Cô bé Mehran Rafaat 6 tuổi có vẻ ngoài chẳng khác gì những cô bạn cùng trang lứa. Giống như 3 người chị gái, Mehran Rafaat rất muốn được khám phá những điều mới lạ của thế giới bên ngoài ngôi nhà của gia đình tại khu trung lưu ở thủ đô Kabul, Afghanistan.
Nhưng khi mẹ của bọn trẻ, Azita Rafaat, một thành viên của Quốc hội, mặc đồ cho bọn trẻ đến trường vào buổi sáng, thì Mehran Rafaat ngay lập tức biến thành một “cậu bé” nhờ bộ trang phục đậm đặc chất con trai.
Trẻ em Afghanistan trong một lớp học. (Ảnh: Rawa)
Biết trước giới tính ???
Không có con trai, các bậc cha mẹ quyết định biến một đứa con gái trong nhà thành con trai, bằng cách cắt tóc và cho mặc đồ con trai. Hiện chưa có bất cứ con số thống kê nào cho thấy, có bao nhiêu bé gái Afghanistan được “cải trang” thành con trai.
Nhưng khi được hỏi, một vài thế hệ người Afghanistan có thể kể vanh vách không cần nghĩ về câu chuyện của một cô bé nào đó được nuôi lớn như một cậu con trai. Người dân nơi đây gọi những người được nuôi lớn kiểu đó là “bacha posh” (nghĩa là người chẳng ra nam chẳng ra nữ).
Tại mảnh đất nơi con trai thường được coi trọng hơn và văn hóa bộ lạc ngấm sâu trong nhiều tầng lớp người, tài sản của cha mẹ thường để lại cho con trai họ. Nhà nào không có con trai cũng chỉ nhận được sự coi thường từ họ hàng và những người xung quanh.
Vì vậy, các gia đình tại Afghanistan thường có rất nhiều lý do để hô “biến” con họ thành gái giả trai như nhu cầu kinh tế, sức ép xã hội và trong một số trường hợp còn mê tín (nếu làm vậy sẽ sớm sinh được một bé trai thật sự).
Thậm chí, việc giả trai cho con cũng làm tăng vị thế của gia đình, ít nhất là trong một vài năm. Các “cậu bé” này thường được ưu ái khi đi học và đi làm, thậm chí là còn cảm thấy sung sướng hơn cả các chị gái vì được tự do cũng như không phải chịu những quy định hà khắc mà xã hội chuyên áp cho phụ nữ.
Trong khi đó, lại chẳng có bất cứ quy định nào của luật pháp hay tín ngưỡng cấm đoán việc làm này. Trong hầu hết các vụ việc, bé gái chỉ thực sự được là chính mình khi đến tuổi dậy thì và bố mẹ chúng thường là người đưa ra quyết định về vấn đề đó.
Tại Afghanistan, một lời đồn thổi được đưa ra giữa những người ít học, đó là: Người mẹ có thể xác định được giới tính của con mình từ lúc chưa sinh ra, nên rõ ràng người mẹ đó có lỗi khi sinh con gái. Một số bác sỹ và nhân viên chăm sóc sức khỏe tại Afghanistan cũng cho hay, họ đã từng chứng kiến sự thất vọng của những phụ nữ sinh con gái và sức ép sinh con trai tại quốc gia này.
Một chuyên gia chuyên nghiên cứu về lịch sử của Afghanistan cho hay, “thực sự có nhiều điều tại đây nghe có vẻ rất khó tưởng tượng, nếu bạn là người phương Tây”.
Một trong những lý do cải trang con gái thành con trai mà nhiều gia đình tại vùng đất này đưa ra chính là lý do về kinh tế. Cô bé Miina thường đi đến trường hai giờ vào mỗi buổi sáng trong trang phục của bé gái. 9 giờ sáng cô trở về nhà tại vùng quê nghèo khó, thay đồ con trai để đi làm thêm tại một cửa hàng tạp hóa nhỏ, kiếm tiền thêm phụ giúp gia đình.
Điều đáng nói là chính bản thân Miina không thích cách cải trang kiểu này vì nó khiến cô không cảm thấy thoải mái. Mẹ của Miina cho biết, điều này sẽ chỉ diễn ra trong vài năm mà thôi và sẽ đến đứa nhỏ hơn thay thế công việc của chị nó.
Tuy nhiên, có vấn đề xảy ra là một số trẻ sau khi cải trang rồi thì không muốn quay trở lại làm con gái nữa. “Chẳng có gì trong ký ức của tôi nhắc tôi rằng mình là con gái. Với lại, làm con trai thấy thoải mái và tự do hơn”, Zahra – một cô bé cũng được cha mẹ cải trang từ nhỏ - cho hay.
Và mặc bố mẹ có khuyên can thế nào, Zahra vẫn nhất định không quay trở lại đúng giới tính của mình. Chính thói quen làm con trai, được tự do và không phải chịu bất cứ ràng buộc nào của xã hội khiến cho nhiều “cậu bé” không chấp nhận mình là con gái.
“Tôi thấy người ta la hét vào đám con gái, còn tôi là con trai nên chẳng bao giờ bị như vậy cả. Tôi đấu tranh để được làm con trai. Nếu họ mắng tôi, tôi có thể mắng lại, đánh tôi, tôi sẽ đánh lại gấp đôi”.
Đến lúc này, nhiều ông bố bà mẹ mới tá hỏa và cầu mong con gái của mình được trở lại nhưng vô vọng. “Tôi không nghĩ là cuối cùng sự việc này thành ra thế này. Tôi không thích có con trai nữa. Tôi chỉ muốn con gái tôi trở lại đúng như nó khi được sinh ra”, mẹ của Zahra nói.
Mai Thy (Theo NYT)