Hình tượng Phật Thích Ca trong ngôi chùa của đồng bào Khmer Nam Bộ

Đất nước Việt Nam chúng ta trải dài từ đỉnh Đồng Văn cho đến tận cùng đất mũi Cà Mau gồm 54 thành phần dân tộc, tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau. Điều này đã tạo nên một quốc gia có một nền văn hóa đa dạng, phong phú và giàu bản sắc.
Đất nước Việt Nam chúng ta trải dài từ đỉnh Đồng Văn cho đến tận cùng đất mũi Cà Mau gồm 54 thành phần dân tộc, tiếp thu nhiều nền văn hóa khác nhau. Điều này đã tạo nên một quốc gia có một nền văn hóa đa dạng, phong phú và giàu bản sắc. Do đó có thể coi Việt Nam là mái nhà chung nơi các dân tộc cùng chung sống trong tình anh em đoàn kết, gắn bó dù nguồn gốc sắc tộc có thể khác nhau. Một trong những dân tộc đã góp phần tô điểm thêm màu sắc và dáng vẻ cho bức tranh về con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đó chính là dân tộc Khmer.
 

Đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng Nam Bộ, đông nhất ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cần Thơ… Cũng giống như các cư dân Đông Nam Á khác, người Khmer trồng lúa nước là chủ yếu. Về đời sống tâm linh, họ theo Phật giáo Tiểu thừa và đây là tôn giáo phổ biến của người dân. Chính vì thế, ngôi chùa có vị trí vô cùng quan trọng đối với cộng đồng cư dân Khmer. Chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa, xã hội, trung tâm tôn giáo của cộng đồng mà còn là nơi bảo lưu chữ viết cũng như tiếng nói dân tộc.

Nếu như trong các ngôi chùa theo Phật giáo Đại Thừa có thờ nhiều Phật và các vị Bồ Tát khác nhau, thì những ngôi chùa Phật giáo Tiểu thừa của người Khmer chỉ thờ duy nhất tượng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cách thể hiện hình ảnh Đức Phật của đồng bào Khmer mang những nét đặc trưng riêng. Điều này được thể hiện thông qua hệ thống tượng thờ trong ngôi chùa của đồng bào.

Theo lịch sử Phật giáo, trong các thời kỳ phát triển đầu tiên, Phật giáo không có ảnh tượng nào để tượng trưng cho Đức Phật. Sau khi Đức Phật tịch diệt, người sau chỉ gợi nhớ đến Đức Phật bằng cách tôn kính xá lợi. Nhiều thế kỷ sau đó, khi giáo lý của Đức Phật được truyền bá rộng rãi, hình ảnh của Đức Phật mới được tượng trưng bằng nhiều biểu tượng khác nhau. Ban đầu, các biểu tượng này đều xuất phát từ nghệ thuật Ấn Độ. Sau này, khi Phật giáo du nhập vào các quốc gia trên thế giới, tượng Đức Phật lại có sự biến đổi để thích ứng với nền văn hóa địa phương.
 
