Hòa Bình: Phúc thẩm vụ kiện tháo dỡ công trình vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - TAND tỉnh Hòa Bình vừa đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và hành vi hành chính; người khởi kiện là bà Nguyễn Thị Mỉa (ngụ xóm Vân Nam, xã Quang Tiến, TP Hòa Bình); người bị kiện là Chủ tịch UBND xã Quang Tiến.
Bà Mỉa tại TAND tỉnh Hòa Bình sau phiên phúc thẩm. (Ảnh: Gia Hải)
Bà Mỉa tại TAND tỉnh Hòa Bình sau phiên phúc thẩm. (Ảnh: Gia Hải)

Theo hồ sơ và lời khai của bà Mỉa, năm 1993, vợ chồng nguyên đơn khai hoang, cải tạo khu gò đất đá ong và phần diện tích ao cũ, dựng nhà cấp 4.

Năm 2022, gia đình sửa chữa lại căn nhà để ở và một gian nhỏ bên cạnh cho tiện việc sinh hoạt và bán hàng (tất cả đều nằm trên nền móng nhà cũ) thì UBND xã tiến hành lập biên bản xử lý hành vi “xây dựng nhà trên đất hoang hóa”.

Ngày 15/7/2022, công chức địa chính xã lập Biên bản 22/BB-VPHC cho rằng gia đình bà Mỉa tự ý xây dựng mới công trình nhà ở trên đất nông nghiệp là đất hoang hóa chưa được cấp sổ đỏ. Ngày 19/7/2022 UBND xã ra Quyết định xử phạt 774/QĐ-XPHC bà Mỉa về hành vi tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Ba tháng sau (ngày 18/10/2022) UBND xã ra Quyết định 862/QD-HB hủy bỏ Quyết định xử phạt 774 “do Biên bản vi phạm hành chính 22/BB-VPHC lập ngày 15/7/2022 xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng quy định pháp luật”.

Ngày 13/3/2023, UBND xã tiếp tục lập Biên bản vi phạm hành chính số 14 với bà Mỉa về hành vi tự ý xây dựng công trình nhà ở trên đất hoang hóa; ra Quyết định 55/QĐ-XPHC xử phạt bà Mỉa về hành vi tự ý thực hiện xây dựng công trình nhà ở tại thửa đất 673 (đất hoang hóa), tờ bản đồ 23, diện tích xây dựng vi phạm 57,6m.

Tuy nhiên sau đó, UBND xã lại có Quyết định 77 ngày 14/4/2023 hủy bỏ Quyết định 55. Ngày 18/4/2023, UBND xã ra Quyết định 83/QĐ-KPHQ buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai, buộc bà Mỉa phá dỡ toàn bộ công trình có diện tích xây dựng vi phạm 57,6m tại thửa đất 673. Thời gian thực hiện 10 ngày.

Ngày 5/5/2023, Chủ tịch UBND xã ra Quyết định 94/QĐ-CCXP cưỡng chế bắt buộc khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai với bà Mỉa. Ngày 22/5/2023, địa phương tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ căn nhà.

Cho rằng việc xử phạt cưỡng chế của xã Quang Tiến với mình là không đúng, bà Mỉa khởi kiện ra tòa yêu cầu “tuyên hủy Quyết định 83 ngày 18/4/2023; tuyên hành vi cưỡng chế bắt buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai của UBND xã là trái pháp luật, từ đó tuyên hủy Quyết định 94 ngày 5/5/2023 của UBND xã”.

Bà Mỉa cho rằng gia đình bà đã sống ổn định trên phần diện tích đất khai hoang từ 1993 đến 2022 mà không có sự tranh chấp ai; việc xử phạt và cưỡng chế của UBND xã với gia đình bà là chưa thỏa đáng. Bà cho rằng theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì trường hợp nhà bà không thuộc trường hợp “lấn, chiếm đất” vì phần diện tích 57,6m2 đã được gia đình sử dụng ổn định, lâu dài từ những năm 1993, đang được kê khai đề nghị cơ quan thẩm quyền cấp sổ đỏ chứ không phải là trường hợp đất chưa sử dụng. Đồng thời, từ khi bà sử dụng, chưa bị cơ quan nào xử phạt nên đủ điều kiện được cấp sổ đỏ.

Tại các biên bản vi phạm hành chính và quyết định đều xác định hành vi vi phạm là “xây dựng công trình nhà ở trên đất hoang hóa”. Tuy nhiên, theo Biên bản xác minh 23 ngày 17/4/2024, xác định gia đình bà sử dụng đất trước năm 1994. “Những căn cứ trên cho thấy không có căn cứ pháp lý và thực tiễn để xác định gia đình tôi có hành vi “lấn, chiếm đất””, bà nói.

Trong hồ sơ vụ án, xác nhận khi UBND xã tiến hành việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, thì diện tích bị tháo dỡ trên thực tế có sự sai khác với diện tích ghi nhận tại các Quyết định hành chính do chính xã ban hành. Tại Biên bản xác minh ngày 10/3/2023; Quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai số 83/QĐ-KPHQ ngày 18/4/2023; Quyết định cưỡng chế bắt buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đất đai số 94/QĐ/CCXP ngày 5/5/2023; xác định phần diện tích “bà Mỉa xây dựng có vi phạm” và phải tháo dỡ là 57,6m2, nhưng thẩm định tại chỗ cho thấy thực tế phần tháo dỡ khi cưỡng chế là hơn 60m2.

Ngày 4 - 5/6/2024, TAND TP Hòa Bình đưa vụ kiện ra xét xử, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Mỉa.

Bà Mỉa kháng cáo. Ngày 20/9/2024, TAND tỉnh đưa vụ án ra xử phúc thẩm và quyết định bác kháng cáo; giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm 01/2024HC-ST ngày 5/6/2024 của TAND TP Hòa Bình.

Liên quan đến sự việc, Luật sư (LS) Nguyễn Hà Luân (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, thời hạn thực hiện trong các Quyết định số 83 và số 94 có nêu là 10 ngày là chưa thỏa đáng. Ngoài ra, theo quyết định cưỡng chế đã xác định diện tích công trình vi phạm là 57,6m2; nhưng thẩm định tại chỗ cho thấy thực tế phần tháo dỡ khi cưỡng chế đã vượt diện tích so với quyết định. Do đó, tính hợp pháp của quyết định hành chính và hành vi hành chính của UBND xã cần được xem xét lại.

LS Luân nêu quan điểm: “Ngay cả trong trường hợp có vi phạm, thì hành vi vi phạm đến đâu cưỡng chế đến đó, cơ quan chức năng không được thực hiện quá nội dung, căn cứ, số liệu đã được xác định trong quyết định hành chính”.

Đọc thêm