chương trình đào tạo chuyên biệt hướng tới một số kỹ năng đặc thù như tư vấn pháp luật cho cộng đồng, tư vấn và tham gia giải quyết các tranh chấp phức tạp; đồng thời khuyến khích và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động TGPL tại các tổ chức hành nghề LS.

Tôi cho rằng, việc hình thành thiết chế LS công không chỉ là một bước tiến lớn trong việc bảo đảm công bằng pháp lý mà còn là sự đầu tư cần thiết để xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, để mô hình này vận hành hiệu quả, cần có sự đầu tư nghiêm túc về cơ chế, nguồn lực và sự hợp tác giữa Nhà nước với các tổ chức hành nghề LS. Từ góc nhìn thực tiễn, đây không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là cơ hội để nghề LS đóng góp tích cực hơn vào việc xây dựng một nền tư pháp công bằng và minh bạch.

Đọc thêm