Hòa Bình bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại mới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hòa Bình là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc. Trong tiến trình hội nhập và phát triển, tỉnh Hòa Bình cần làm tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc vừa phát triển kinh tế bền vững.
Nghệ nhân Mo Mường thực hiện nghi lễ mo tại lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2020
Nghệ nhân Mo Mường thực hiện nghi lễ mo tại lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2020

Vùng đất sử thi với đa bản sắc văn hóa dân tộc

Tỉnh Hòa Bình được biết đến là “miền đất sử thi” với nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 74,31% dân số, gồm các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông và một số dân tộc thiểu số khác. Các dân tộc có nét văn hóa riêng về phong tục, tập quán, nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt hàng ngày.

Nhưng điểm chung của tất cả các dân tộc đó là sự cần cù lao động, nghị lực khắc phục khó khăn, đức tính thật thà và giàu lòng nhân ái. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thường rất mến khách, tích cực trong việc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, gắn kết tình đồng bào, đồng chí.

Trong đó, người Mường chiếm 63,79% dân số toàn tỉnh, cư trú ở các huyện: Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc, Lương Sơn, Yên Thủy, Cao Phong, Kỳ Sơn… Người Mường có truyền thống canh tác lúa nước, sản xuất nông, lâm nghiệp lâu đời, ngoài ra còn có nghề thủ công như trồng bông, dệt vải, đan lát. Người Mường cũng được biết đến với đặc sản rượu cần có hương vị đậm đà, khó quên.

Người Mường với dụng cụ cồng chiêng được sử dụng trong các sự kiện văn hóa của tỉnh Hòa Bình.Người Mường với dụng cụ cồng chiêng được sử dụng trong các sự kiện văn hóa của tỉnh Hòa Bình.

Đồng bào Mường có một kho tàng văn nghệ dân gian phong phú với nhiều thể loại như: thơ dài, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Người Mường còn có hát ru em, đồng dao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi... Người Mường cũng truyền lại cho nhiều thế hệ trường ca “Đẻ đất đẻ nước”. Cồng là nhạc cụ đặc sắc của đồng bào Mường, ngoài ra còn nhị, sáo trống, khèn lù. Đến nay, đồng bào Mường còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc như: Hội Còn xuân, Lễ hội Cồng chiêng, một số tập tục, nghi lễ về hiếu, hỷ… và có rất nhiều bài thuốc nam hiệu quả được lưu truyền qua các thế hệ.

Người Thái thì chiếm khoảng 4% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại huyện Mai Châu. Đồng bào người Thái có truyền thống trồng lúa nước và cải tạo ruộng bậc thang, sản xuất chủ yếu là nông, lâm nghiệp, trồng bông, nuôi tằm dệt vải và làm hàng thủ công mỹ nghệ.

Người Tày chiếm khoảng 3% dân số toàn tỉnh, cư trú tập trung tại huyện Đà Bắc và một số xã của huyện Mai Châu. Đồng bào Tày cũng sản xuất nông, lâm nghiệp là chủ yếu, ngoài ra còn làm nghề thủ công như dệt vải, đan lát mây, tre…

Trải qua hàng chục nghìn năm xây dựng và phát triển, đến nay các dân tộc tại tỉnh Hòa Bình đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, đây cũng là vùng đất cổ, nơi tổ tiên tiền sử người Việt đã tồn tại và phát triển. Điều này được thể hiện qua nhiều bộ sử thi huyền thoại như "Mo Mường", "Ẳm Ệt", Tản viên Sơn Thánh...

Đây còn là miền đất âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng, vùng của những lễ hội giàu bản sắc dân tộc Tây Bắc, của kho tàng phong phú về văn nghệ dân gian các dân tộc... là quê hương của những làn điệu dân ca ngọt ngào và trong trẻo.

Vào năm 2017, di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường Hòa Bình đã trình tổ chức UNESCO đưa vào danh mục bảo trợ di sản phi vật thể của nhân loại. Đồng thời, xây dựng kế hoạch để triển khai “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2018-2030”, tái bản Cuốn sách “Mo Mường Hòa Bình” theo bộ chữ Mường, hoàn thành một phần nội dung của cuốn Từ điển Mo Mường.

Giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại

Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 41 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 56 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được quản lý, bảo vệ và khai thác tốt, có 19 công trình đang xét duyệt để xếp vào di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Có 2 di tích văn hóa cấp quốc gia đã được tiến hành trùng tu, tôn tạo. Nhiều Di sản văn hóa phi vật thể đã được bảo tồn như: các lễ hội truyền thống dân tộc tỉnh Hòa Bình, lễ hội khai mùa Mường Thàng, lễ hội Mường Động, lễ hội Gàu Tào…

Suối nước khoáng Kim Bôi, Hòa Bình – Điểm thu hút khách du lịch bốn phương

Suối nước khoáng Kim Bôi, Hòa Bình – Điểm thu hút khách du lịch bốn phương

Ngoài ra, Hoà Bình còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Thung Nai, Cửu thác Tú Sơn, Động Thiên Long, Động Đá Bạc, Động Thác Bờ, Đèo Đá bạc, thung lũng Mai Châu; suối nước khoáng Kim Bôi …

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, văn hóa là một lĩnh vực dễ bị tổn thương, trong đó bản sắc văn hóa, văn hóa truyền thống dễ bị tổn thương hơn cả. Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, đây còn là phương tiện để giới thiệu quảng bá về hình ảnh vùng đất con người cho các du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Hòa Bình góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, việc gìn giữ các giá trị văn hóa không phải là bảo quản nó trong tủ kính mà cần gắn với việc phát huy để làm tỏa sáng các giá trị ấy trong đời sống. Kết hợp bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống với loại bỏ các hủ tục, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến, nhưng vẫn đậm bản sắc.

Đoàn nghệ thuật của 5 dân tộc thiểu số biểu diễn tại lễ khai mạc "Không gian trưng bày, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình"

Đoàn nghệ thuật của 5 dân tộc thiểu số biểu diễn tại lễ khai mạc "Không gian trưng bày, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc tỉnh Hòa Bình"

Thời gian gần đây đã có những tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn trong nhân dân như: Sự phát triển của hệ thống lễ hội truyền thống; sự phát triển của Chiêng Mường; giá trị của Mo Mường và vai trò của các ông Mo đã được nhân dân coi trọng, tôn vinh. Đã xuất hiện nhiều lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu Chiêng Mường, múa Mường... thể hiện ý thức của nhân dân đã có sự thay đổi tích cực. Người dân tự hào về những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình nên đã có ý thức bảo tồn, phát huy.

Nhiều lễ hội truyền thống được các địa phương được tổ chức đã phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân. Từ đó, tạo sức hút đối với khách du lịch nội địa và quốc tế đến tham quan du lịch.

Hòa Bình đã và đang từng bước quảng bá hình ảnh ấn tượng, hấp dẫn về con người, bản sắc văn hoá tới bạn bè trong nước, quốc tế. Qua đó, vừa giữ được hồn cốt dân tộc, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch./.