Vào trong ngôi chùa của người Khơ me Nam Bộ, chúng ta thấy tượng Phật được các nghệ nhân Khmer dùng mảng khối và những đường nét ước lệ trần tục để thể hiện cái thần, cái siêu thoát của hình tượng. Họ thể hiện Đức Phật thông qua nhiều kiểu dáng, tư thế khác nhau như: tượng Phật ngồi, đứng, hoặc nằm. Mỗi tư thế, mỗi dáng vẻ là biểu hiện cho một giai đoạn trong cuộc đời của Đức Phật từ khi chưa xuất gia, đến khi tu hành và cuối cùng là vào cõi niết bàn. Luôn hướng tới sự đơn giản, các nghệ nhân Khmer đã tạo cho các bức tượng có một dáng vẻ khỏe khoắn mà không nặng nề, hình thái và nét mặt được khắc họa biểu cảm những đặc trưng tinh thần của dân tộc Khmer. Trong gian chính điện - trung tâm thờ cúng Phật - của chùa Khmer, ở vị trí chính yếu là bệ thờ, trên đó đặt nhiều bức tượng Phật. Cao nhất và chính giữa là tượng Phật đắc đạo. Đây là bức tượng có kích cỡ lớn nhất trên ban điện thờ. Bệ tượng là một tòa sen rộng lớn, chia thành nhiều tầng, mỗi tầng sen biểu hiện cho sự cao quý của Phật giáo, tượng trưng cho sự trong sạch và tinh khiết của Đức Phật đồng thời cũng là biểu thị cho những nấc thang của sự tịnh tiến trong đạo Phật. Bệ được trang trí rất tỉ mỉ, công phu với những mô típ hoa văn đắp nổi hình hoa sen, lá bồ đề, hình bông lúa cùng nhiều màu sắc rực rỡ. Trên tòa sen, Đức Phật ngồi xếp bằng, chân phải đặt lên chân trái, tay trái để ngửa trước bụng, tay phải đặt úp trên đùi, bàn tay úp chỉ các ngón xuống đất. Phần thân tượng có ức nở, lưng thẳng, bụng thon, hai cánh tay tròn trịa. Áo cà sa màu vàng phủ kín vai trái, vai phải để trần nhằm biểu hiện kinh pháp. Mặt tượng Phật thanh tú và hiền hậu, miệng nhỏ và thanh, mũi cao, trán rộng, chân mày cong, hai mắt mở ba phần tư như nhìn xuống chúng sinh Phật tử, hai tai Phật to và có thùy châu dài gần chấm vai, trên đầu có tóc xoắn ốc màu đen, giữa đỉnh đầu có một nhục kế nổi cao tượng trưng cho trí tuệ siêu phàm, quyền lực và sự vĩnh hằng cao cả. Tư thế này thể hiện Đức Phật đang khẳng định thuyết pháp của mình. Đây chính là mô típ được rút ra từ Phật tích truyền lại rằng: sau 49 ngày ngồi tham thiền, khi Đức Phật vừa mới đắc đạo thì Ma Vương đem binh tới chống phá, đòi Phật phải minh chứng. Đức Phật chỉ tay xuống, lấy đất làm chứng cho mình. Thần đất chấp thuận, hiện hình lên, buông tóc tuôn thành dòng nước cuốn trôi lực lượng tà ma. Có kích thước nhỏ hơn là tượng Phật thiền định. Đức Phật ngồi trong tư thế xếp bằng trên tòa sen, chân phải đặt lên chân trái, hai tay đặt trong lòng, bàn tay ngửa lên, tay phải để trên tay trái. Đây chính là tư thế của Đức Phật đã ngồi dưới gốc cây bồ đề trong 49 ngày liên tục để đi đến giác ngộ, tìm ra chân lý giải thoát cho mỗi kiếp người trên trần gian. Vẫn là khuôn mặt hài hòa với những nét thanh tú cùng một nhục kế nổi cao, nhưng đôi mắt của Đức Phật khép hờ, đăm chiêu nhìn xuống biểu thị quan sát nội tâm. Trong tư thế cứu độ chúng sinh, tượng thể hiện Đức Phật đứng thẳng, mặc áo cà sa buông thõng, phủ kín lưng như một tấm áo choàng. Tay phải của Phật buông xuôi bên hông, tay trái đưa về phía trước ngực, lòng bàn tay hướng ra, các ngón tròn, dài thẳng lên trên. Trong lòng bàn tay thường có một đường xoắn ốc thể hiện 1 trong 32 quí tướng của Phật. Thể hiện cuộc đời tu hành của Đức Phật là bức tượng Phật trong tư thế khất thực để nhận thức ăn và những đồ dâng biếu khác từ các tín đồ Phật giáo. Hai tay Phật “ôm âu khất thực”, nâng lên trước bụng. Áo cà sa màu vàng được choàng kín 2 vai, trên thân áo có nhiều nếp gấp mềm mại. Đôi mắt Đức Phật khép hờ, nhìn xuống đất. Ánh mắt tạo một cảm giác gần gũi bao dung mỗi khi tiến đến gần tượng. Bên cạnh những bức tượng thể hiện cuộc đời tu hành của Phật Thích ca, trong chính điện còn có tượng Đức Phật khi còn làm Thái tử (tức là trước khi bước vào con đường tu hành). Với bức tượng này, khuôn mặt Thái tử thanh tú, hai tai có thùy châu dài gần chấm vai thể hiện tướng quý nhưng được căng rộng hơn so với những tượng Phật tu hành, đôi mắt cương nghị nhìn thẳng phía trước, đầu đội mũ, mình mặc áo hoàng bào màu vàng. Thái tử đứng trong tư thế hai tay giơ ra trước ngực, lòng bàn tay hướng ra phía trước có ý nghĩa ngăn cản điều ác, chống chọi những hiềm khích thế gian và còn thể hiện sự không bằng lòng với những thảm trạng già, đau, bệnh, chết trong cuộc sống. Đây chính là động lực để thúc đẩy Thái tử xuất gia tìm đạo, tìm con đường giải thoát cho mỗi kiếp sống trên trần gian.   Không gian bên ngoài ngôi chính điện còn có bức tượng Phật Thích ca nhập niết bàn. Đức Phật trong tư thế nằm nghiêng, hai mắt nhắm nghiền, mặt Phật quay về hướng Đông, đầu quay về hướng Nam, đầu Phật nằm gối trên tay phải, cánh tay trái để xuôi theo chân trái, chân này ngay trên chân kia, mặc áo cà sa để hở vai phải, nẹp áo chạy dài xuống chân. Tư thế này tái hiện lại hình ảnh Đức Phật viên tịch trong khu rừng cây sinh đôi theo như Phật tích truyền lại, thể hiện một tư tưởng liên kết chặt chẽ nhau nhằm cho tâm linh sáng suốt. Tượng Phật được coi là linh hồn của chùa. Các bức tượng Phật trong chùa của người Khmer thể hiện tính chất tôn giáo được làm nên bởi những người dân lao động để phục vụ cho mục đích và lý tưởng của tôn giáo. Hệ thống tượng Phật đã góp phần làm nên vẻ lộng lẫy và uy nghi cho những ngôi chùa trong khu vực sinh sống của đồng bào. Hiện nay, không gian 6 vùng văn hóa thuộc khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã hoàn thiện và đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan. Công chúng đến với Bảo tàng có thể tìm hiểu sâu hơn về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật trang trí, điêu khắc của đồng bào Khmer tại vùng văn hóa đồng bằng Nam bộ qua một số tượng Phật tiêu biểu được trưng bày trong ngôi chùa tại Bảo tàng.
Trịnh Minh Tú

Đọc thêm