Quyết định có hiệu lực thi hành
Chuyện là, Công ty TNHH Trường Ngân (Công ty Trường Ngân) - khách hàng của OCB, được OCB cấp hạn mức tín dụng để bổ sung vốn lưu động theo Hợp đồng hạn mức tín dụng số 0183/2012/HĐTD-DN. Tài sản bảo đảm cho khoản vay là toàn bộ số hàng hóa cà phê tồn kho, với khối lượng 3.360 tấn, trị giá 134,4 tỷ đồng, lưu giữ tại kho của Công ty Trường Ngân.
Toàn bộ việc nhận bảo đảm hàng hóa được xác lập trên cơ sở hợp đồng bảo đảm tiền vay chặt chẽ, được OCB đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng luật định. Lịch sử vay vốn tại OCB cho thấy, Trường Ngân luôn trả nợ đúng hạn.
Đầu năm 2013 tình hình trả nợ của Trường Ngân có dấu hiệu không đúng hạn. Qua quá trình kiểm tra, giám sát khách hàng cho thấy, Trường Ngân có quan hệ với nhiều tổ chức tín dụng, có hiện tượng một số tổ chức tín dụng bị thế chấp trùng hàng hóa dạng hàng tồn kho luân chuyển.
Do vậy, OCB đã tiến hành khởi kiện Công ty Trường Ngân ra tòa để thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quyền hạn của ngân hàng. Vụ việc đã được TAND quận 4, TP.HCM thụ lý giải quyết. Ngày 5/6/2013, TAND Quận 4 đã ban hành “Quyết định số 24/2013/QĐST-KDTM, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự”.
Theo đó, thống nhất xác định số tiền Trường Ngân còn nợ OCB là hơn 93 tỷ đồng. Về phương thức, thời hạn thanh toán, các bên thỏa thuận: Trường Ngân trả dần số tiền còn thiếu nêu trên. Thi hành vào ngày 28 dương lịch hàng tháng, bắt đầu thi hành vào ngày 28/5/2013 trở đi cho đến khi trả dứt nợ theo đúng lịch trình đã cam kết; trong quá trình thực hiện nghĩa vụ trả nợ, Trường Ngân cam kết đảm bảo đủ số lượng hàng đã cầm cố cho OCB tại kho riêng của OCB theo các hợp đồng cầm cố và biên bản có liên quan.
Quyết định còn nêu rõ: Trong quá trình THA, nếu Trường Ngân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nghĩa vụ nêu trên thì OCB được quyền yêu cầu Trường Ngân trả ngay một lần đối với toàn bộ số tiền còn thiếu cho OCB; OCB có quyền yêu cầu phát mãi đối với toàn bộ tài sản nêu trên để thu hồi nợ. Trường hợp sau khi phát mãi toàn bộ tài sản bảo đảm nêu trên mà không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho OCB, Trường Ngân phải tiếp tục trả số tiền còn thiếu cho OCB đến khi dứt nợ…
Sau đó, Chi Cục THA Dân sự TX Dĩ An, Bình Dương đã thụ lý thi hành “Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự” của TAND quận 4 để đảm bảo thu hồi nợ cho OCB theo đúng quy định của pháp luật. Về phần mình, OCB phủ nhận quan điểm của một số ngân hàng liên quan cho rằng việc phán quyết của TAND Quận 4 cho phép OCB xử lý tài sản bảo đảm là chưa hợp pháp vì sẽ xử lý trùng tài sản bảo đảm của các ngân hàng này.
Cơ sở của việc phủ nhận là có sự khác nhau giữa phương thức nhận tài sản bảo đảm giữa các ngân hàng. OCB đã nhận bảo đảm bằng lô hàng hóa cụ thể theo nguyên tắc “tiền vào hàng ra”, còn một số ngân hàng nhận bảo đảm theo phương thức thế chấp hàng tồn kho luân chuyển.
Để tránh những rủi ro trong việc nhận thế chấp hàng hóa, OCB áp dụng hình thức nhận bảo đảm bằng hàng hóa theo lô hàng xác định cụ thể, toàn bộ hàng hóa được chứa trong một khu vực riêng của kho hàng, được OCB vây cách biệt bằng hàng rào thép B40, có bảo vệ chuyên nghiệp chốt giữ 24/24. Hơn nữa, OCB còn cho vẽ sơ đồ vị trí hàng hóa lưu kho, đăng ký giao dịch bảo đảm cả phụ lục sơ đồ lưu kho hàng, tránh sự trùng lặp hay lẫn lộn hàng hóa với Khách hàng.
