Hoa hậu đẹp trong mắt ai?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, trước những phát ngôn gây sốc của TS Văn học Đoàn Hương về các cô hoa hậu chỉ để sang chảnh và lấy tỷ phú…, nhiều người cho rằng quan điểm đó cực đoan và lỗi thời. Trên thực tế, phần lớn các hoa hậu bước ra từ các cuộc thi lớn đều đã không ngừng hoàn thiện bản thân, hướng tới những vẻ đẹp còn mãi của tri thức và lòng nhân ái…
 Hoa hậu H’Hen Niê : “ Tôi làm được, bạn cũng làm được”
Hoa hậu H’Hen Niê : “ Tôi làm được, bạn cũng làm được”

Khi các hoa hậu tự viết lên cuộc đời mình!

Nếu như trước đây, khi một người đẹp Việt chuẩn bị ra đấu trường nhan sắc quốc tế, điều mà công chúng quan tâm nhất thường là cô ấy có chiều cao, ngoại hình đạt chuẩn không, có nói được tiếng Anh không... Nhưng giờ đây, khi ra “biển lớn”, hành trang của các người đẹp không chỉ có nhan sắc mà còn là những dự án thể hiện tri thức và lòng nhân ái.

Trước tin Hoa hậu Khánh Vân được tổ chức Miss Universe dành nhiều tình cảm khi chia sẻ về dự án bảo vệ trẻ em, dư luận đã bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành cho người đẹp này. Khánh Vân hiện đang làm đại sứ cho dự án One Body Village - OBV (tổ chức giải cứu, nuôi dưỡng và hỗ trợ xây dựng tương lai cho những trẻ đã hoặc có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục).

Tại Việt Nam, từ năm 2016, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam ( HHVN) có thêm phần thi “Người đẹp nhân ái”. Đây được xem là dấu ấn đổi mới mạnh mẽ, phù hợp xu hướng thế giới, được sự ủng hộ của đông đảo công chúng. Giờ đây, những hoạt động thiết thực này là yêu cầu bắt buộc nếu người đẹp muốn giành được vinh quang trên đấu trường nhan sắc trong nước và thế giới.

Mới đây, Hoa hậu H’Hen Niê trở thành giai nhân đầu tiên trong show biz Việt được tặng riêng một tập thơ ca ngợi nhan sắc, có tên gọi “Khúc hát H’Hen Niê” của tác giả Lê Thành Văn. Sau 4 năm kể từ ngày H’Hen Niê đưa mái nhà tuổi nhỏ đơn sơ của mình ở buôn Sứt M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk bước ra thế giới, hình ảnh của Hoa hậu thân thiện này lại một lần nữa lấp lánh qua tập thơ này.

Đã từng có nhiều cô gái dân tộc thiểu số giành được vị trí cao ở các cuộc thi Hoa hậu như Trương Thị May hoặc Triệu Thị Hà. Thế nhưng, trường hợp H’Hen Niê đặc biệt hơn, vì cô bắt đầu từ lầm lũi và cam chịu. Nơi H’Hen Niê sinh ra và lớn lên vốn rất nghèo. Gia đình H’Hen Niê cũng quanh năm làm thuê làm mướn để có kế mưu sinh. Vì vậy, danh hiệu mà H’Hen Niê giành được đã khiến một vùng đất đỏ bazan rộn ràng niềm vui. Trong lịch sử các sân chơi nhan sắc ở nước ta, chưa có Hoa hậu nào đăng quang mà bố mẹ phải vay 1 triệu đồng làm lộ phí cho một chặng đường không xa lắm, từ Đắk Lắk xuống Nha Trang, để ủng hộ con gái mình, như chuyện có thật của H’Hen Niê. Điều đó khiến nhiều người rưng rưng xúc động và càng cảm phục bội phần, khi chính H’Hen Niê chia sẻ: “Nhà tôi không có tiền. Mỗi lần có người nào phải ra thành phố Ban Mê Thuột khám bệnh thì đều phải tạm ứng trước tiền công hái cà phê của bố tôi!”.

Tác giả Lê Thành Văn là một giáo viên dạy Văn ở Buôn Hồ, Đắk Lắk từng day dứt về những học sinh nữ Ê Đê thường bỏ học từ cuối bậc trung học cơ sở để đi lấy chồng. Trong khi đó H’Hen Niê dám khước từ hủ tục ấy năm 14 tuổi và giành được vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 25 tuổi.

Nếu H’Hen Niê chấp nhận số phận thì có lẽ giờ đây cô đã thành một phụ nữ Ê Đê sáng sáng đi tỉa ngô trên nương rẫy, chiều chiều ngồi ru con bên nhà sàn. Rời khỏi buôn Sứt M’đưng nhiều khốn khó, H’Hen Niê theo học một năm dự bị tại Nha Trang rồi thi vào Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TPHCM.

