Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ

Hiện nay, các đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) không chỉ là tài sản có giá trị của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Việc xây dựng và phát triển các tài sản trí tuệ sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và vị thế trên thị trường.

 Hiện nay, các đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) không chỉ là tài sản có giá trị của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia. Việc xây dựng và phát triển các tài sản trí tuệ sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và vị thế trên thị trường. Chính vì thế, tự bản thân mỗi doanh nghiệp cần phải nỗ lực phát triển tài sản trí tuệ bằng những chính sách và biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp ở tỉnh chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), phát triển nhãn hiệu hàng hoá, sáng chế, giải pháp hữu ích và các đối tượng SHCN khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo thống kê, hiện trong toàn tỉnh mới chỉ có hơn 1000 đơn xin đăng ký quyền SHTT; trong đó có 998 đơn đăng ký về nhãn hiệu, 16 đơn về sáng chế, 9 đơn về giải pháp hữu ích, 42 đơn về kiểu dáng công nghiệp… Số đơn đăng ký quyền SHTT tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp ở khu vực TP Nam Định. Nhiều huyện chưa có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có đơn xin đăng ký quyền SHTT. Có một thực tế là chủ sở hữu các văn bằng và đơn cho các đối tượng SHCN hầu hết là các doanh nghiệp lớn ở thành phố Nam Định, số các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các làng nghề truyền thống chiếm số lượng ít. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp còn nhận thức rất hạn chế về SHTT. Hầu hết các doanh nghiệp chưa có kế hoạch về phát triển thương hiệu hàng hoá; đội ngũ cán bộ chuyên trách về lĩnh vực SHTT; sự hiểu biết về Luật Sở hữu trí tuệ; thủ tục cần và đủ để đăng ký, xác lập quyền SHCN cho các sản phẩm và thiết kế mẫu nhãn hiệu sản phẩm, lôgô của Cty… Việc chưa quan tâm đến phát triển tài sản trí tuệ cộng với khả năng tài chính còn hạn chế nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào xây dựng thương hiệu và chưa có nhiều sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Hơn nữa, các doanh nghiệp còn thiếu thông tin và kinh nghiệm khi tiến hành các thủ tục cần thiết để xác lập quyền SHCN cũng như kỹ năng giải quyết các sự việc liên quan; chưa tích cực và chủ động nghiên cứu các thông tin, tư liệu sáng chế; không tự đánh giá ý tưởng và phát triển ý tưởng đó; hình thành ý tưởng tốt nhưng không đăng ký bảo hộ; công bố kết quả nghiên cứu khi chưa tiến hành thủ tục đăng ký xác lập quyền. Nguyên nhân do các doanh nghiệp hạn chế về nhận thức, năng lực; thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật về SHTT, trình tự, thủ tục đăng ký xác lập và bảo vệ quyền SHTT trong việc bảo vệ quyền SHTT, chống hành vi xâm phạm và tránh xâm phạm quyền, khai thác nguồn thông tin tư liệu sẵn có về SHCN…

Sản phẩm xe vận tải khách của Cty cổ phần vận tải ô tô Nam Định được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu kiểu dáng công nghiệp.
Ảnh: Dương Đức

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ tập trung xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh phát triển tài sản trí tuệ, xác lập và bảo hộ quyền SHCN. Chương trình sẽ được áp dụng rộng rãi đối với tất cả các tổ chức, cá nhân, cơ sở, các loại hình doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trừ số doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài. Ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu, các sản phẩm chủ lực của địa phương và của một số doanh nghiệp có thương hiệu uy tín. Chương trình sẽ tập trung nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh của tỉnh về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ tạo lập, khai thác, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ và quảng bá tài sản trí tuệ trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2015, có ít nhất 50 doanh nghiệp được hỗ trợ đăng ký bảo hộ xác lập quyền SHCN. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá và dịch vụ trọng điểm của tỉnh đăng ký quyền SHCN, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của các địa phương được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đào tạo nhân lực về SHTT cho các doanh nghiệp của tỉnh. Bên cạnh đó, chương trình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng về SHTT; hỗ trợ doanh nghiệp xác lập và bảo hộ quyền SHCN, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp; khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh; xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường tiềm lực thông tin cho hoạt động SHCN của doanh nghiệp... Chương trình tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp ở các huyện, thành phố và tập thể doanh nghiệp tại địa phương rà soát, tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHTT về nhãn hiệu, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho đặc sản của địa phương, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và giải pháp hữu ích. Tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin về SHTT cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chương trình cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, pháp luật về SHTT phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp. Tăng cường hoạt động trợ giúp, tư vấn và giải đáp pháp luật giúp doanh nghiệp đăng ký xác lập và thực thi quyền SHTT. Tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin về SHCN; cung cấp thông tin SHCN phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu được cập nhật thông tin về pháp luật có liên quan đến các hoạt động SHCN. Khuyến khích thiết lập các tổ chức bảo vệ quyền SHTT, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực SHTT. Hỗ trợ cung cấp thông tin và tra cứu sơ bộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp cho các doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện đăng ký xác lập quyền SHCN. Trước mắt trong năm 2011 sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 10-15 nhãn hiệu và một số kiểu dáng công nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó ưu tiên doanh nghiệp chưa đăng ký, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, đặc biệt là doanh nghiệp có mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu. Đối với nhãn hiệu, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 2 nhãn hiệu được bảo hộ. Đối với kiểu dáng công nghiệp, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa không quá 2 đơn kiểu dáng công nghiệp cho 1 loại sản phẩm. Mặt khác, chương trình phối kết hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ 5 doanh nghiệp xây dựng thương hiệu; hỗ trợ xây dựng, đào tạo và hoạt động của cán bộ và bộ phận quản lý phát triển thương hiệu hoặc quản lý phát triển thị trường của doanh nghiệp…

Trong điều kiện hiện nay, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh phát triển tài sản trí tuệ thực sự là động lực giúp các doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh. Tài sản trí tuệ sẽ là công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp huy động vốn, phát huy nội lực, tạo uy tín, nguồn lực… xây dựng và tổ chức thực hiện thành công kế hoạch mở rộng sản xuất theo hướng hiệu quả và bền vững./.

Khôi Nguyên

Đọc thêm