Hoa hậu “yêu rừng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vào một ngày đẹp trời, khu rừng tọa lạc tại vị trí cao 1.300m so với mực nước biển, nằm giáp biên giới Việt – Lào, nơi đang bảo tồn một số lượng lớn cây Pơ mu, Sa mu dầu quý hiếm đã đón bước chân của cô Hoa hậu yêu rừng H’Hen Niê…
Hoa hậu “yêu rừng”

Tiếp thêm sức mạnh từ đại ngàn

H’Hen Niê sinh năm 1992 tại buôn Sứt M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk trong một gia đình nông dân nghèo trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Giống như các bé gái Ê Đê khác, cô cũng phải làm những công việc nương rẫy nặng nhọc cùng cha mẹ. Tuổi thơ của bé H’Hen Niê gắn bó với hình ảnh cây cà phê, với những nhức nhối về quá khứ gian khó.

Cô vẫn mường tượng lại những ngày hè cùng bố mẹ đổ đất vào túi nilon rồi ủ giống, hay vô số lần cùng ba và anh trai đi trồng cà phê vào mùa mưa, đường đất trơn trượt, khắp người toàn bùn đất, những ngày Tết đi mót cà phê về giã để bán 3.000-4.000 đồng/kg. Thương ba mẹ vất vả, một mình cô gái nhỏ đen nhẻm không ngại ngần gánh trên vai 50kg cà phê nặng trĩu để rồi trượt ngã, đổ gánh xước xát trên người những vết thương…

Trên chặng đường đời sau này cũng như chặng đường từ một cô gái Ê Đê bỡ ngỡ trở thành người dân tộc thiểu số đầu tiên tại Việt Nam giành vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, rồi đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 diễn ra tại Thái Lan và xuất sắc lọt vào Top 5 chung cuộc, ký ức và sức mạnh từ những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên như tiếp thêm cho cô sức mạnh.

Cũng chính vì lý do đó mà khi Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia (Gaia) ngỏ lời mời H’Hen Niê trở thành “Đại sứ trồng rừng” cho hành trình Tiếng gọi ngàn năm – một trong những hoạt động nhằm lan tỏa mục tiêu chương trình trồng 1 tỷ cây của Chính phủ, góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP 26 (Hội nghị Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu) tổ chức tại Vương quốc Anh vào tháng 10/2021 vừa qua, cô đã lập tức đồng ý và thu xếp công việc bận rộn của mình để có những chuyến đi về với mẹ thiên nhiên, về với rừng.

Hoa hậu H’Hen Niê gùi cây trồng rừng.

Hoa hậu H’Hen Niê gùi cây trồng rừng.

Khu vực trồng rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên trước đây vốn là đất ở và nương rẫy của người dân địa phương. Khi Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được thành lập, người dân di cư ra ngoài, để lại những vùng đất cần phục hồi thành rừng. Hơn 40 loài cây được trồng làm giàu hơn cho 17ha rừng, gồm các loài cây gỗ đa mục đích, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương, sến mật, chò chỉ…

Hoạt động này đã giúp phủ xanh hơn 17ha rừng đặc dụng đầu nguồn nghèo kiệt thuộc tỉnh Thanh Hóa, cải thiện chức năng sinh thái rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nơi sinh sống cho các loài quý hiếm. Đặc biệt, hoạt động trồng rừng còn hướng tới mục tiêu tạo ra bộ sưu tập cây gỗ lớn nhất Việt Nam trong tương lai.

Kỳ trại Du xuân trồng rừng và hoạt động trồng rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tại tỉnh Thanh Hóa là một số trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Ngày Thế giới trồng cây 2022” của Gaia nhằm khôi phục các khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam. Trong hành trình hai ngày một đêm tham gia kỳ trại Du xuân trồng rừng, Hoa hậu Hoàn vũ H'Hen Niê cùng các bạn trẻ từ khắp mọi miền Tổ quốc không chỉ được trải nghiệm trồng rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên huyện Thường Xuân và Vườn Quốc gia Bến En tại Thanh Hóa, mà còn được khám phá thiên nhiên tươi đẹp của mùa xuân vùng Bắc Trung bộ, thấu hiểu tầm quan trọng của việc trồng rừng.

Hoa hậu H’Hen Niê hào hứng chia sẻ: “H’Hen Niê nhận thấy việc trồng rừng này cần nhận được sự chung tay của tất cả mọi người. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể phục hồi các vùng đất trống trọc như tại Xuân Liên, Bến En vì lợi ích của chính con người chúng ta. H’Hen Niê mong các bạn sẽ cùng chung tay với Hen trồng rừng Xuân Liên - Bến En và các khu rừng khắp Việt Nam”.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia cũng cho biết: “Sự tham gia của Hoa hậu H’Hen Niê là nguồn cổ vũ to lớn đối với Gaia và cả những cá nhân, doanh nghiệp đã, đang sẽ tham gia vào công cuộc trồng rừng. H’Hen Niê, với tình yêu thiên nhiên và hiểu biết sâu sắc về rừng chính là tấm gương về việc cùng nhau nỗ lực hành động bảo vệ rừng”.

Hoa hậu H'Hen Niê tham gia trồng gần 17.000 cây gỗ lớn bản địa tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên.

Hoa hậu H'Hen Niê tham gia trồng gần 17.000 cây gỗ lớn bản địa tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên.

