Đẹp như một bức tranh thủy mặc
Lê Kim Trang (25 tuổi, Hòa Bình) tâm sự, cô đã có sáu năm học đại học và thạc sĩ ở Hà Nội, khi trở về quê sinh sống, làm việc, Trang nhớ nhất Hồ Tây. Cô cho biết, Hồ Tây lúc nào cũng đẹp, giống như một bức tranh thủy mặc với những đường nét mờ ảo, trầm ngâm, thanh nhẹ khiến người ra đi rồi lại luôn day dứt nhớ về. Cô chia sẻ: “Khi còn ở Hà Nội, tôi thích nhất là đi Hồ Tây, nhiều hôm, tâm trạng không vui, tôi cứ như vậy đi xe máy một vòng quanh hồ. Đến điểm cuối cùng ở đường Lạc Long Quân, lòng tự nhiên nhẹ nhõm, mọi chuyện cũng nghĩ thông suốt hơn”.
Mỗi tuần một lần, Trang đều dành ít nhất một buổi tối rảnh rỗi để ra hồ Tây. Có những hôm, cô đi chơi với bạn bè, có những hôm chỉ đi một mình. Đối với Trang, Hồ Tây là một “người bạn” thân thiết của cô ở mảnh đất Hà Nội này và trở thành nỗi nhớ khi rời xa Thủ đô. Cô cho biết: “Nặng lòng nhất khi rời Hà Nội, là không còn được đi dạo quanh Hồ Tây, ngắm hoàng hôn buông lơi, ánh đèn nhập nhoạng khi chiều tà, con người hòa vào không gian sông nước thiên nhiên, bao ưu tư, phiền muộn, mệt mỏi cũng theo gió, theo sóng biến mất”.
Quả thực, giữa Thủ đô Hà Nội phồn hoa, nhộn nhịp, Hồ Tây rộng lớn như một hòn ngọc nhỏ xanh mướt, thanh mát khiến lòng người dịu lại. Có lẽ, nhờ Hồ Tây mà con người phố thị mới được hòa mình vào thiên nhiên, trời đất rộng lớn. Cô Nguyễn Thu Hằng (55 tuổi, Hà Nội) cho biết, cô có gần 30 năm gắn bó với mảnh đất Hà Nội, đối với cô, Hồ Tây từ xưa đến nay vẫn luôn mang một vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, thu hút: “Hồ Tây giống như một người thiếu nữ, mùa nào cũng đẹp. Cả bốn mùa đều khiến người ta nhung nhớ. Mùa xuân, Hồ Tây nhuận sắc đỏ của người dân đi lễ chùa chiền. Mùa hạ, Hồ Tây rực rỡ sắc sen hồng trong nắng vàng. Mùa thu đến, Hồ Tây mơ màng sương khói se se lạnh những sáng sớm. Đông đến, màu xám của bầu trời khiến hồ thêm phần cổ kính, trầm lặng”.
Cô Hằng chia sẻ, trước kia, khi là sinh viên, cô rất ít dịp được đến Hồ Tây vì không có phương tiện đi lại thuận tiện như bây giờ. Nhưng ký ức về Hồ Tây vẫn in đậm trong trí nhớ của cô: “Hồ Tây lúc bấy giờ mộc mạc, đơn sơ lắm, không rào chắn, không có quán xá nhộn nhịp. Chỉ có lác đác người dân sống xung quanh đánh cá, chài lưới. Đến Hồ Tây, niềm hạnh phúc lớn nhất của sinh viên nghèo là đủ tiền mua một, hai cái bánh tôm rồi cả nhóm chia nhau ăn, lấy sức đi bộ về trường”.
