Trời tháng năm, nắng phả vào da thịt một cảm giác thật khó chịu. Cứ ngỡ, trời trong xanh, nước biển trong xanh như thế này thì dân chài thuận lợi với nghề cá, tôm. Thế nhưng, đối với những người làm nghề chài lưới tại làng Hòa Vân thì mùa biển nào cũng khó.
Đi biển thiếu bạn
|
|||
Theo chân hai cha con anh Ái bằng thuyền thúng ra thôn Hòa Vân. |
Từ sau cơn bão số 9 hồi cuối năm ngoái, chúng tôi mới có dịp trở lại thôn Hòa Vân, một làng chài nép mình bên dãy núi Hải Vân (thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Bình thường mùa này, ngư dân các địa phương khác của thành phố Đà Nẵng như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Khê Đông, Xuân Hà, Nam Ô… đang chộn rộn với việc đánh bắt xa bờ hoặc chí ít cũng tối ra sớm vào với vài mẻ cá tôm đầy ắp. Nhưng ở Hòa Vân thì khác.
Nhắc chuyện đi biển, anh Nguyễn Hữu Ái, người đi thuyền thúng ở Hòa Vân lắc đầu: “Họ có ghe lớn, lưới vài bộ, còn mình thứ chi cũng thiếu. Đi thúng mô dám ra xa, lỡ gặp bữa trở gió máy chạy không nổi là coi như tắc trên biển luôn”. Anh Ái là cư dân sống tại Hòa Vân từ những năm 1970, công việc chủ yếu của anh là đi biển, làm rẫy trong thôn. Do không có vốn để trang bị tàu thuyền lớn, bạn đi biển cũng không có ai, nên anh chỉ một mình một thúng. Đứa con trai học tới cấp 2 phải vào Kim Liên trọ học vì ở thôn không có lớp. Thỉnh thoảng những hôm được nghỉ học, hai cha con lại đánh vật với sóng để kiếm vài mẻ cá. Anh Ái cho biết: “Mỗi bữa ra khơi thuận lợi cũng kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng tiền cá, nhưng rồi trừ ra 40 ngàn tiền dầu cộng với tiền ăn uống cũng chẳng dư ra bao nhiêu cả. Làm biển khó khăn lắm, nhưng chỉ biết ráng thôi”.
Ở những làng chài khác, đảm nhiệm việc đi biển hầu hết là các thanh niên trai tráng hoặc những lão ngư khỏe mạnh, có kinh nghiệm, còn ở làng Vân, thanh-thiếu niên hầu như vắng bóng. Lực lượng lao động này vừa mặc cảm của người làng bệnh nhân phong, vừa muốn thể hiện bản thân ở những môi trường lao động hòa nhập cộng đồng. Thiếu người đi biển, những chiếc thuyền thúng đa số đều nằm bờ, có hộ như anh Trịnh Như Thương, không có người giúp nên “chồng chèo vợ thả lưới, tự làm tự ăn”. Hộ ông Nguyễn Văn Em cũng có thuyền đi biển, nhưng từ sau khi bị bão đánh vỡ đến nay cũng không còn mặn mà với chài lưới. Theo ông Em, một phần không có người đi, một phần cũng cụt vốn đầu tư ngư cụ.
Lặng lẽ một làng chài
|
|||
Với phương tiện đánh bắt thô sơ, ngư dân làng Vân chỉ có thể kiếm được những mớ cá nhỏ. |
Trưởng thôn Nguyễn Hữu Đức có việc phải lên bờ, Phó thôn Hòa Vân Nguyễn Văn Hiệp tiếp chúng tôi vào lúc tờ mờ tối. Thúng đi biển nằm đó, anh vừa đi làm ruộng về. Hỏi chuyện, anh Hiệp thổ lộ, số hộ có ghe, thúng đi biển đến nay chỉ còn 22 hộ. Cá tôm ngoài biển không thiếu, thậm chí, dân vùng Lăng Cô, Cầu Hai cũng vào trong này khai thác, nhưng do dân ở đây thiếu vốn để đi biển nên chỉ đánh cá vùng eo biển Hòa Vân. Bữa được bữa không, nhiều người nản biển, bỏ lên rẫy lấy củi hoặc làm ruộng, trồng rau màu. Chị Hồng, vợ anh Hiệp nói: Dân đây không ngại nghề chi, cứ làm đủ thứ. Bữa thì đi rẫy lấy củi bán cũng được vài chục, người thì đi buôn mít, mang thức ăn ra bán. Anh Hiệp cho biết: Toàn thôn hiện nay có khoảng 300 dân, số người bị bệnh không còn nhiều chỉ còn 20 người đang điều trị. Những người không bệnh hoặc đã khỏe mạnh bình thường đều gắn bó với làng chài để làm ăn sinh sống. Đám trẻ học xong tiểu học đều vào phường Hòa Hiệp Bắc học tiếp.
UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: Hằng năm, các hội, đoàn thể của phường, quận triển khai thực hiện việc cho vay vốn ưu đãi đến những hộ dân ở làng Vân. Trong đó, nguồn vốn vay phụ nữ, vốn hộ nghèo, hộ chính sách đều mang lại hiệu quả. Hỏi chuyện vay vốn, nhiều người tỏ ra phấn khởi vì được tạo điều kiện để phát triển kinh tế. So với hàng chục năm trước thì cuộc sống bây giờ của người dân đã khá hơn nhiều, ai cũng vui mừng vì được các ban, ngành thành phố Đà Nẵng và địa phương quan tâm. Tuy nhiên, với nghề biển lại không được thuận lợi. Anh Ái nói: “Giá như có vốn vay hỗ trợ cho những người đi biển ở Hòa Vân thì tốt biết mấy. Có tiền mới đầu tư được thuyền bè đánh bắt quy mô hơn, không còn cảnh loanh quanh bên cái eo núi này”.
Bài và ảnh: Duyên Anh