Dấu xưa xe ngựa, hồn thu thảo
Mỗi khi có dịp đi xa trở về Hà Nội bằng tàu hỏa, thường qua ga Thường Tín, là ca khúc “Hà nội, một trái tim hồng” vang lên, cùng giọng đọc của cô Kim Tiến về ga Hàng Cỏ đầy chộn rộn, về một khu chợ cỏ lúp xúp đầu thế kỉ trước. Ngày nay, phố Hàng Cỏ đã thành phố Trần Hưng Đạo, ga Hàng Cỏ đã thành ga Hà Nội, nhà ga như điểm hồng tâm toả ra 5 con đường lên ngược về Tây Bắc, những Yên Bái, Lào Cai, những Đông Bắc Thái Nguyên, Quảng Ninh, rồi Hải Phòng, và qua Bắc Ninh, Bắc Giang lên biên giới Lạng Sơn, Đồng Đăng và tít tắp dọc chiều dài đất nước...
Và năm 1902, năm khánh thành ga Hàng Cỏ cũng là năm khánh thành cây cầu vượt sông Cái ( sông Hồng) lúc đầu tên là Doumer, sau là cầu Long Biên (1902). Tiếp đó có đường Hà Nội - Hải Phòng (4/1903), Hà Nội - Lào Cai (4/1905), nhưng phải đến năm 1936, ba mươi năm sau con đường sắt xuyên Việt mới hoàn thành.
Dấu xưa còn lại, xung quanh ga Hàng Cỏ còn vương vấn nhiều tên làng cổ Khâm Đức, Lương Sử, Văn Miếu, Văn Chương, Lim Liên, Quán Sứ nay cũng là những tên phố. Các cụ già Hà Nội vẫn kể rằng khu đất xây dựng ga Hà Nội thuộc thôn Tiên Mỹ, huyện Thọ Xương của kinh đô Thăng Long xưa. Vài trăm năm trước, cái nền đất mà ga Hà Nội tọa lạc bây giờ là một bãi đất hoang cỏ lác, cỏ trấu mọc um tùm. Những anh lính lệ hoặc những kẻ làm công cho nhà quan, phủ chúa thường đến đây cắt cỏ về chăn ngựa, chăn voi. Rồi bãi đất hoang ấy theo thời gian biến thành cái chợ cỏ lúc nào chẳng ai hay. Ngày đó, các bà các cô bận quần lĩnh, răng đen gánh gồng hai vai là những bó cỏ đem bán. Gánh cỏ lặc lè, hai chân các bà các cô choãi ra như vạt tép. Cái chợ ấy gọi là chợ Hàng Cỏ.
Toàn bộ công trình ga Hàng Cỏ bấy giờ có diện tích lên đến hơn 21ha, trong đó người Pháp dành nửa diện tích để xây dựng nhà cửa, phần còn lại là sân ga, đường sắt. Sau rồi, do năm tháng và chiến tranh phá hoại mà cả kiến trúc, cả diện tích và hướng đường sắt cũng đã bị thay đổi hoàn toàn. Chỉ còn người già từng gắn bó cuộc đời với ga Hà Nội vẫn bồi hồi nhớ lại từng ngóc ngách, nơi hang chuột, vị trí những quả bom rơi trong chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Những cụ ông, cụ bà ngày xưa làm ở ga Hà Nội kể rằng, khi xây dựng nhà ga, người Pháp khéo léo xây thành những ô vuông chứa nước ngay trong quá trình đặt nền móng. Cả một hầm chứa nước ở dưới nền. Thời bấy giờ, sảnh chính của ga Hà Nội còn là nơi tránh nóng cho người dân xung quanh.
Ban đầu, người Pháp chỉ xây một tòa nhà chính giữa sau đó mới xây hai tòa phụ hai bên. Trong những tháng ngày chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, ga Hà Nội là một trong những điểm bị bắn phá ác liệt nhất. Năm 1972, một quả bom rơi trúng tòa chính và phá hủy hoàn toàn tòa nhà này. Tòa chính đã được xây lại và hoàn chỉnh năm 1976. Bây giờ, kiến trúc kiểu Pháp còn xuất hiện ở hai tòa nhà phụ nhưng cũng đã bị cải tạo ít nhiều.
