Họ con và bố có nhất thiết giống nhau?

Không biết từ khi nào, trong quan niệm xã hội phần họ và quê quán của con được mặc định là nhất thiết phải theo cha, dù rằng pháp luật không có quy định. Thế nên, đã nhiều chuyện bi hài xảy ra…

[links()] Không biết từ khi nào, trong quan niệm xã hội phần họ và quê quán của con được mặc định là nhất thiết phải theo cha, dù rằng pháp luật không có quy định. Thế nên, đã nhiều chuyện bi hài xảy ra… 

ảnh minh họa
Bị từ vì cho con theo quê vợ
Anh Nguyễn Văn Hưng người Hưng Yên ra Hà Nội làm việc, sinh sống và kết hôn với chị Bùi Thị Mừng gốc người Mường tỉnh Hòa Bình nhưng gia đình cũng đã định cư tại Thủ đô hơn chục năm nay. Ngày mang thai đứa con đầu lòng, anh Hưng và chị Mừng đã bàn với nhau khi sau này khi làm khai sinh cho con sẽ khai dân tộc theo bên vợ để sau này trong chuyện học hành thi cử con sẽ được ưu tiên nhờ chính sách dân tộc.
Lúc đầu anh Hưng cũng băn khoăn với ý tưởng này ghê lắm vì anh biết tính cha và dòng tộc của mình nặng truyền thống thế nào. Nhưng sau khi tham khảo mấy người bạn biết luật, anh mới tạm yên tâm vì riêng vấn đề này pháp luật tôn trọng sự lựa chọn của cha mẹ đứa trẻ. 
Dân tộc của con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận
Theo tổng kết của nhiều văn phòng luật và Trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình của Hội LHPNVN, câu hỏi thường gặp ở người xin tư vấn là: “Con cái nhất thiết phải theo dân tộc của cha hay mẹ và thủ tục xác định lại dân tộc có khó khăn không?”.
Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự, cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ.Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ…
Và theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Nghị Định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì UBND cấp huyện, mà trong địa hạt của huyện đó đương sự đã đăng ký khai sinh trước đây, có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên và xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính, bổ sung hộ tịch, điều chỉnh hộ tịch cho mọi trường hợp, không phân biệt độ tuổi. 

Thằng cu Bi sinh ra trong sự vui mừng của đôi bên nội ngoại, vì đây là đứa cháu nội đầu tiên nên bố anh Hưng giục anh sớm đi khai sinh, khai khẩu cho cháu để ông còn ghi vào gia phả. Nào ngờ, cái ngày anh Hưng mang khai sinh và hộ khẩu về đưa cho bố mình, anh đã phải hứng chịu một cơn giận lôi đình.

“Thà anh cầm dao giết tôi đi còn hơn là anh làm cái việc trái đạo lý thế này. Con cái xưa nay nhất định theo phải theo dân tộc của bố chứ không thể cải tiến, đổi mới như anh nghĩ được. Nếu anh không đi làm lại giấy tờ khác cho thằng bé với dân tộc Kinh của bố và theo dòng họ nhà này, tôi sẽ từ anh. Từ hẳn!”- kèm theo câu cuối là tiếng đập bàn cái rầm. Từ bé tới giờ anh Hưng chưa bao giờ chứng kiến bố mình giận dữ đến thế. 

Sáng hôm sau, ra gặp cán bộ tư pháp, anh Hưng được giải thích rằng quyết định của anh khai dân tộc của con theo mẹ là không hề vi phạm pháp luật, có chăng chỉ không phù hợp với tập quán của gia đình, dòng họ nhà anh mà thôi. Theo lời khuyên của cán bộ tư pháp, anh Hưng nên giữ nguyên bản khai cũ, vì nếu khai lại, đổi lại thủ tục sẽ rất lằng nhằng. Anh Hưng bối rối không biết làm sao cho phải…
Anh chị không có con chung à? 
Anh Nguyễn Tiến Vững và chị Lê Mai Vân cùng học tập tại Liên Xô cũ. Họ đã quen, yêu nhau ở đó và nên vợ nên chồng sau khi về nước. Vốn là người có tư tưởng thoáng, tôn trọng sự bình đẳng, nên anh Vững bàn với vợ khi sinh con sẽ cho một đứa mang họ bố, một đứa mang họ mẹ để không ai cảm thấy mình thua thiệt. Nói là làm hai đứa một trai một gái của vợ chồng anh Vững một đứa mang họ Nguyễn của cha, đứa mang họ Lê của mẹ.
Vì lý do công việc, gia đình anh Vững phải di chuyển cả nhà từ Đà Nẵng vào TP.HCM sinh sống. Khi chuyển khẩu, hai đứa con khác họ của anh chị đã trở thành chỗ vướng mắc trong quá trình thủ tục. Giải thích thế nào, cán bộ thụ lý hồ sơ vẫn nghi ngờ một đứa là… cháu của gia đình.
Giải thích chán chê, cuối cùng anh Vững lại bị hỏi một câu xanh rờn: “Thế anh chị không có con chung à?”. “Thế đây chẳng phải con chung của chúng tôi là gì”. “Thế thì tại sao mỗi đứa lại một họ, cứ như con riêng của từng người ấy”… 
Sau rất nhiều khâu giải thích rồi giấy tờ chứng minh, cuối cùng thì thủ tục chuyển-nhập khẩu cũng đã xong. Còn người cán bộ hồ sơ sau này trở thành bạn của anh Vững đã vỗ vai khuyên: “Tui khuyên thật ông nên sớm quy hai đứa “về một mối” đi, chứ không còn khổ nhiều”. Anh Dũng chỉ thiếu đường than trời vì lời khuyên đó.  
Không có quy định bắt buộc sử dụng họ của bố đặt cho con
Cũng tương tự, các luật sư thường gặp tình huống khách hàng đặt câu hỏi: “Trong luật có điều nào quy định việc ghi họ của bố và con đẻ trong khai sinh và sổ hộ khẩu bắt buộc phải hoàn toàn giống nhau hay không?
Vì thực tế nếu đặt con theo họ mẹ khi cán bộ làm thủ tục hành chính thấy ghi như vậy, họ thường chất vấn, gây khó khăn, thậm chí xúc phạm đến người đi làm giấy tờ”. Về vấn đề này, theo quan điểm của Luật sư Huỳnh Kim Ngân - VPLS Chân Thiện Mỹ thì mỗi cá nhân có quyền đối với họ tên của mình theo luật định.
Cụ thể, Điều 26 Bộ luật Dân sự có quy định: Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Không có quy định bắt buộc sử dụng họ của bố đặt họ cho con, khi đặt tên họ cho con cha mẹ có quyền sử dụng họ theo phong tục tập quán; trong trường hợp không xác định cha thì lấy họ mẹ... 

PVVH

Đọc thêm