Là sinh viên dân tộc thiểu số, H’Hen Niê được miễn học phí, nhưng chi phí sinh hoạt tại đô thị cũng là vấn đề rất nan giải. H’Hen Niê đã đi làm thuê rất nhiều nghề khác nhau, từ lau dọn quán ăn cho đến giúp việc giữ trẻ. Những ngày làm osin cực nhọc vẫn không khiến H’Hen Niê nguôi ngoai mơ ước làm chủ cuộc đời mình. Không thể quẩn quanh trong u buồn và không thể đầu hàng nghịch cảnh, H’Hen Niê luôn tự dặn mình như vậy để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

H’Hen Niê đã từng bật khóc khi dừng chân ở top 8 cuộc thi “Người mẫu Việt Nam” nên cô rất hiểu điều ấy. Thế nhưng H’Hen Niê vẫn quyết tâm đi thi Hoa hậu, vì cô muốn vượt qua chính mình, vượt qua mặc cảm đeo bám về những ngày chật vật và gieo neo. Và quan trọng hơn H’Hen Niê muốn khơi dậy ý chí vươn cao, vươn xa cho những cô gái nghèo như cô, nhất là những cô gái Ê Đê luôn âm thầm và thụ động giữa nắng gió đại ngàn Tây Nguyên.

Và thế rồi H’Hen Nie sinh năm 1992 tại Đắk Lắk đã tự viết lên câu chuyện cuộc đời mình. Cô là người dân tộc thiểu số đầu tiên tại Việt Nam giành vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vào năm 2017, sau đó được đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tại Thái Lan vào năm 2018.

Ở màn giới thiệu bản thân trong vòng chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2018, H’Hen Niê đã gây ấn tượng mạnh với lời chia sẻ: “Tôi là một người dân tộc thiểu số, tôi đáng lẽ sẽ lấy chồng lúc 14 tuổi nhưng không, tôi chọn giáo dục. Từ con số 0, nay tôi đứng tại đây, tôi muốn nói tôi làm được và bạn cũng có thể làm được!”. Cô cũng ghi điểm với mái tóc ngắn cá tính, làn da nâu khỏe khoắn và thân hình hoàn hảo.

Kết thúc cuộc thi, H’Hen Nie lọt vào Top 5 cùng các đại diện Venezuela, Philippines, Puerto Rico, Nam Phi. Đây cũng là thành tích tốt nhất trong lịch sử của các nhan sắc Việt Nam tại đấu trường sắc đẹp danh giá nhất thế giới.

Và những giai nhân của tri thức

Là hoa hậu đầu tiên trong lịch sử của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, Bùi Bích Phương đăng quang vào năm 1988, ngay khi còn là sinh viên chuyên ngành tiếng Anh của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cô cũng từng xuất sắc nhận được học bổng của Hàn Quốc sau vài năm tốt nghiệp và lấy được bằng thạc sĩ tại một trong những ngôi trường danh giá nhất xứ kim chi - đại học quốc gia Seoul.

Hoa hậu Việt Nam năm 1990 từng được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam với danh hiệu “Hoa hậu Việt Nam biết nhiều thứ tiếng nhất”. Chị có thể sử dụng tốt 5 ngoại ngữ gồm Anh, Pháp, Nga, Ấn và Thái. Trong đó, tiếng Nga cũng từng là chuyên ngành khi chị còn là sinh viên đại học lúc đăng quang hoa hậu Việt Nam. Diệu Hoa cũng đã tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Học viện công nghệ châu Á ở Thái Lan.

Với hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy, cô được xem là một trong những người đẹp “chịu khó” săn học bổng nhất khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Mai Phương Thúy từng chia sẻ rằng, cô từng phải thức đêm rất nhiều để có thể tìm được cho mình những học bổng lớn. Người đẹp cũng từng thi đỗ vào đại học Ngoại thương Hà Nội với số điểm cao và nhận được học bổng toàn phần của Đại học RMIT. Từ khi chuyển vào TPHCM sinh sống, Mai Phương Thúy cũng chọn trường RMIT tại đây để thuận tiện cho việc học và công việc.

Không chỉ được ngưỡng mộ về trình độ học vấn, Hoa hậu thế giới người Việt 2007 còn được yêu mến bởi cách giao tiếp ứng xử rất tinh tế của mình. Thời tiểu học cô từng học ở Mỹ và được cựu tổng thống Bill Clinton tặng bằng khen. Sau đó, người đẹp đỗ tú tài ở Pháp, tốt nghiệp đại học ở Thụy Sĩ và hiện tại đã trở về Việt Nam lập gia đình, sinh sống cũng như làm việc tại đây.