Sân ga Hà Nội thấm đầy nước mắt của những mối tình ly biệt, người thân ly hương, những người lính ra trận... Và từ nơi gác nhỏ ngõ Chân Hưng, gần ga Hà Nội, cố nhạc sĩ Dzoãn Mẫn (nhạc sĩ thuở sơ khai của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại) đã nghe những tiếng còi xé nát tâm can “kẻ ở - người đi” mà đồng cảm để viết nên nhạc phẩm Biệt ly da diết… Sau này cũng trong căn gác nhỏ ấy, và cũng những tiếng còi tàu ấy, Dzoãn Mẫn lại viết về những cuộc chia ly nhưng lần này là cuộc chia ly màu đỏ với Nhắn người chiến sĩ. Cách mạng tháng Tám, ga Hà Nội hòa mình với không khí chống thù trong giặc ngoài, ủng hộ Nam bộ kháng chiến của cả nước. Những ngày tháng này, sân ga nối tiếp các đoàn tàu ngày đêm chở quân Nam tiến. Bài Nhắn người chiến sĩ đã được cất lên, thay cho tâm sự của triệu triệu trái tim người hậu phương nhắn về tiền tuyến...
|
Ga Hàng Cỏ Hà Nội nay (Ảnh minh họa) |
Không chỉ là hoài niệm
Có thể nói, trong tâm thức của không chỉ người yêu Hà Nội, ga Hà Nội luôn là biểu tượng, là kí ức, là một phần tâm hồn. Thế nhưng, gần đây, trước đề xuất, ga Hà Nội sẽ mọc lên khu trung tâm thương mại với tòa nhà có thể lên tới 70 tầng với lý do giảm ùn tắc giao thông, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã phản đối và bày tỏ, đất nước phát triển thì Hà Nội chúng ta cũng cần phải phát triển là tất yếu. Chúng ta mở rộng Hà Nội, ví dụ như phát triển mạnh ra khu vực Mỹ Đình như một trung tâm hành chính mới của Thủ đô; xây dựng tuyến đường Tây Hồ Tây dọc con đường dẫn ra phía Bắc cầu Thăng Long. Đường ra Sân bay Nội Bài, ra trung tâm liên vận quốc tế đi cả nước. Ở đây dự kiến có nhiều dự án của Hà Nội như: dự định xây nhà hát, tháp truyền hình...
“Tôi thấy dự án này rất vô lý. Lý do tại sao họ lại đặt ra câu chuyện đó, như đang “biến” khu Triển lãm Giảng Võ thành tháp chọc trời 50 tầng và biến ga Hà Nội thành 40-70 tầng? Hà Nội có chủ trương không chỉ chiều cao mà muốn giãn dân nội đô chỉ khoảng 80 vạn người nhưng hiện nay thì đông quá, mật độ Đống Đa cao nhất 3,6 vạn, giờ khu này 4,4 vạn thì tôi không hiểu tư vấn quốc tế nào mà họ đề xuất như vậy?! Trong khi đó, khu vực ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội thành đều là những tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc. Nếu xây dựng nhà cao tầng từ 40 - 70 tầng thì càng tắc nghẽn hơn. Cái thiếu ở khu vực này là công viên, trường học, công trình văn hóa phục vụ đời sống nhân dân chứ không phải nhà cao tầng” – theo TS Phạm Sỹ Liêm.
