Hoa đào và hoa anh đào

* Hoa đào và hoa anh đào là hai loại hoa khác nhau. Xin cho hỏi, truyền thuyết về hai loài này có khác nhau? (Nguyễn Thị Mỹ, Hòa Vang, Đà Nẵng).
* Hoa đào và hoa anh đào là hai loại hoa khác nhau. Xin cho hỏi, truyền thuyết về hai loài này có khác nhau? (Nguyễn Thị Mỹ, Hòa Vang, Đà Nẵng).

Hoa đào Việt Nam. (Ảnh: VTL)
- Hoa đào xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, còn quê hương của hoa anh đào thì ở Nhật Bản. Tất nhiên, cả hai có riêng một truyền thuyết.

Xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn nước ta có một cây đào to lớn khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Đây cũng là nơi trú ngụ của hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy. Không một ma quỷ nào bén mảng đến mà không bị sự trừng phạt của hai vị thần linh. Vì thế, ma quỷ khiếp sợ đến cả cây đào, thoáng thấy cành đào là cao chạy xa bay.

Cuối năm, hai vị thần theo lệ phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Được dịp, ma quỷ giở trò “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm” trong mấy ngày Tết, dương gian khổ cay khổ đắng. Dân chúng rủ nhau đi bẻ cành đào về cắm trong nhà để trừ khử ma quỷ, ai không bẻ được thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần dán ở cột trước nhà. Từ đó, lâu ngày thành lệ, và người Việt quên mất ý nghĩa thần bí ban đầu mà xem việc trang trí cành đào trong nhà như một nét đẹp ngày Tết.

Hoa anh đào và núi Phú Sĩ. (Ảnh: photo.tamtay.vn)
Hoa anh đào có một truyền thuyết khá bi thương.

Ngày xưa, tại một ngôi làng dưới chân núi Phú Sĩ xứ Phù Tang có đôi vợ chồng sinh một con trai kháu khỉnh. Khi cậu tròn tuổi thôi nôi, có một đạo sĩ tạt qua, mỉm cười nhìn cậu bé, đặt vào tay người cha một thanh sắt rồi lặng lẽ ra đi.
Người cha qua đời, người mẹ trẻ ở vậy nuôi con và giao thanh sắt cho chàng trai khi cậu tròn 14 tuổi. Cậu vuốt ve di vật huyền bí ấy, cảm thấy một sức mạnh kỳ lạ trổi dậy trong người khiến cậu thốt lên: “Ta phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này”.

Chàng trai tìm đến xin thụ giáo một võ sĩ đạo lừng danh. Vị samurai ngắm nhìn chàng trai, trầm tư một hồi lâu rồi chấp thuận. 18 tuổi, chàng khiến những samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè. Chàng đã tự mình rèn thanh sắt thành thanh kiếm và ngày đêm mong ước tắm nó trong máu để biến nó thành báu kiếm. Lúc này người mẹ và người thầy của chàng đã khuất núi, chỉ còn lại cô con gái duy nhất của thầy.

Đêm đêm, cô gái buồn bã nhìn chàng ngồi bất động, trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn cười nữa, mắt lạnh như tuyết, thinh lặng ôm thanh kiếm.

Nàng hỏi: Phải chăng đối với anh thanh kiếm là tất cả? Nếu nó không được tắm mình trong máu để ngập trong khí thiêng thì anh sẽ mãi mãi buồn đau?

Chàng ngước mắt lên: Đối với anh, thanh kiếm là sự nghiệp, là cuộc sống, là tất cả… làm sao anh có thể coi mình là một võ sĩ đạo chân chính khi thanh kiếm của anh chưa từng no say trong máu? Mà sao thời buổi này yên bình đến thế, không một kẻ cướp, không một kẻ cuồng ngông nào thách đấu với anh?

Nàng mỉm cười đau đớn rồi xin chàng được xem thanh kiếm một lát thôi. Cầm thanh kiếm sắc lạnh, nàng nhìn chàng bằng ánh mắt buồn thăm thẳm rồi đột ngột đâm thẳng vào tim mình. Chàng trai hốt hoảng rú lên kinh hoàng, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm ngời sắc xanh rực rỡ, hào quang lóe lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được no mình trong máu!

Nhưng từ đó, chàng hoàn toàn cô độc, không một samurai nào thèm kết bạn với chàng. Một chiều đông nọ, chàng ôm kiếm đến bên mộ nàng, thì thầm: “Tha lỗi cho anh. Anh đã hiểu ra rồi…”. Chàng bình thản cắm sâu mũi kiếm vào bụng, rạch một đường mạnh mẽ và rút kiếm ra phủ phục bên cạnh mộ.

Sáng hôm sau, tuyết đã ôm trọn chàng và ngôi mộ. Nơi đó, một loài hoa lạ mọc lên, khoe sắc hồng thắm trên tuyết trắng, người ta đặt tên hoa là anh đào. Hoa anh đào có nhiều nơi trên đất Nhật, nhưng không đâu đẹp bằng hoa được ươm mầm và trổ bông ở vùng núi Phú Sĩ.

ĐNCT

Đọc thêm