Những “bông” hậu bị đòi vương miện
Trước đó, ngay sau khi đăng quang năm 2008, Thùy Dung bị lộ việc chưa tốt nghiệp THPT. Thông tin này khiến khán giả rất ngỡ ngàng vì theo quy chế của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, thí sinh tối thiểu phải có bằng phổ thông.
Nhiều ý kiến phản đối việc người đại diện cho nhan sắc và tâm hồn phụ nữ Việt Nam lại gian dối trong quá trình làm hồ sơ, thiếu sót về kiến thức.
Thậm chí, còn có yêu cầu cho rằng Thùy Dung phải trả lại vương miện mới đúng quy chế. Suốt thời gian đó, hoa hậu vừa đăng quang hầu như không tiếp xúc với báo chí.
Tuy vậy, ở ta khi cái lý và cái tình còn khó minh bạch thì việc lấy lại vương miện chỉ dừng lại ở mức... “đe dọa”. Trên thế giới, hoa hậu nước Anh 2015 Zara Holland bị tước vương miện vì sống quá bản năng khi tham gia một chương trình truyền hình thực tế. Delaware, Hoa khôi tuổi teen Mỹ năm 2013 cũng bị tước danh hiệu vì lộ clip sex trên mạng.
Hoa hậu hoàn vũ Nhật Bản Hiroko Mima 2008 cũng bị mất vương miện về những bê bối liên quan đến sex. Marjorie Wallace, Hoa hậu thế giới 1973 cũng chỉ giữ vương miện hơn 3 tháng, sau khi bị phát hiện đời sống tình ái của cô quá lộn xộn.
Nhiều ý kiến cho rằng, ở nơi khác trên thế giới, văn hóa và đời sống cá nhân cởi mở hơn nền văn hóa Á đông, nhưng đã là hoa hậu đâu phải cứ muốn làm gì thì làm?
|
Sẽ siết chặt hơn những cam kết
Trở lại câu chuyện đang “hot” liên quan đến Kỳ Duyên, ca sĩ Hương Tràm cho rằng, hoa hậu này liên tiếp gặp sự cố vì vương miện trao tay quá sớm. Hương Tràm chia sẻ cô cũng từng gặp trường hợp tương tự, khi liên tiếp dính phải những scandal về lối sống và tư cách.
Sở dĩ, Kì Duyên bị “dậy sóng” bởi cô là “quốc hoa” nên người ta không chấp nhận được việc một hoa hậu thì có quyền để bố mẹ xách đồ, nâng váy hoặc lớn tiếng với bố mẹ ở phòng tập thể dục thẩm mỹ vì đã quên mang giày tập cho mình.
Cũng như không chấp nhận được việc một hoa hậu tham gia bán dưa trợ giúp đồng bào Quảng Nam chỉ để làm “màu”, đánh bóng tên tuổi. Và nữa, những lần cô đến muộn trong các sự kiện lớn với các lý do muôn thuở như thời tiết, tắc đường, dáng ngủ phản cảm trên máy bay.
Scandal mới nhất này cũng thế, cô như chứng minh cho mọi người thấy một điều là một hoa hậu “mãi không chịu lớn”. Dẫu, ngay sau khi đăng quang Kỳ Duyên đã nhận được những gạch đá không mấy thiện cảm về nhan sắc, nhưng ai cũng kì vọng, có thể nhan sắc ấy sẽ “chín” theo thời gian.
Thế nhưng, sau hai năm, không ai biết Kỳ Duyên học ra sao ngoài scandal và những bộ cánh hàng hiệu... Với những gì nhìn thấy, và những gì cô nói, tất thảy đều thất vọng vì chỉ nhận ra một sự nổi loạn, hoang mang của tuổi trẻ.
Ths. BS Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ: Chúng ta không khuyến khích phụ nữ hút thuốc, đó là văn hóa người Việt Nam, chứ không phải vấn đề luật pháp. Luật pháp không cấm ai cả, chỉ cấm ở nơi công cộng.
Điểm 11, 12 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định những địa điểm hút thuốc lá công cộng. Đó là các nhà hàng, địa điểm vui chơi công cộng, phương tiện giao thông công cộng... Hành vi hút thuốc không phải phạm luật nhưng hút ở những nơi công cộng là phạm luật, kể cả nữ.