“Trồng rừng là một hạnh phúc mà chúng ta cần cùng nhau xây dựng”

Ngày 14/4 vừa qua, nhân Ngày Trái Đất 2022, H’Hen Niê đã có chuyến quay lại rừng Xuân Liên, Bến En mà cô đã tham gia trồng vào 20 ngày trước. Những người có mặt trong chuyến đi đều chứng kiến cô Hoa hậu H’Hen Niê đã hăng hái tham gia vào mọi hoạt động giám sát rừng cùng Gaia tại các khu rừng này, từ việc đo chiều cao, đường kính gốc cây; chụp ảnh, định vị cây giám sát bằng GPS...

Cũng trong chuyến đi này, H’Hen Niê đã tham gia hành trình trải nghiệm thiên nhiên kỳ thú mang tên “Tiếng gọi ngàn năm”. Đây là lần đầu Hoa hậu H’Hen Niê có dịp đến thăm “cụ cây” Pơ mu 1.500 tuổi, khám phá một trong những rừng cây di sản đặc biệt tại Việt Nam thuộc bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Tọa lạc tại vị trí cao 1.300m so với mực nước biển, nằm giáp biên giới Việt – Lào, khu rừng H’Hen Niê ghé thăm đang bảo tồn một số lượng lớn cây Pơ mu, Sa mu dầu với đường kính khổng lồ từ 3 đến gần 4m, chiều cao lên đến 45m. Trải qua gần 4 giờ đồng hồ đi bộ dưới những tán rừng xanh mát, băng qua những con suối trong vắt đầy thơ mộng, thử sức vượt qua cung đường mòn hiểm trở nhưng ngập tràn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt mỹ - H’Hen Niê và đội ngũ cán bộ Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã đến với khu vực các “cụ” Pơ mu, Sa mu ngàn năm tuổi.

Hoa hậu H’Hen Niê bên “cụ cây” Pơ mu.

Hoa hậu H’Hen Niê bên “cụ cây” Pơ mu.

“Được tận mắt chứng kiến, ôm ấp những cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi là hạnh phúc của Hen, của chúng ta. Trồng rừng là một hạnh phúc mà chúng ta cần cùng nhau xây dựng. Chẳng phải trách nhiệm bất kỳ cá nhân nào, tổ chức nào. Trồng rừng là trách nhiệm là của tất cả chúng ta! Hãy luôn nghĩ tới những ngày phía trước. H’Hen Niê hạnh phúc khi có cơ hội được thăm rừng sâu và hiểu trách nhiệm của bản thân nhiều hơn. Hy vọng tiếp tục được có cơ hội được đi đến, ghé thăm nhiều khu rừng tuyệt vời để hiểu sâu sắc hơn tầm quan trọng của rừng với khí hậu và cuộc sống của nhân loại trên khắp hành tinh. Cảm ơn vì tất cả, cảm ơn những con người đã yêu rừng, bảo vệ rừng thân yêu!” – Hoa hậu H’Hen Niê bày tỏ.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền cũng cho biết: “Mỗi khu rừng Xuân Liên, Bến En đều có những “cụ” cây cổ thụ hàng ngàn năm tuổi. Trong suốt chiều dài ngàn năm ấy, hẳn các “cụ” đã chứng kiến biết bao đổi thay ở khu rừng. Có “cụ” trở nên cô đơn, lạc lõng, bởi chỉ còn lại một mình, như “cụ” lim ngàn năm tại Bến En. Có nhiều “cụ” may mắn còn có cả một cộng đồng, ở một nơi biệt lập với con người, như “thần mộc” rừng Xuân Liên trong khu rừng di sản cây hạt trần. Có thể nói, hành trình đến 2 cây di sản Việt Nam gồm Pơ mu 1.500 tuổi và Sa mu dầu 1.200 tuổi tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên này giúp H’Hen Niê kết nối mạnh mẽ hơn với rừng, thấu hiểu tầm quan trọng của trồng rừng, từ đó lan tỏa thông điệp bảo vệ rừng đến công chúng”.

Với bản thân H’Hen Niê, cô tin tưởng với tình yêu vốn tha thiết dành cho đại ngàn luôn sẵn trong mình cùng những hành trình trải nghiệm thiên nhiên kỳ thú vừa qua chính là cách thức tuyệt vời để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường, gìn giữ Trái Đất – mái nhà chung của muôn loài.

Không có phương pháp giáo dục môi trường nào tốt hơn khi mỗi cá nhân được thực sự chạm tay vào thiên nhiên. Không có lời kêu gọi bảo vệ rừng nào sâu sắc hơn khi mỗi cá nhân được tự tay vun trồng những cây xanh và nhìn thấy thành quả tuyệt vời cho những đóng góp tưởng chừng như nhỏ bé của chính mình.

Trong khuôn khổ chương trình Góp 1 cây là góp rừng (là sáng kiến của Gaia nhằm kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng chung tay đóng góp, cùng trồng rừng đầu nguồn tại Việt Nam) đến nay, Gaia đã tổ chức được 6 đợt trồng rừng tại Bến En và 5 đợt trồng rừng tại Xuân Liên. Chương trình ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các doanh nghiệp, cá nhân. Hiện nay, Gaia đang đẩy mạnh trồng rừng đầu nguồn tại nhiều Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam như: Vườn Quốc gia Bạch Mã, Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên… Trước thực trạng chất lượng biến đổi khí hậu nặng nề, chất lượng và diện tích rừng đang suy giảm, trồng rừng là giải pháp thực tiễn, hiệu quả nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện chức năng sinh thái rừng và tạo môi trường sống cho các loài hoang dã. Việc trồng rừng cũng giúp Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050.

Đọc thêm