Hoa hậu VN 2016 Đỗ Mỹ Linh: “Bạn là “hoa hậu” trong mắt ai mới là quan trọng”.

Hoa hậu VN 2016 Đỗ Mỹ Linh: “Bạn là “hoa hậu” trong mắt ai mới là quan trọng”.

Là hoa hậu duy nhất trong lịch sử Việt Nam có chuyên môn kiến thức hoàn chỉnh về lĩnh vực thiết kế thời trang, Ngọc Hân đăng quang năm 2010 khi cô đang là sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Với đề tài “Trang phục dạo phố Xuân Hè cho thiếu nữ dựa trên họa tiết gốm sứ thời Lý”, Ngọc Hân đã giành được số điểm rất cao trong buổi báo cáo tốt nghiệp và nhận được tấm bằng loại giỏi. Hiện tại, người đẹp tham gia cả công việc MC, người mẫu, đại sứ các dự án bên cạnh công việc của một nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp.

Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy sinh năm 1976 ở Hà Nội. Cô đăng quang Hoa hậu Việt Nam năm 1994 khi mới 18 tuổi. Người đẹp cũng giành giải “Ứng xử hay nhất” tại cuộc thi. Thu Thủy gây ấn tượng với khuôn mặt tròn, đôi mắt sắc. Sau khi đăng quang Thu Thủy đỗ Đại học Ngoại giao nhưng chỉ theo học một thời gian, sau đó, cô sang Mỹ theo đuổi ngành Quản trị kinh doanh.

Sinh thời, người đẹp không mặn mà với showbiz mà thích viết báo, viết văn và kinh doanh. Những năm gần đây cô quan tâm nhiều các dự án liên quan sức khỏe và thường xuyên chia sẻ các bài tập yoga, chạy. Thu Thủy từng chia sẻ, trong tương lai sẽ ra vài cuốn tiểu thuyết và làm phim.

Hoa hậu Việt Nam 1996 Thiên Nga cho biết: “ Dưới vẻ ngoài thanh thoát, liêu trai là người phụ nữ rất mạnh mẽ về trí lực và thể lực. Một Hoa hậu dám nghĩ, dám nói và dám làm, không ngừng hoàn thiện bản thân. Một người đẹp luôn làm người khác ngưỡng mộ vì thách thức mọi giới hạn, thách thức số phận và tạo dựng danh tiếng từ thực chất, tri thức, chứ không nhờ may mắn hay dựa dẫm đàn ông. Một Hoa hậu rất khác biệt, ăn nói sắc sảo với những thành tích và sức thuyết phục có một không hai..”…

Phụ nữ Việt không chỉ đẹp về hình thể mà còn đẹp về tâm hồn

Trước phát ngôn của tiến sĩ Đoàn Hương, một số hoa hậu đã lên tiếng đầy văn minh để bảo vệ danh hiệu cao quý mà bản thân đã dày công trau dồi mới có được. Hoa hậu Trái đất 2018 Nguyễn Phương Khánh đưa ra quan điểm: “Không có chuẩn mực để định nghĩa một phụ nữ đẹp” khi có ý kiến cho rằng “con gái không cần học nhiều, học tới đó là cũng được rồi”. Tri thức và giáo dục là những tiêu chí quan trọng, cần thiết để tạo nên vẻ đẹp của một người phụ nữ. Nhưng đó không phải là thước đo hay chuẩn mực để đánh giá phụ nữ đẹp.

Là HHVN 2016, (khi đăng quang, cô là SV ĐH Ngoại thương Hà Nội)- Đỗ Mỹ Linh chia sẻ: Đối với em, phụ nữ Việt Nam không chỉ đẹp về hình thể mà còn đẹp về tâm hồn: nhân hậu, chăm chỉ, giàu tình yêu thương và nhất là người phụ nữ hiện đại tự tin, không ngừng vươn lên hoàn thiện bản thân và biết yêu thương chính mình cũng như những người xung quanh. Đó cũng chính là vẻ đẹp mà cuộc thi HHVN luôn luôn hướng tới. Em nghĩ: không nhất thiết phải có chân dài, mặt V-line mới là hoa hậu. Bạn là “hoa hậu” trong mắt ai mới là quan trọng. Chỉ cần người phụ nữ luôn tự tin, đừng bỏ quên bản thân mình và luôn cố gắng hoàn thiện bản thân để đẹp hơn nữa, thì bạn sẽ luôn là hoa hậu trong lòng những người thân yêu của mình.

Đọc thêm