“Người bình thường đi hai chân, nhưng là hoa hậu tôi nghĩ sẽ phải đi kiễng chân. Họ xinh đẹp, các hành vi của hoa hậu đều bị soi nên cứ như người đi kiễng chân, luôn luôn phải nhìn mình, nhìn trước, nhìn sau.
Tôi nghĩ là hoa hậu, được hưởng quà tặng là xã hội công nhận mà không phải cô gái nào cũng có thể muốn và có được, mặt khác phải sống khuôn mẫu và không nên có hành vi gây hiểu lầm”, bà Phạm Thị Hoàng Anh nhấn mạnh.
|
…Và kẻ giấu mặt xấu xí
Ở góc độ khác, ca sĩ Pha Lê cũng chia sẻ khá dài trên trang cá nhân về câu chuyện này. Ca sĩ này cho rằng, không bao giờ có quyền dám nói tôi làm gì mặc kệ tôi, vì nghệ sĩ là hình ảnh liên quan trực tiếp tới công chúng, thế nên mới cần có cả ekip “xây dựng hình ảnh” tốn biết bao tiền của và công sức.
Theo Pha Lê, đánh giá là quyền của thiên hạ. Nhưng nói thế không có nghĩa là bất cần mà là nhắc mình để ý và cẩn thận hơn khi ra chốn đông người.
Đây cũng là vấn đề được nhà báo Phạm Trung Tuyến (Phó Giám đốc VOV Giao thông) chia sẻ trên trang cá nhân: “Người đẹp thường hư” là thường làm “hư” cái ánh mắt người khác, làm xốn mắt người nhìn. Dưới ánh mắt xốn xang của người đời, người đẹp nào chẳng có lúc hớ hênh.
Và sự hớ hênh của bất cứ người đẹp nào, ở bất cứ đâu, cũng sẽ lộ ra một thứ giống nhau. Không phải thứ mà có thể bạn đang nghĩ.
Cái thứ rất tệ luôn lộ ra khi người đẹp hớ hênh là những khuôn mặt của đàn ông xấu xí. Bạn hãy điểm kỹ lại mà xem, scandal nào của các người đẹp cũng khiến một đôi người đàn ông trở nên nổi tiếng.
Thậm chí, chỉ cần cô bé Kỳ Duyên châm thuốc hút mà thôi, trong làn khói mỏng ấy người ta cũng có thể nhìn thấy một khuôn mặt đàn ông vô cùng đáng tởm. Tởm đến mức, anh ta còn cho rằng một quý ông văn minh thì cần phải ti tiện.
Đó là gã đàn ông đã lén lút ghi hình cô hoa hậu hút thuốc rồi phát tán trên mạng. Sau khi đạt được mục đích khiến thiên hạ lao vào ném đá cô gái, anh ta lên báo nói về hành động bảo vệ sự văn minh.
Một kẻ tự nhận là người bảo vệ các giá trị văn minh nhưng thay vì lên tiếng bày tỏ sự bất bình trực tiếp với hành vi hút thuốc của cô gái, ngăn cản cô gái làm ảnh hưởng tới những người xung quanh, thì anh ta im lặng, lén lút ghi trộm hình ảnh của người ta.
Sự ti tiện, hạ lưu của gã đàn ông này, có lẽ sẽ chẳng bao giờ có điều kiện lộ ra. Có lẽ, với khả năng trâng tráo bảo vệ những giá trị đạo đức như đã nói, gã đàn ông này sẽ đóng vai một quý ông hoàn hảo.
Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận sự việc, dư luận vây quanh phần lớn không biện minh cho hoa hậu Kỳ Duyên bởi rõ ràng trong một cuộc thi mang tầm quốc gia, cô đã trở thành đại diện nhan sắc cho quốc gia ấy.
Ít nhất là trong một thời điểm nhất định. Nói cách khác, chúng ta không chỉ có một tòa án thực thi luật pháp. Mà còn biết bao “tòa án” khác, với những phiên xử cay nghiệt hơn để tìm ra một mẫu hình tương đối hoàn hảo trong cuộc sống.
Và Kỳ Duyên cũng vậy, cô được chọn làm hoa hậu khi còn quá trẻ thì cô càng phải chứng minh việc người ta đã trao vương miện để cô làm một đại diện nhan sắc, là hoàn toàn xứng đáng.