Họa sĩ Lê Trí Dũng: Nhớ thuở chiến trường

Họa sĩ Lê Trí Dũng, người có những năm tháng cầm súng trong chiến trường Quảng Trị đang dốc tâm sức, cùng các đồng nghiệp hoàn thiện những bức tranh khổ lớn để triển lãm vào tháng 5 tới...

Họa sĩ Lê Trí Dũng
Họa sĩ Lê Trí Dũng

Họa sĩ Lê Trí Dũng, người có những năm tháng cầm súng trong chiến trường Quảng Trị đang dốc tâm sức, cùng các đồng nghiệp hoàn thiện những bức tranh khổ lớn để triển lãm vào tháng 5 tới. Tranh không chỉ có những hình ảnh ác liệt tại con đường Trường Sơn huyền thoại, tại Quảng Trị… mà còn miêu tả Thủ đô những năm 1972 ngút trời đạn bom để rồi trong 12 ngày đêm đó, Hà Nội đã làm nên trận “Điện Biên phủ trên không” oanh liệt.

 
Thưa họa sĩ, đất nước ta đang có những hoạt động kỷ niệm 35 năm thống nhất đất nước. Tâm trạng của một người lính trong ông thế nào?

 Trong tôi đầy những kỷ niệm, những hình bóng bè bạn và đồng đội. Tôi vẫn đang vẽ và viết cho thỏa đam mê, nỗi nhớ và tình yêu với hội họa. Tôi đã có nhiều năm tháng rong ruổi trên đường hành quân, đi cheo leo giữa cái sống và cái chết nơi cổ thành Quảng Trị, qua những đợt B52 rải thảm mà mảnh bom bay sàn sạt quanh mình. Ra khỏi cuộc chiến khốc liệt, quay trở lại với giá vẽ, tôi hiểu cái giá phải trả để có được ngày chiến thắng. Trong niềm vui hôm nay, có những đau thương và mất mát của ngày xưa.
 Được biết, ông có ba lần vào Quảng Trị?
 Với thiên nhiên hiểm yếu, khí hậu khô cằn, khốc liệt, Quảng Trị trở thành “ác địa”. Tôi có ba lần qua mảnh đất này.
Lần thứ nhất là vào năm 1969, khi tôi đang là sinh viên Mỹ thuật năm thứ 2, được lệnh vào vẽ ở vùng Tuyến lửa Vĩnh Linh. Sáu anh em chúng tôi, sáu chiếc xe đạp cà tàng, ba lô, cặp vẽ và vài loong gạo đạp thẳng vào Vĩnh Linh dưới nắng lửa và bom Mỹ. Ngày đầu đạp được gần 100 km, ngày cuối được 30 km. Mông thì cháy đỏ. Lần thứ hai, khi tôi đã là một chiến sĩ, vào làm phóng viên chiến trường. Mặt trận khi ấy vừa im tiếng súng thành cổ Quảng Trị. Do đặc thù của công việc, tôi được đi khắp Quảng Trị.
 Ở Lâu nhất là thôn Phó Hội, Triệu Vân, Triệu Phong. Nơi đây diễn ra trận chiến bằng xe tăng lịch sử. Trong chiến tranh tôi vẽ khá nhiều ký họa, cũng là những kỷ niệm không thể nào quên. Có những bức vẽ xong, vài ngày sau trở lại, đồng đội của mình đã hy sinh. Quả thật những bức ký họa đã nhắc nhở tôi rất nhiều trong cuộc sống hôm nay. Lần thứ ba, khi tôi đã là một gã trung niên, rời bỏ chốn thị thành để trở về thăm chiến trường xưa. Lần thứ ba là lần bùi ngùi trong niềm thương tiếc, nỗi xúc cảm và cả nỗi niềm biết ơn với các đồng đội đã hy sinh.
 Và ngay cả ở thời bình, ông cũng đã vẽ rất nhiều về hình ảnh người lính?
 Khi cầm cây vẽ, tôi luôn hướng tới đề tài về người lính, về chiến tranh cách mạng. Đó là đề tài đã được tôi theo đuổi từ khi còn trong quân ngũ. Mấy chục năm trong nghề, tôi không nhớ đã vẽ được bao nhiêu bức tranh về đề tài này. Nhưng năm nay, Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm tuổi cùng với 35 năm giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước, tôi cùng với 2 họa sỹ khác, đều là những người lính từng vào sinh ra tử trong chiến trường Trường Sơn năm ấy sẽ làm chung một cuộc triển lãm vào tháng 5 tới đây tại Nhà triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền. 
Lê Trí Dũng thời ở chiến trường
Lê Trí Dũng thời ở chiến trường
Lần này có thể gọi là sự đột phá đối với cá nhân tôi khi kích thước của tranh rất to từ 2m đến 2,2m và màu sắc phần lớn đều là những gam màu nóng, có độ tương phản rất lớn để diễn tả sự ác liệt của chiến tranh. Tôi muốn người xem tranh sẽ không bao giờ quên lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chúng ta nên nhìn vào quá khứ để sống tốt hơn, đẹp hơn.

