Họa sĩ Lê Minh Đức và cách chạm đến hiện thực

(PLVN) - Sinh năm 1981, tốt nghiệp trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam năm 2005, Lê Minh Đức thuộc về thế hệ họa sĩ trẻ Việt Nam. Đối với anh, vẽ là một phần không thể tách rời của cuộc sống. 
Một số tác phẩm của hoạ sỹ Lê Minh Đức

Anh thích vẽ phong cảnh nhà cửa, phố phường, đặc biệt là những hẻm phố của Hà Nội. Hà Nội trong tranh Lê Minh Đức không u buồn, hoài niệm như trong tranh Bùi Xuân Phái, không rực rỡ choáng ngợp màu sắc như tranh Lê Thanh Sơn hay Phạm Luận. Mà đó là Hà Nội của những góc nhìn mới mẻ, hiện thực, dường như đầy táo bạo và thách thức.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều trong giới nghệ sĩ cũng như các nhà phê bình mỹ thuật, là sự phản ánh hiện thực trong một tác phẩm nghệ thuật. Trước kia, Plato và học trò của ông là Aristotle quan niệm “nghệ thuật là sự mô phỏng” và sau đó quan niệm này đã trở nên lỗi thời với sự phát minh ra máy ảnh, bởi hơn bất cứ phương tiện nào khác, chiếc máy ảnh có thể mô phỏng hiện thực y như nó được nhìn ngoài đời. Vậy người họa sĩ, anh ta ứng xử ra sao với hiện thực trước một tấm toan trắng? 

Họa sĩ Lê Minh Đức chia sẻ một cách thẳng thắn: “Hiện thực chia ra nhiều nhánh và mỗi người sẽ có một cách để chạm đến nó, tùy vào cách đặt vấn đề của anh ta”.

Nghĩa là với anh, dù mô tả cái gì, theo lối nào thì cũng là cách người họa sĩ chạm đến hiện thực – cái hiện thực đã bị chia rẽ bởi những con mắt, những điểm nhìn khác nhau. Ngay cả khi vẽ một bức tranh trừu tượng phi biểu hình, thì ở đó cũng vẫn hiện tồn một hiện thực, được nhìn theo con mắt khác. Bởi bức tranh không thể vu vơ mà có, nó buộc phải xuất phát từ một điều gì đấy, mà điều gì đấy không thể đi chệch ra khỏi cái hiện thực rộng lớn mênh mông trong thế giới bất tận của chúng ta.

Ngay cả một tác phẩm âm nhạc, không hình không màu không mùi vị, chỉ thánh thót cất lên như thể từ không trung xa xăm kia vọng lại, cũng vẫn phải bám vào một “nhánh” hiện thực, chứ không phải là một thứ viển vông đâu đâu không liên can gì đến cuộc sống. Âm nhạc trở thành thứ nghệ thuật trừu tượng nhất là vì vậy, nhưng nó lại là thứ bám rễ vào đời sống chắc chắn nhất. Chính nó, 12 nốt nhạc được lặp đi lặp lại, mô phỏng mọi thứ thanh âm của chúng ta, kể cả cảm xúc. Chính nó, gần gũi hơn với những rung động trong hồn người – thứ mà cũng run rẩy mơ hồ hơn bất cứ gì khác.

Bởi vậy mà tranh chân dung của Lê Minh Đức không cần ra sức trả lời cho câu hỏi vẽ sao cho giống mẫu. Tranh anh là cách đặt vấn đề của riêng anh về những con người. Họ mặt mũi ra sao, mặc áo màu gì, không còn quan trọng nữa. Gần như những thứ ấy đều bị họa sĩ gạt bỏ sang một bên, để chỉ còn thứ duy nhất mà nó nên đọng lại: cái tinh thần.

Sự mềm mại và mơ màng của hiện thực đã bị triệt tiêu đến mức chỉ còn trơ lại hồn cốt của nó, khiến nhiều bức tranh gần như chỉ còn sót lại một nét cảm xúc, một nét tính cách, nhưng nó lại đại diện rõ ràng và minh bạch nhất cho con người đó, nhân cách đó. Hóa ra, sự sơ lược đến mức biến dạng ấy lại trở thành hiện thực đủ đầy nhất. Hóa ra, Lê Minh Đức chọn cho mình cách nói gọn gàng nhưng trung thực và trí tuệ nhất, về cái hiện thực mà anh đang phản ánh.

Giống như âm nhạc, chỉ với 12 nốt trong quãng 8, người nhạc sĩ có thể biến tấu thành ngàn vạn bản nhạc khác nhau. Nhưng mỗi bản nhạc không phải là sự lặp lại nhàm chán, mà lại là một cách tiếp cận mới, một xâu chuỗi mới, một trật tự mới. Với hội họa cũng vậy, người họa sĩ chọn một trật tự mới cho những mảng màu, nét bút của mình. Sự tạo lập ấy vừa có tính toán vừa có sự ngẫu hứng. Dù sự ngẫu hứng có phiêu linh đến mức nào thì cũng không thoát ra khỏi những nguyên tắc ngầm của hội họa, bởi không thể có sự nguệch ngoạc thuần túy vô thức nào có giá trị.

Những nguyên tắc của hội họa, ít nhất là nguyên tắc thẩm mĩ, hay có thể nói một cách đơn giản sơ khai như Cynthia Freeland nói về sự “đúng lẽ”, buộc phải có và chính nó điều khiển những yếu tố còn lại, tất cả hợp lại thành một logic, cái mà họa sĩ Lê Minh Đức gọi là cách đặt vấn đề. Vậy nên, không phải hiện thực nào trong bức tranh cũng làm nên tác phẩm hội họa. Quan trọng là tính “đúng lẽ” của nó, giữa vô vàn cách chạm đến hiện thực.

Hội họa Lê Minh Đức là sự giải quyết triệt để vấn đề này. Cái mà anh phản ánh đã không còn giữ nguyên hình dạng như chúng ta vẫn thị giác nữa, mà là điều chúng ta cảm giác về nó. Nó đã được nhìn bằng lăng kính khác, bằng con-mắt-bên-trong. Thoạt tiên chỉ thấy những phong cảnh, những chân dung bị xô dạt bởi màu sắc và nét cọ chắc khỏe, nhưng rồi, sau cái nhìn thoảng qua ấy, hoặc ngay trong nó, trong cái nhìn thoảng qua ấy, đã ẩn chứa một sự day dứt khôn nguôi về nhân sinh.

Có thể nói, tranh của Lê Minh Đức hiện sinh đến mức ám ảnh. Người ta có cảm giác như nhìn xuyên thấu được nhân vật. Hội họa của Lê Minh Đức đã lột tả con người trong hình dạng (tinh thần) trần trụi hoang sơ nhất và rồi đẩy sự trần trụi hoang sơ ấy thành một giá trị.

Đấy cũng chính là cách đặt vấn đề của người họa sĩ, cách mà Lê Minh Đức chạm đến hiện thực, cách mà bằng vô thức và cả ý thức, người họa sĩ vô hình trung đã quan niệm về sự “đúng lẽ” của nghệ thuật.

Đọc thêm