Đã tuân thủ luật định
Luật sư Phạm Tấn Thuấn – Đoàn Luật sư TP.HCM khẳng định, việc Cơ quan Thi hành án Dân sự TX Dĩ An, tỉnh Bình Dương thực hiện các thủ tục THA như kê biên, cưỡng chế THA đối với tài sản cầm cố của Trường Ngân để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của OCB là đúng pháp luật. Bởi đây là việc của Cơ quan THA thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật đó là Quyết định 24/2013/QĐST-KDTM của TAND Quận 4, TP.HCM.
Theo Hợp đồng giữa OCB và Trường Ngân, Trường Ngân đã thế chấp toàn bộ số hàng hóa 3.360 tấn cà phê lưu giữ tại kho của Trường Ngân và OCB đã tiến hành đăng ký giao dịch bảo đảm đúng trình tự, quy định của Pháp luật. OCB cũng đã áp dụng hình thức nhận bảo đảm bằng hàng hóa theo lô hàng xác định cụ thể và cho vẽ sơ đồ vị trí hàng hóa lưu kho, đăng ký giao dịch bảo đảm cả phụ lục sơ đồ lưu kho hàng, tránh sự trùng lặp hay lẫn lộn hàng hóa. Đây là căn cứ để TAND Quận 4 xem xét công nhận sự thỏa thuận của các bên và đó cũng là cơ sở để Chi cục THA TX Dĩ An kê biên, cưỡng chế THA 3.360 tấn cà phê cho OCB.
Theo Luật sư Thuấn, trong quá trình Cơ quan THA thi hành Quyết định 24/2013/QĐST-KDTM , một số ngân hàng đang có dư nợ cấp tín dụng cho Trường Ngân đã phản ứng, đề nghị tạm ngưng thi hành án để xem xét quyền lợi của họ vì cho rằng lô hàng 3.360 tấn cà phê Cơ quan THA cưỡng chế trùng với số tài sản mà Trường Ngân đã thế chấp cho họ.
Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị từ chối. Bởi theo quy định tại Điều 325 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định như sau: Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký; Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán.
Qua vụ việc, có thể thấy OCB đã tuân thủ chặt chẽ các quy định cho vay, thế chấp, đăng ký, xử lý tài sản 3.360 tấn cà phê để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của Trường Ngân. Trong khi các ngân hàng khác có thể đã sơ hở trong việc áp dụng phương thức bảo đảm, kiểm tra, giám sát tài sản đảm bảo thực hiện nghĩa vụ hoặc chậm chân trong việc xử lý tài sản để thu hồi nợ (yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời)…
Còn theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, TAND quận 4, TP.HCM đã làm đúng theo thẩm quyền của mình. Đối với việc Chi Cục THA thị xã Dĩ An, Bình Dương chỉ cưỡng chế một phần cà phê được giữ tại một trong nhiều khoang kho của Trường Ngân. Điều này khẳng định yêu cầu khởi kiện của OCB chỉ liên quan tới một phần số tài sản thế chấp và việc TAND Quận 4 trong quá trình giải quyết vụ án mà không đưa các ngân hàng khác vào diện những người liên quan là không có gì sai trái.
Liên quan đến vụ án này, các ngân hàng khác không thể chỉ căn cứ vào kết quả buổi làm việc chung trước đó của tất cả các ngân hàng để cho rằng OCB và TAND quận 4 đã sai. Cũng đồng nghĩa với việc, các ngân hàng khác phải khởi kiện Trường Ngân bằng các hồ sơ khởi kiện khác nhau để TAND Quận 4 xem xét giải quyết.
Theo đó, các ngân hàng liên quan trong vụ án này đều có quyền đưa ra yêu cầu riêng của mình để được Tòa án xem xét, giải quyết. Tất nhiên, hiện tại các ngân hàng cần tôn trọng phán quyết của TAND Quận 4 đã có hiệu lực thi hành.