Hình tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trên sân khấu chèo

Sáng tác về Nguyễn Bỉnh Khiêm được xếp vào hàng đề tài các danh nhân, nhân vật lịch sử vốn rất khó đối với văn nghệ sĩ.

Sáng tác về Nguyễn Bỉnh Khiêm được xếp vào hàng đề tài các danh nhân, nhân vật lịch sử vốn rất khó đối với văn nghệ sĩ. Có lẽ vậy mà từ  năm 1995 đến nay, sân khấu chèo mới có 2 tác giả thành công với đề tài này là nhà viết chèo Trần Đình Ngôn và Trần Tuấn Tiến. Cả hai đều là “ sự may mắn” của sân khấu chèo Hải Phòng khi tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân.

 

Các nghệ sĩ Đoàn chèo Hải Phòng Ảnh: Vũ Dũng

Các nghệ sĩ Đoàn chèo Hải Phòng

Ảnh: Vũ Dũng

Tác giả Trần Đình Ngôn quê gốc ở Hải Dương, nhưng có nhiều năm “ lập nghiệp chèo” ở  Đoàn Chèo Hải Phòng (từng là Phó trưởng đoàn), sau đó “phát nghiệp” ở Hà Nội với tấm bằng tiến sĩ nghệ thuật học. Bút lực của Trần Đình Ngôn, khả năng đưa chất văn học thấm đẫm trong từng lời thoại, từng câu hát về chèo nói chung và về nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa địa phương nói riêng của ông  được giới sân khấu tôn vinh “ bậc đàn anh”. Điều đó lý giải vì sao ông đã viết rất hay những kịch bản về  nhân vật lịch sử của Hải Phòng như “Người tạo dựng ngai vàng” ca ngợi ông tổ nghề tạc tượng ở Bảo Hà (Vĩnh Bảo). Riêng về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Đình Ngôn được Đoàn Chèo Hải Phòng dàn dựng các kịch bản “Tiếng Trạng lai kinh” và “ Lời sấm truyền từ quán Trung Tân”. Xem thế, ông không chỉ viết bằng cả tình yêu mà còn bằng kiến thức, sự hiểu biết của một nhà nghiên cứu nghệ thuật chèo có nghề. Ở “Lời sấm truyền từ quán Trung Tân”, Trần Đình Ngôn xây dựng hình tượng cuộc đời của Trạng Trình  trước khi về  ở ẩn với những biến cố triều chính mà điểm nhấn là lớp diễn dâng sớ chém đầu 18 kẻ lộng thần mà không được nhà vua chấp nhận. Vở diễn ghi dấu tài năng của kíp sáng tạo, với lớp vua chèo đặc sắc rất sáng tạo của Trần Đình Ngôn. Từ năm 2007 trở về trước, Đoàn Chèo Hải Phòng rất thành công với  vở diễn này và năm nào cũng diễn trích đoạn trong vở “Lời sấm truyền từ quán Trung Tân” tại lễ hội tưởng nhớ cụ Trạng.

 

Từ năm 2005, tác giả Trần Tuấn Tiến, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Hải Phòng, khai thác tiếp hình tượng danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm  bằng kịch bản 4 hồi “Tuyết Giang phu tử” nói về cuộc đời Trạng Trình từ khi về ở ẩn với những trăn trở  của đạo làm kẻ sĩ trung với vua, hiếu với dân. Mỗi hồi là một vở chèo ngắn có chủ đề rõ ràng, rất thuận lợi cho Đoàn  Chèo  Hải Phòng  khi dàn dựng và công diễn tại di tích đền Trạng Trình trong lễ hội. Năm 2007, đó là  Quán Trung Tân, năm 2008    Bạch Vân Am  năm 2009 là  Song Mai tự . Riêng hồi 4, tức vở thứ tư là  Nợ vương quân dự định diễn tại lễ hội năm nay.. Điều đáng chú ý ở “Tuyết Giang phu tử” còn là sự xuất hiện liên tục của nhân vật bà Minh Nguyệt- phu nhân Trạng Trình. Tác giả xây dựng hình tượng này trên cơ sở các tư liệu lịch sử, đề cao tấm gương người phụ nữ có trách nhiệm ở vị trí làm vợ  Trạng Trình. Nhưng người xem hiểu thêm mối nhân duyên “ mến đức, yêu tài” giữa Trạng Trình và bà Minh Nguyệt, đồng thời rõ hơn xuất xứ ngôi chùa Song Mai trong quần thể di tích Đền Trạng Trình. Nhận xét về “ Tuyết Giang phu tử”, Tiến sĩ nghệ thuật học Trần Đình Ngôn không dè dặt khi viết: “Đây là cố gắng lớn của Trần Tuấn Tiến ở một đề tài lớn. Anh đã dày công tham bác lịch sử, tài liệu, tìm tòi, phát hiện những vấn đề của người xưa, thời xưa mà chứa đựng những bài học lịch sử với người nay, thời nay. Hình tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm được anh tái tạo với tất cả tấm tôn kính, tri âm, với tất cả tâm lực và khả năng của mình”.

 

Với việc dàn dựng, công diễn “Lời sấm truyền từ quán Trung Tân” và “Tuyết Giang Phu Tử” từ kịch bản của Trần Đình Ngôn và Trần Tuấn Tiến, sân khấu Chèo Hải Phòng có được hình tượng đẹp đẽ, cao cả về danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, góp phần giáo dục truyền thống về đất và người Hải Phòng, đồng thời khẳng định  thành công về mặt nghệ thuật cũng như tài năng của hai thế hệ nghệ sĩ, diễn viên đoàn Chèo  trong việc tiếp cận đề tài lịch sử trên sân khấu hôm nay.

 

Anh Thơ

Đọc thêm