Trở về từ chiến trường, ông có thấy mình may mắn hơn nhiều đồng đội?

 
Vâng, chúng tôi biết mình may mắn hơn hàng trăm ngàn đồng đội. Nhưng những người lính, người bè bạn tôi đều đã nhất trí một điều: Thoát chết trong chiến tranh không dễ, nhưng “thoát chết trong hòa bình” còn khó hơn nhiều.
 Ông nói thật... “lính tráng”! Ngay cả cách sống của ông cũng vậy. Đồng nghiệp vẫn bảo, họa sĩ Lê Trí Dũng còn nặng nợ với đề tài người lính. Ông nghĩ sao?
 Thủa bé, khi cầm hòn đá, mài lên bức tranh “Qua bản cũ” của cha, thấy dưới làn nước lờ lờ hiện dần lên hình một người lính với chiếc mũ nan có gắn sao vàng, áo trấn thủ, quần túm ống, đeo bao gạo với khẩu súng dài... Tôi đã thấy trên đời dường như không có hình ảnh nào đẹp hơn. Bức vẽ đầu tiên của tôi cũng là một người lính như trên, nhưng đang tung lá cờ trên nóc hầm. Sau này biết văn chương gọi người lính ấy là “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Không ngờ “Anh bộ đội Cụ Hồ” ấy lại theo suốt cuộc đời tôi.
 Hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” trong những năm tháng khói lửa ấy, thật anh dũng. Theo ông, những hình ảnh trong chiến tranh đã ảnh hưởng đến hội họa của ông thế nào?
 Cho dù 50 năm nữa, 500 năm nữa, cho dù dải đất hình chữ S này có biến đổi đến đâu. Thì người lính chúng tôi vẫn tự hào vì những năm tháng chiến tranh đó. Nói cách khác, chúng tôi đã quăng toàn bộ vốn liếng cuộc đời vào cuộc chiến tranh ấy và trong nền hội họa đậm đặc dấu ấn chiến tranh này, nhiều người đã ngã xuống khi tài năng đang nảy nở, bao nhiêu kiệt tác chưa kịp ra đời, tổn thất không phải là nhỏ. Bản thân tôi, tôi vẽ bằng những cảm xúc tự hào, bằng quan niệm của một người lính trải qua chiến tranh. Hãy xem tranh tôi sẽ rõ. 

Ông quan niệm thế nào về người và công việc cầm cọ sáng tác?

Một bức tranh hổ
Một bức tranh hổ
Văn là người, vẽ cũng là người. Cha ông ta đã nói rồi. Sáng tác là việc khó nhất trong các công việc của hội họa, nó là công đoạn “ấn cò súng”. Nó bại, các động tác khác thành vô nghĩa. Mỗi người có cách sáng tác rất vất vả, chậm chạp và thành công. Người thì phóng bút, người thì tìm nhiều cái vẽ ra một cái, người thì nghĩ cho chán, làm cho thật nhanh. Đó là do tạo hóa cho mỗi người. Giới họa, giống như một đầm sen, có hoa, có lá, lá non, lá già, hoa tàn, nụ nhú, có cọng, có cỏ lác, cua, cá, bìm, nước... Một cái đầm mà hoa cứ nở tung tóe thì chịu không nổi. Nhưng các họa sĩ trẻ ngày nay chỉ thích làm hoa tung tóe...

Ý ông muốn nói, trong thế giới nghệ thuật, vẫn có những người... không làm nghệ thuật?

 Vâng, tôi muốn nói đến văn hóa, bao gồm văn hóa trong nghề nghiệp, trong ứng xử và cuộc sống nói chung. Mọi giá trị về vật chất rất mong manh, luôn thay đổi theo thời gian và dễ bị phủ nhận. Ngay cả thành đạt cũng là một giá trị tương đối. Thế mà nhiều người, mới làm được tí chuyện đã hoắng lên rồi.
 Nếu được chọn lại, ông sẽ làm gì?

Vẫn là người lính cầm cọ.

Vâng, xin cảm ơn họa sĩ Lê Trí Dũng.


Diên Khánh (thực hiện)

Đọc thêm