Gia đình ông Châu Cài và gia đình bà Lý Cải (huyện Giồng Riềng – Kiên Giang) tranh chấp con mương và bờ mương chiều ngang 3m, chiều dài hơn 150m. Hai bên đều có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vụ việc được ấp hòa giải nhưng không thành, đến xã thì hòa giải thành.
Các bên đều thống nhất thời gian thực hiện chậm nhất là 03 tháng, kể từ ngày hòa giải thành - tháng 12/2015. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay đã gần 2 năm trôi qua, gia đình bà Cải vẫn không thực hiện cam kết, nhưng ấp, xã cũng chỉ biết động viên nhắc nhở mà không có biện pháp nào khác buộc bà Cải chấp hành.
Vừa qua, ấp B xã Định An (huyện Gò Quao – Kiên Giang) mới hòa giải thành một vụ tranh chấp chia di sản thừa kế trong gia đình anh Danh Dân. Theo gợi ý của tổ hòa giải, các anh, chị em của anh Dân đều đồng thuận chia mỗi người 03 công ruộng, kể cả số đất trước đây cha mẹ đã cho làm của hồi môn khi còn sống; vàng và tiền mặt sau khi trừ đi chi phí mai táng được chia đều.
Để thể chế hóa tinh thần cải cách tư pháp về việc khuyến khích giải quyết một số tranh chấp thông qua hòa giải, Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định, Tòa án có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, nhằm giảm số lượng vụ tranh chấp phải giải quyết tại Tòa án và nhanh chóng hàn gắn mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân.
Đây là điểm mới lần đầu được quy định trong BLTTDS 2015 đối với các vụ việc hòa giải thành xảy ra giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Theo đó, việc xem xét công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án do một thẩm phán giải quyết. Điều kiện để công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải.
Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận; nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Người yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án phải gửi đơn đến Tòa án trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chủ yếu sau: Các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, e và g khoản 2 Điều 362 của BLTTDS 2015; tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải; nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan.
Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của BLTTDS. Kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được Tòa án ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
Như vậy, trường hợp hòa giải thành giữa ông Cài và bà Cải theo Luật Đất đai, do UBND xã thực hiện và hòa giải thành tranh chấp chia di sản thừa kế trong gia đình anh Dân theo Luật Hòa giải ở cơ sở và Bộ luật Dân sự, do ấp thực hiện chỉ có hiệu lực pháp lý bắt buộc thực hiện nếu được Tòa án ra quyết định công nhận. Tuy nhiên, vụ việc của ông Cài và bà Cải thời hạn yêu cầu Tòa án công nhận đã hết, vì vậy để được Tòa án công nhận, UBND xã phải tiến hành hòa giải lại vụ việc./.