Ông Quang Tú (62 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) vui vẻ tâm sự, ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hồ Tây gắn liền với ông từ bé. Ông cho biết: “Ngày còn bé, nhà họ hàng tôi ở Xuân Đỉnh, thi thoảng, bố mẹ sẽ đèo anh em chúng tôi trên chiếc xe đạp cũ, đi qua Hồ Tây lần đầu tiên tôi cứ ngỡ nó là biển lớn được kể trong sách”. Ông cho biết, thời sinh viên của ông, Hồ Tây gắn liền với con đường Thanh Niên, giới trẻ 6x, 7x lúc bấy giờ thường rất thích đến đó. Đặc biệt, các cặp đôi yêu nhau, được tới hồ Trúc Bạch đạp vịt, ăn kem, ăn bánh tôm Hồ Tây là một điều “xa xỉ”, dành cho những người có tiền. Đến bây giờ, Hồ Tây đối với ông vẫn là một điểm đến đẹp, thơ mộng, lãng mạn ở Hà Nội. Ông Tú nói: “Hồ Tây bao năm qua vẫn vậy, mang trong mình không khí khác biệt, chỉ cần đặt chân đến con đường Thanh Niên, tôi sẽ tự dưng muốn sống chậm lại để chiêm ngưỡng vẻ bao la, rộng lớn của thế giới này”.
|
Vẻ đẹp của Hồ Tây mùa nào cũng khiến người ta nhớ nhung. (Nguồn: Thư Nguyễn) |
Chị Nguyễn Anh Thư (45 tuổi, Hà Nội) có rất nhiều kỷ niệm ở Hồ Tây, từ buổi hẹn hò với người chồng, đến giờ phút thư giãn đi chơi bên con cái, bạn bè chị đều chọn Hồ Tây làm điểm đến. Chị Thư cho biết: “Tôi có rất nhiều ảnh chụp ở Hồ Tây, mỗi nơi, mỗi góc hồ lại có nét riêng biệt, khiến người ta yêu thích mãi không thôi. Từ phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc mang không khí cổ kính, đài các. Hay vườn hoa ở Hồ Tây lại có vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng. Cho nên, mỗi lần tới Hồ Tây tôi không kìm được phải chụp vài bức ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc sống”.
Mỗi lần gặp lại một lần xao xuyến
Ở Hồ Tây dòng chảy cuộc sống luôn đổi mới, khiến người ta khám phá mãi không thể hết được. Từ phong cảnh thiên nhiên hữu tình đến những quán cà phê, các con ngách nhỏ, mỗi lần đến, lại tìm thấy những góc mới ở hồ Tây.
Nguyễn Thị Thủy Tiên (25 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) cho biết, cô đã có gần 7 năm sinh sống, học tập và làm việc ở Hà Nội. Mỗi lần đến Hồ Tây dường như nơi đây lại có những thay đổi, khung cảnh đẹp hơn, không gian xung quanh được trang trí, tô điểm thêm: “Hồi sinh viên, chúng tôi thích đến bãi cỏ ở khu vực cây cô đơn vừa ngồi nghe nhạc, vừa chơi thả diều, trò chuyện, ăn uống. Hiện nay, Hồ Tây có nhiều điểm đến lãng mạn, thơ mộng dành cho giới trẻ như con hẻm Từ Hoa nên thơ, hay thung lũng hoa Hồ Tây. Mới gần đây nhất, phố đi bộ Trịnh Công Sơn là nơi yêu thích của tôi”.
Thủy Tiên chia sẻ, cô thường có thói quen đi bộ men theo con đường ở Hồ Tây cho đến khi mỏi chân, ngắm nhìn các quán cà phê lên đèn, mua một bó hoa nhỏ. Vừa đi, vừa nhìn dòng nước vỗ dập dềnh khiến cô cảm thấy rất thư thái: “Hồ Tây mùa nào cũng phù hợp để đi tản bộ, không gian thoáng mát, dễ chịu. Tôi thường hay đi dọc đường Nhật Chiêu, Quảng An, Tô Ngọc Vân, khi nào mệt thì dừng lại uống một tách trà tại quán cà phê”.
