Hoa quả, thực phẩm “nhảy” giá dịp Rằm tháng Giêng

(PLVN) - Chưa hết “hạ nhiệt” sau Tết Nguyên đán, thị trường thực phẩm, hoa quả tươi tiếp tục tăng giá cận ngày “Rằm tháng Giêng”, nhất là trong bối cảnh dịch cúm Corona đang có diễn biến phức tạp.
Giá hoa tuy có giảm so với ngày Tết nhưng vẫn đắt gấp 2-3 lần so với ngày thường
Giá hoa tuy có giảm so với ngày Tết nhưng vẫn đắt gấp 2-3 lần so với ngày thường

Với quan niệm “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”, vì vậy, từ vài ngày nay không ít gia đình đã sắm sửa đồ để làm lễ cúng rằm. Ghi nhận thị trường hàng hóa, đồ cúng tại các chợ truyền thống Hà Nội đang rất sôi động, hầu hết các mặt hàng từ hoa tươi, hoa quả, thực phẩm đều tăng giá.

Theo khảo sát các chợ truyền thống tại Hà Nội sáng 6/2 (tức ngày 13/1 âm lịch), rất nhiều bà nội trợ đã sắm sửa thực phẩm, đồ cúng cho ngày Rằm tháng Giêng. Tại chợ Bưởi không khí mua bán diễn ra khá sôi động dù giá các loại hoa, quả tươi, thực phẩm đều không hề rẻ.

Cụ thể, các loại hoa như hoa hồng nhung có giá 8.000 đồng/bông, hoa hồng trắng 10.000 đồng/bông, hoa cúc có giá 6.000 đồng/bông, hoa ly cành 3-4 tai có giá 35.000 đồng/cành… Mức giá này so với ngày Tết có giảm nhưng vẫn đắt gấp 2-3 lần so với ngày thường. 

Đang chọn bó hồng trắng, chị Thảo (sống ở Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) cho biết, trước Tết giá chục bông hồng này có giá khoảng hơn 200.000 đồng nhưng hôm nay chị mua với giá 80.000 đồng. Dù đắt hơn so với ngày thường nhưng chị Thảo cho rằng giá này so với Tết là rẻ nhiều rồi…

Với các mặt hàng rau, củ quả… theo các tiểu thương hiện giá vẫn đang ở mức cao, từ sau Tết 2 tuần giá vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm. Hiện rau muống có giá từ 10.000-15.000 đồng/mớ, cải cúc 10.000 đồng/mớ, cải bắp 10.000 đồng/kg, ngải cứu  4.000 đồng/mớ, rau cần 15.000 đồng/bó, cà chua 60.000 đồng/kg… Ngay cả các loại rau thơm, xà lách giá cũng được “đội” lên gấp 2-3 lần so với trước Tết.

Lý giải nguyên nhân giá rau mãi không giảm, theo các tiểu thương, do thời tiết mưa lạnh kéo dài cộng thêm mưa đá trong Tết khiến hoa màu bị hư hại, nên nguồn cung chưa nhiều. Thậm chí, theo các tiểu thương này, giá các loại rau xanh còn có thể tăng cao hết tháng giêng, nếu thời tiết cứ tiếp tục mưa và lạnh như thế này.

Cùng đó, giá các loại hoa quả cũng đều tăng, như xoài xanh có giá 65.000 đồng/kg,  cam canh có giá 70.000 đồng/kg, táo ngọt có giá 35.000 đồng/kg, quả thanh long có giá 35.000 đồng/kg… Đáng nói nhất là chuối xanh, tuy nhiên trái với các loại quả khác, chuối xanh là loại quả được “hét” giá ngày giáp Tết thì giờ lại giảm giá mạnh.

Những nải chuối tiêu, chuối xanh đẹp có giá 25.000-30.000 đồng/nải (trong khi đó, trước Tết một nải chuối có 21 quả đẹp có giá hơn 400.000 đồng/nải – theo chị Hoa (người Phú Thọ), tiểu thương bán chuối xanh tại chợ Bưởi cho hay).

Bên cạnh đó, giá thực phẩm tươi sống như thịt gà, hải sản có chiều hướng giảm. Gà trống làm lễ có giá từ 125.000-130.000 đồng/kg, vịt có giá 60.000-65.000 đồng/kg, thịt bò 300.000 đồng/kg, cá chép 70.000-75.000 đồng/kg…

Nhìn chung giá các mặt hàng này đã giảm khoảng 5% so với những ngày trước. Riêng thịt lợn, thịt ba chỉ hiện có giá 150.000 đồng/kg, xương sườn 135.000 đồng/kg, xương cục 80.000 đồng/kg… giảm từ 1.000-5.000 đồng/kg tùy từng loại thịt. Đồ chay như các loại nem, giò, chả, tôm chay… giá bán dao động từ 25.000 – 300.000 đồng/kg.

Ngoài ra, trong ngày Rằm tháng Giêng, đồ cúng thả phóng sinh cũng được bán khá nhiều tại các chợ, trong đó nhiều nhất là ốc, lươn, trạch. Giá lươn, trạch khoảng 75.000- 125.000 đồng/kg, ốc từ 20.000-30.000 đồng/kg. 

Trái với không khí sôi động ngoài chợ, tại các siêu thị như Vinmart, Hapro…, lượng người đến mua sắm trong buổi sáng 6/2 khá vắng vẻ. Giá nhiều mặt hàng khá cao cộng với dịch cúm Corona cũng tác động không nhỏ đến lượng người mua sắm tại các siêu thị. 

Đọc thêm