Còn ông Bùi Danh Liên, chuyên gia giao thông Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội GTVT) thì cho rằng, Quy hoạch nhà ga Hà Nội thuộc phạm vi Bộ Giao thông và ngành Đường sắt, nên nhà thấp tầng, hay cao phụ thuộc vào thiết kế của đường sắt. Ví dụ sắp tới có đường sắt đô thị từ Ngọc Hồi - Ga trung tâm Hà Nội, đoạn tuyến ga Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên thì Hà nội phải tham gia ý kiến để phù hợp với Quy hoạch Thủ đô. Quy hoạch phải có tầm nhìn xa hơn: sẽ có tàu cao tốc tốc độ 180km/h; Đường sắt siêu tốc gần 300km/h... thì tương lai mặt bằng phải chứa được 2 loại hình đó nên thiết kế của nhà ga phải tương đương phù hợp.
Về giao thông thì kiến trúc nhà ga cần phải ưu tiên xem xét hạ tầng giao thông đường bộ, như đường Lê Duẩn hiện nay một chiều thì không thể đáp ứng nhu cầu đi lại, còn các khu vực như đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng... thường xuyên tắc nghẽn. Chưa kể, đường thoát của ga Hà Nội không thể như hiện nay mà đầu tiên phải có mặt bằng giao thông, phải có 10 làn xe mới thoát được. Thế nhưng, trong dự án không hề đả động đến vấn đề này. Mặt sau ga đi hướng Ba Đình, Đống Đa cũng cần phải có lối thoát đường bộ, hay từ ga ra hướng Khâm Thiên và ra Đại Cổ Việt, nghĩa là phải có lối đi, lối về, chứ có tới 4 vạn dân đường nhỏ, lắt léo thế thì làm sao tải nổi lưu lượng giao thông lớn. Theo tôi, đường bộ lưu thông về ga cần phải được quan tâm đầu tiên. Xem ra đây là bản quy hoạch vùng ga Hà Nội chứ không phải là ga, mà nhà cao tầng đó chỉ điểm nhấn còn phải quan tâm khu dân cư vùng xung quanh ga.
Ông Bùi Danh Liên bày tỏ, đề ra kế hoạch mà cải tạo dân cư xung quanh trước mắt tôi chưa thấy có cơ sở khoa học kỹ thuật cũng như tiềm năng kinh tế. Vấn đề đó mới là lâu dài vì liên quan di cư người dân xung quanh và trả lại mặt bằng. Tôi thấy việc dự án đưa ra tái định cư là hơi viển vông, mơ tưởng khó thành hiện thực. Chúng ta phải học tập các nước tiên tiến, phải tôn trọng kiến trúc truyền thống sao cho ngày càng xanh sạch, chứ không nên biến khu vực xung quanh Hà Nội thành nội đô đông đúc, gây ùn tắc, quá tải hạ tầng xã hội... Sở quy hoạch kiến trúc, Sở Giao thông vận tải phải tính rõ những vấn đề như: hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường thoát nước, cung cấp điện nước là những vấn đề đặt ra rất khó khăn. Nếu nói về tầm nhìn có khó lý giải việc đó, Hà Nội đã quy hoạch thì phải thực hiện chứ không phải vẽ ra một kiểu làm một kiểu. Theo tôi, chúng ta cần phải làm đúng quy định pháp luật…
Ở góc độ văn hóa, với nhiều người, ga Hàng Cỏ là của chung, nơi chị hàng xén, anh bộ đội, cô nhân viên văn phòng ngoài việc vào mua vé tàu, còn có thể ngồi uống chén trà, ăn kẹo lạc, hay chỉ để chợt nhớ lại một câu bồi hồi “Sân ga chiều em đi” trong thơ Xuân Quỳnh. Ga là của mọi người đã đến, và đi qua Hà Nội…
Việc tồn tại của ga Hà Nội vẫn có thể mang giá trị kinh tế khi về lâu dài, Hà Nội sẽ phải xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt cần một trung tâm. Và không nơi nào xứng đáng mang danh hiệu nhà ga trung tâm hơn ga Hà Nội. Nhà ga trung tâm không chỉ là một di sản quá khứ, nó còn có thể trở thành nơi hiệu quả trong kiến trúc đô thị và đời sống người dân. Vậy nên, mọi quyết định đều chẳng thể vội vàng…