Từ câu chuyện của Hoa hậu Đỗ Thị Hà, có thể thấy được hai chiều quan điểm đang tồn tại hiện nay. Một bộ phận không nhỏ cho rằng, cách nói “văng mạng” của một cô gái trẻ như thế là khó chấp nhận, phản ánh lối sống có phần thiếu chuẩn mực. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng ăn nói như thế là “chất”, “sống thật” và “chuyện rất bình thường hiện nay”.
Câu chuyện “nói tục, chửi bậy có nên hay không” đang là một vấn đề cần bàn đến trong ngôn ngữ của người trẻ hiện nay. Trên mạng xã hội, đặc biệt là trên các hội, nhóm, chửi thề gần như đã trở thành một thói quen của không ít người trẻ. Dày đặc trong những bài viết, câu bình luận là những từ lóng, tiếng chửi được viết rõ hoặc viết tắt. Không chỉ thế, chuyện nói lái thô tục cũng trở thành “chuyện thường”.
Nhưng, liệu “chuyện thường thấy” có đồng nghĩa với “điều đúng đắn”?. Nhiều chuyên gia tâm lý, nhà văn hóa, xã hội học đã nhiều lần bày tỏ sự e ngại về nguy cơ mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, khi mà tiếng chửi thề vang lên quá nhiều trên đầu môi người trẻ như một trào lưu. Đáng ngại hơn, chửi thề, nói tục còn được tung hô, được coi là một trong những cách mà giới trẻ dùng để thể hiện cá tính.
Trong câu chuyện về tân Hoa hậu Đỗ Thị Hà, một cô gái còn rất trẻ, chỉ mới bước chân khỏi ghế nhà trường. Việc trò chuyện với bạn bè trên mạng chen vào những tiếng nói không chuẩn mực có thể hiểu được ở lứa tuổi ấy. Nhưng, với cương vị một hoa hậu, cho dù đây là phát ngôn trước khi đăng quang, thì chuyện cô gái này bị lên án là điều hiển nhiên. Bởi, Đỗ Thị Hà là tân Hoa hậu, là người đại diện cho vẻ đẹp Việt.
Có những phát ngôn ấy, rõ ràng là thiếu chuẩn mực trong lời ăn, tiếng nói. Sự phê phán là cần thiết để Hoa hậu nhìn nhận, sửa chữa và trưởng thành. Như cách cô gái trẻ chia sẻ sau sự cố: "Tôi là cô gái vô tư nên có hình ảnh, câu nói vui đùa và có thể khiến mọi người nghĩ không hay và sẽ nghĩ tôi không phải cô gái thuộc gu của nhiều người. Nhưng từ khi trở thành tân Hoa hậu, tôi sẽ cố gắng thay đổi, trở thành Hoa hậu của mọi người. Đối với tôi đây là vương miện danh giá, tự nhủ phải cố gắng, trau dồi để xứng đáng với danh hiệu".
Quan trọng hơn, nếu cái sai lệch mà không bị phê phán, chỉnh sửa thì lâu dài, sai cũng thành đúng. Điều này mới nguy hại hơn hết cho cả một thế hệ, chứ không chỉ một người.