Cô Nguyễn Thu Hằng tâm sự, Hồ Tây hiện nay ngày càng giữ gìn xanh, sạch, đẹp, tuyến đường đoạn đầm sen, Quảng An nay đã được lát gạch, sửa sang nhìn rất khang trang, bắt mắt. Cô Hằng thường hay chọn cung đường này để đạp xe, tập thể dục hoặc cùng bạn bè chụp ảnh: “Mỗi năm, tôi đều thấy Hồ Tây có nhiều thứ mới mẻ, hiện đại, đẹp hơn, phù hợp với cảnh quan, khiến cho những “khách vãng lai” như chúng tôi hào hứng mong muốn đến thăm thú. Cô chia sẻ, đi chơi ở Hồ Tây đối với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi sẽ không bao giờ thấy chán. Hiện nay, không chỉ cảnh quan xung quanh hồ ngày càng đẹp mà tiện nghi, khu vui chơi, mua sắm được quy hoạch rất văn minh, phù hợp. Cô Hằng nói: “Tôi vừa có thể đi ăn, đi uống trà, vừa có thể rẽ qua khu trung tâm thương mại mua sắm, sau đó vào vườn hoa ngồi chơi thư giãn”.
|
Hồ Tây đẹp như một bức tranh trong trái tim mỗi người đã từng lỡ bước chân đến. |
Quả thực, Hồ Tây có thể đáp ứng được yêu cầu của những “vị khách” khó tính nhất. Tại đây, mọi người vừa khám phá được nét đẹp văn hóa truyền thống của Hà Nội lấy ví dụ, các làng cổ vẫn còn lưu giữ nghề truyền thống như làng hoa Nhật Tân, làng hoa Quảng Bá, làng quất Nghi Tàm, làng nghề giấy dó Yên Thái, làng nghề đúc đồng Ngũ Xã... cùng hệ thống di tích lịch sử văn hóa đậm đặc như: chùa Vạn Niên, chùa Tảo Sách, chùa Kim Liên, đền Quán Thánh, chùa Bà Đanh... Đặc biệt, trên bán đảo và đảo ở phía đông Hồ Tây, 2 di tích nổi tiếng là phủ Tây Hồ (được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17 thờ Bà chúa Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam) và chùa Trấn Quốc (được dựng vào thời Tiền Lý (thế kỷ 6), dời và phục dựng vào thời Lê Trung Hưng (năm 1615) trên nền cũ của điện Hàn Nguyên) vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vãn cảnh, lễ chùa. Các lễ hội dân gian ở Hồ Tây cũng diễn ra quanh năm, như hội thi làm xôi làng như Phú Gia - Phú Thượng, Lễ hội phủ Tây Hồ, Hội Võng thị (làng Võng thị, phường Bưởi, quận Tây Hồ),...
Không chỉ có những nét cổ kính, truyền thống, Hồ Tây hiện nay còn mang hơi thở hiện đại, sôi động tấp nập của người trẻ đang tập thể thao, ăn uống, vui chơi quanh hồ. Đặc biệt, Hồ Tây ngày càng có nhiều phương tiện giao thông thân thiện với môi trường. Người dân dùng xe đạp đi quanh hồ hay tour khám phá Hồ Tây bằng xe điện đã trở thành lựa chọn không thể bỏ qua của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Trong những năm gần đây, mỗi mùa, Hồ Tây tổ chức rất nhiều lễ hội sôi động thu hút du khách đến tham quan. Đầu năm 2024, lễ hội ánh sáng nghệ thuật đã có hàng nghìn người đổ về chiêm ngưỡng các thiết bị bay không người lái thắp sáng bầu trời đêm Hà Nội bằng những hình ảnh biểu tượng đặc trưng của Thủ đô. Hay sắp tới đây, Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên đang thu hút rất nhiều sự quan tâm, chú ý của mọi người.