Nguồn gốc đất không chính xác
Đây là một trong những tồn tại “nổi bật” được UBND huyện An Lão xác định tại hội nghị đánh giá công tác GPMB dự án tổ chức cuối tháng vừa qua.
Đến nay, dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đoạn qua xã Mỹ Đức cơ bản hoàn thành việc giải phóng mặt bằng với phần diện tích đất nông nghiệp. Nhưng dự án khu tái định cư thuộc Bưu điện thôn Tân Nam quy mô 39185 m2, liên quan 182 hộ dân vẫn chưa bàn giao mặt bằng còn 24 hộ chưa nhận tiền đền bù Nguyên do là việc xác định nguồn gốc đất của những hộ dân này thiếu chính xác. Theo kiến nghị của các hộ dân, phần diện tích đất nông nghiệp của họ thuộc đất đổi vườn, không thể đền bù theo giá đất nông nghiệp. Trước đây, khi xây dựng một số công trình phúc lợi của địa phương như trường mẫu giáo, nhà văn hóa…, xã sử dụng một phần diện tích đất vườn của các hộ dân. Sau đó, xã cấp đất ngoài cánh đồng để các hộ canh tác. Đất đổi vườn là phần diện tích đất nông nghiệp mà xã chuyển đổi cho các hộ dân. Bởi vậy, khi tiến hành giải phóng mặt bằng dự án, những hộ dân có diện tích đất nông nghiệp là đất đổi vườn đề nghị bồi thường theo giá đất vườn ao liền kề. Nằm trong mặt bằng dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, xã Quang Trung có 60 hộ dân với diện tích 9085 m2 là đất đổi vườn, trong đó có 34 hộ liên quan đến mặt bằng thi công đường ô tô cao tốc, 26 hộ liên quan đến mặt bằng xây dựng khu tái định cư dự án. Sau nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng, danh sách các hộ có đất đổi vườn được lập, nhưng đến nay phương án điều chỉnh mức giá đền bù vẫn chưa được thông qua. Tiến độ GPMB của xã Quang Trung vốn đã bị chậm do sự điều chỉnh quy hoạch, mốc giới, nay lại thêm chậm do phải điều chỉnh mức giá đền bù phần diện tích đổi vườn của 60 hộ dân. Sự chậm chễ này có lỗi của chính quyền xã trong khi kiểm kê, khảo sát chưa xác định chính xác, cụ thể nguồn gốc đất, chỉ khi người dân có kiến nghị, phản ánh vấn đề nguồn gốc mới được xem xét, dẫn đến phương án đền bù phải điều chỉnh.
Tình trạng trên không chỉ diễn ra đối với phần diện tích đất đền bù, mà còn liên quan tới việc tính toán các khoản hỗ trợ. Theo quy định, những hộ nông dân bị thu hồi từ 30% số diện tích đất nông nghiệp trở lên sẽ được hỗ trợ đất dịch vụ. Nhưng điều này cũng không dễ thực hiện vì số hồ sơ quản lý phần diện tích đất bị thu hồi của chính quyền địa phương cũng không đầy đủ. Do vậy, có hộ dân bị thu hồi hơn 30% diện tích đất nông nghiệp nhưng không được tính hỗ trợ như ở thôn Câu Đông (xã Quang Trung), địa bàn có nhiều hộ dân nằm trong diện thu hồi dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Từ năm 1999-2000 thực hiện dự án quốc lộ 10 và cầu Tiên Cựu nhiều hộ dân bị thu hồi đất, đến nay, trong thôn có những hộ bị thu hồi đất phục vụ 5-6 dự án. Tuy nhiên, hệ thống hồ sơ của thôn, xã không đầy đủ, có những dự án xã không được lưu giữ tài liệu, nên dẫn tới tình trạng nhầm, sót.
Hồ sơ địa chính chậm được chỉnh lý
Việc xác định nguồn gốc đất gặp khó khăn do hệ thống hồ sơ quản lý của các địa phương chưa hệ thống. Hiện có chủ trương lập bản đồ địa chính (BĐĐC) số cho các xã nhưng không dể bởi hầu hết xã, phường của thành phố đều thiếu BĐĐC. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện An Lão Nguyễn Duy Đảm cho biết: 17/17 xã, thị trấn của An Lão chỉ có bản đồ địa chính được lập từ năm 1994-1995 với tỷ lệ 1/2000. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhiều dự án thu hồi, giải phóng mặt bằng nếu chỉ căn cứ vào bản đồ địa chính rất khó thực hiện. Bởi đất đai sau đổi điền, dồn thửa thay đổi, nhưng chưa được chỉnh lý kịp thời. Đây cũng là nguyên nhân lớn gây chậm chễ trong công tác giải phóng mặt bằng dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.
Nhiều địa phương khác cũng như vậy, nhất là hai quận Đồ Sơn, Dương Kinh và huyện Cát Hải, nơi đang có nhiều biến động về hiện trạng sử dụng đất. Nhưng hầu hết xã, phường của quận, huyện này chưa có bản đồ địa chính hoặc bản đồ cũ, chưa được chỉnh lý theo kịp biến động đất đai. Tại các nơi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư có nhiều biến động (không còn hiện trạng cũ), nhưng từ khi lập quy hoạch đến khi thực hiện, cán bộ địa chính không có cơ sở để cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai. Thực tế này cho thấy, cần sớm xây dựng BĐĐC cho các xã, phường. Đây là biện pháp không chỉ để quản lý tốt hơn mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB.
Nguyên Mai