Đa dạng giải pháp xúc tiến thương mại
Hòa Bình hiện là địa phương có người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43%, chủ yếu gồm các dân tộc: Mường, Thái, Tày, Dao, Mông…, sinh sống ở 145/151 xã, phường, thị trấn.
Do đó, thời gian qua, ngành Công Thương Hoà Bình đã triển khai nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bên cạnh Chương trình Xúc tiến đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Tân Lạc, Sở Công Thương Hoà Bình đã triển khai nhiều sự kiện xúc tiến tiêu thụ khắp các địa phương vùng khó khăn, nhờ đó đã quảng bá được sản phẩm của bà con đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Hoà Bình phối hợp với UBND huyện Tân Lạc tổ chức Chương trình Xúc tiến đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là hoạt động thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Chương trình có quy mô trên 30 gian hàng tiêu chuẩn của các hợp tác xã trong tỉnh, 9 huyện, thành phố, các xã của huyện Tân Lạc và các gian hàng tiêu biểu của một số tỉnh. Tại chương trình đã trưng bày, quảng bá và bán các mặt hàng do chính các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận sản xuất, sản phẩm có chất lượng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.
Chương trình đã góp phần quảng bá sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, qua đó tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tiếp cận thị trường nông thôn. Đồng thời từng bước xây dựng mạng lưới kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng. Chương trình cũng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; tìm kiếm cơ hội đầu tư, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất và đẩy mạnh phân phối hàng hoá đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá
Ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số luôn là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược của tỉnh Hoà Bình. Trong phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Hoà Bình luôn chú trọng triển khai các giải pháp hỗ trợ đồng bào chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết để sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.
Là đơn vị được giao thực hiện nội dung “Hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình đang không ngừng nỗ lực đẩy mạnh hỗ trợ các HTX thực hiện hiệu quả dự án này.
Liên minh đã có nhiều hoạt động phong phú như: hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đào tạo nghề cho thành viên HTX, đồng hành cùng các ý tưởng sản xuất kinh doanh khởi nghiệp, chuyển đổi số, tổ chức hội nghị xúc tiến cung - cầu ở các thành phố lớn... nhằm hỗ trợ HTX, tổ hợp tác phát triển.
Điển hình như, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả thực hiện tại các xã Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến với tổng quy mô 125ha, sản phẩm chính là cây ăn quả có múi. HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động (HTX Mường Động) là đơn vị thực hiện.
Theo ông Nguyễn Trung Huân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Mường Động, vài năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả có múi tăng mạnh, tạo ra thách thức lớn về thị trường tiêu thụ; trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, là những khó khăn HTX phải đối mặt. Nhưng nhờ chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất phát triển, xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đã tạo cơ hội để HTX tìm ra hướng đi mới.
Ba năm trở lại đây, từ dự án liên kết sản xuất, HTX Mường Động đã cung ứng cho thị trường trên 600 tấn cam, bưởi các loại; doanh thu từ sản xuất cây ăn quả có múi của HTX, lên tới hàng chục tỷ đồng/năm; trong đó, doanh thu từ kênh tiêu thụ chuỗi liên kết trên 4,5 tỷ đồng. HTX đã ký thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm với 3 doanh nghiệp tại Hà Nội, tham gia 6 hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Thắng, thành viên HTX Mường Động cho biết: Tham gia chuỗi giá trị, 26 hộ thành viên HTX, được tập huấn về kỹ thuật canh tác, kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Cùng đó, thành viên HTX được hỗ trợ xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm, khu vực sơ chế tại các nhà vườn, tem mác, bao bì sản phẩm và xúc tiến thương mại. HTX Mường Động còn thành lập Ban Quản lý chất lượng sản phẩm để hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên; đảm bảo 100% sản phẩm trước khi xuất vườn đều có hồ sơ kiểm tra, xác nhận của Ban Quản lý chất lượng sản phẩm.
Hoà Bình đang đặt mục tiêu tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.